Tháng 11 vừa qua được cho là tháng có nhiều tín hữu Công giáo bị sát hại ở miền trung Nigeria.
Tại Maikatako, vùng đất Công giáo, 11 người đã bị giết vào ngày 15/11 trong một cuộc tấn công của lực lượng dân quân có vũ trang, được cho là có từ 200 đến 300 người với trang phục màu đen.
Một tuần sau, ít nhất 12 thường dân đã bị giết bởi lực lượng dân quân Hồi giáo cực đoan ở thị trấn Wumat. Trong lần tấn công này, hơn 200 kẻ khủng bố đã bao vây khu định cư trên đỉnh đồi vào đêm lạnh giá, bắn chết những người dân đang tìm cách trốn thoát.
Cha Andrew Dewan, đang phục vụ cho khoảng 25 ngôi làng ở Maikatako cho biết, những kẻ tấn công bắt cóc các Kitô hữu để đòi tiền chuộc, phá hủy mùa màng và thực hiện các cuộc tấn công, giết các Kitô hữu và phá hủy kế sinh nhai của họ. Cha nói: “Chủ đích các cuộc tấn công là chiếm đất và Hồi giáo hoá. Họ đã chiếm nhiều cộng đoàn của chúng tôi và biến chúng thành những khu vực cấm đi lại”.
Ở khu vực phía bắc của Bang Benue, trong ba ngôi làng gần Guma, vào ngày 03/11, có ít nhất 18 người đã bị bắn chết, nhiều nạn nhân là trẻ em.
Tại khu vực phía nam của bang Enugu, nơi sinh sống của hơn một triệu cư dân Công giáo, ngày 21/11, một nhóm khủng bố đã tấn công các ngôi làng.
Các cuộc tấn công của các nhóm dân quân Hồi giáo được gọi bằng nhiều cách khác nhau như “người chăn gia súc”, “kẻ cướp” hoặc “tay súng vô danh”. Trong thời gian qua, các thị trấn nông nghiệp ở các bang thuộc vành đai trung tâm rộng lớn của Nigeria đang trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công này.
Các quan chức ở Nigeria thường mô tả các cuộc tấn công là các cuộc đụng độ giữa những người nông dân định canh định cư và những người chăn gia súc bán du mục trên vùng đất màu mỡ, mà họ cho rằng đã gia tăng do biến đổi khí hậu.
Đức cha Michael Gokum của Giáo phận Pankshin khẳng định: “Họ bóp méo sự thật. Nếu bạn đang ở trong nhà và ai đó đến và tấn công bạn, thì đó không phải là một cuộc đụng độ. Chúng tôi lo lắng về những vụ giết người ngày càng tăng không chỉ đối với người Công giáo mà tất cả các Kitô hữu.”
Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng nếu không có những hành động mạnh mẽ chấm dứt các cuộc tấn công không ngừng này, thì quốc gia đông dân nhất châu Phi này có thể bị đẩy vào tay những kẻ Hồi giáo cực đoan.
Ngọc Yến – Vatican News