Buổi học về linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế phần hai

Vào lúc 19h30 Thứ Hai, ngày 14/09/2020, tại Hội trường Tầng 2, Nhà mục vụ Giáo xứ Thái Hà đã diễn ra buổi học thứ hai về Linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) do cha Phaolô Lưu Quang Bảo Vinh phụ trách. Buổi học có sự hiện diện của khoảng hơn 40 thành viên trong Ban Thừa Sai Giáo Dân Chúa Cứu Thế Miền Bắc.

Trong buổi học thứ hai này, cha Phaolô đã chia sẻ với cộng đoàn về chủ đề Agape (hay Charity), nghĩa là Đức ái (hay Lòng mến) trong Linh đạo của Nhà Dòng.

Nói về “agape”, đó là một từ theo Tiếng Hy-lạp dùng để chỉ Tình yêu Thiên Chúa, thứ tình yêu ở cấp độ cao nhất, một tình yêu vô điều kiện và chấp nhận hy sinh tất cả cho người mình yêu. Nó được xác định là một trong bốn loại tình yêu của con người theo quan điểm của người Hy-lạp, cùng với aeros (tình yêu đôi lứa, vợ chồng), philia (tình yêu giữa những người bạn hữu thân thiết) và storge (tình yêu của những người có quan hệ gia đình, thân thuộc). Trong Kinh Thánh Tân Ước, chúng ta có thể tìm thấy tình yêu “agape” này ở Ga 3,16; 13,1; 21,15.

Thứ tình yêu cao đẹp ấy, trong Linh đạo của DCCT, được chia ra làm ba loại, đó là:

1. Đức ái Mục tử (Pastoral Charity)

Đây là tình yêu mà Chúa Giê-su Ki-tô dành cho đoàn chiên của Ngài.

Khi nói về Đức ái mục tử, Hiến pháp của Nhà Dòng nói rằng: Các tu sĩ DCCT được kêu gọi tiếp nối sự hiện diện của Chúa Cứu Thế để hoàn thành sứ mạng của mình, một sứ mạng thiết yếu là thực thi Đức ái mục tử. Đức Giê-su Ki-tô đã hủy mình ra không, lĩnh lấy thân phận tôi đòi và phó mình cho Thánh ý của Chúa Cha trong công trình cứu chuộc, một công trình hoàn toàn hiến trọn đời mình để thi hành sứ vụ. Các tu sĩ DCCT sẽ bước đi trên con đường Đức Giê-su Ki-tô đã đi, đó là con đường khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục; một con đường phục vụ và hy sinh chính mình cho công cuộc loan báo Tin Mừng (x. Hiến pháp 50). Tu sĩ thực hiện điều này trong Hội Thánh, mà sứ mạng của Hội Thánh đã tiếp nối công trình cứu độ của Chúa Giê-su Ki-tô.

2. Đức ái Tông đồ (Apostolic Charity)

Đây là tình yêu mà các Tông đồ dành cho Chúa Ki-tô, họ chấp nhận hy sinh thân mình để làm chứng cho Ngài, đó cũng là tình yêu của các tu sĩ DCCT.
Hiến pháp 52 của Nhà Dòng nói rằng Đức ái Tông đồ chính là sự ứng đáp lại tình yêu của Chúa Giê-su Ki-tô. Đức ái này là nguyên lý thống nhất của toàn bộ đời sống tu sĩ, qua Đức ái ấy, họ tham dự vào sứ vụ của Đức Giê-su Ki-tô Cứu Thế, bởi vì Đức ái Tông đồ đồng hóa họ một cách hoàn toàn với Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng vẫn tiếp tục chu toàn Thánh ý của Chúa Cha bằng cách thực hiện hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại qua họ.

3. Đức ái Thừa Sai (Missionary Charity)

Đây là tình yêu của các Thừa Sai DCCT dành cho anh chị em mình, đặc biệt là những người nghèo khổ.

Hiến pháp của Nhà Dòng nói rằng: Vì tình yêu tuyệt đối đối với Thiên Chúa và tình yêu của con người đối với nhau, nên các tu sĩ DCCT sống hợp nhất với Thiên Chúa dưới hình thức Đức ái Tông đồ đối với Chúa vá Đức ái Thừa Sai đối với đoàn chiên. Họ chỉ tìm vinh quang cho Thiên Chúa và ơn cứu rỗi cho các linh hồn.

Như vậy, có thể thấy rằng trái tim của Linh đạo DCCT chính là Đức ái, đồng thời cũng chính là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chấp nhận hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu, vì đoàn chiên và vì cả thế gian. Theo cha Thánh An-phong-sô, việc gia nhập DCCT đối với các tu sĩ và thừa sai chính là để yêu mến Chúa và làm cho mọi người mến yêu Người.

Nhằm minh họa cho Đức ái ấy, trước khi kết thúc phần bài giảng, cha Phao-lô đã chia sẻ với cộng đoàn đôi nét về những tấm gương sáng trong lịch sử DCCT tại Việt Nam, từ các cha, các thầy Thừa Sai Ca-na-đa tới Việt Nam lập Dòng cho đến các linh mục, tu sĩ và chủng sinh người Việt sau này. Tất cả họ, dù mỗi người một xuất thân, một hoàn cảnh và một môi trường mục vụ khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là không đi trên con đường nào khác ngoài con đường của Đức ái đối với Thiên Chúa, với anh em mình và với tha nhân. Họ chính là những người thầy về đức tin và tu đức cho không chỉ các tu sĩ DCCT mà còn cho cả những Học viên Thừa Sai Giáo Dân – những người đang chập chững bước những bước đi đầu tiên trong việc tìm hiểu và dấn thân vào sứ vụ Thừa Sai của Dòng.

Trước khi kết thúc buổi học, cha Phao-lô cũng dành thời gian để giải đáp một số thắc mắc của anh chị em tham dự lớp học về vấn đề truyền giáo. Cha khuyến khích và động viên cộng đoàn tiếp tục học tập và kiên trì theo đuổi toàn bộ khóa học Thừa Sai, để trang bị cho mình những kiến thức và hành trang cơ sở trong sứ vụ truyền giáo.

Hy vọng rằng những kiến thức và chia sẻ của cha Phaolô sẽ khơi nguồn cảm hứng và đem lại nhiều điều bổ ích cho các anh chị em trong khóa hoc này. Hẹn gặp lại anh chị em trong những buổi học tiếp theo.

Augustinô Phạm Văn Khải
BBT Thừa Sai Giáo Dân Chúa Cứu Thế