Các Kitô hữu đang từ từ trở về Iraq

Các Kitô hữu Iraq

Đức Tổng Giám Mục Qusay Mubarak Abdullah của Mosul cho biết, các Kitô hữu đang từ từ trở về, hiện đã có khoảng 100 gia đình, đây là một dấu hiệu tốt. Tiếng chuông nhà thờ đang được vang lên.

Theo Đức Tổng Giám Mục, Mosul thủ phủ của tỉnh Ninive đang trải qua một mùa xuân mới, bỏ lại sau lưng những năm đen tối bị khủng bố thống trị. Giờ đây, trong tâm trí người dân, hoà bình là điều quan trọng nhất. Họ hiểu ISIS đã xâm phạm tự do con người và giết hại hàng ngàn thường dân. Mọi người muốn tách tôn giáo ra khỏi nhà nước và đã hiểu những thiệt hại do thái độ cực đoan tôn giáo có thể gây ra.

Nỗi sợ hãi đang dần tan biến, ký ức về âm thanh buồn tẻ và bi thảm của những khẩu súng hành quyết đang phai mờ, thay vào đó là tiếng chuông an bình đang vang lên. Những dấu hiệu này nhắc nhở các Kitô hữu đã rời bỏ Mosul vì cơn thịnh nộ của bạo lực có hy vọng trở về.

Tuy nhiên, theo Đức Tổng Giám Mục, quá trình này cần phải được hỗ trợ nhiều. Vì thế, hướng tới việc xây dựng hoà bình, Giáo hội cần phải dấn thân không ngừng. Ngài nói: “Cánh cửa của chúng tôi mở rộng cho tất cả mọi người, mọi tôn giáo. Tình yêu và lòng khoan dung, đây là ngôn ngữ của Giáo hội đề xuất một cách tiếp cận ôn hòa không cực đoan”.

Đức Tổng Giám Mục cho biết ngài đã mời các giám mục của các Giáo hội Kitô khác để cùng chung tay trợ giúp người dân, và tất cả đều đã nhận lời mời. Đây là một dấu hiệu hữu hình của sự hiệp nhất.

Ngoài ra một yếu tố quan trọng khác liên quan đến tái thiết Mosul là đối thoại liên tôn. Tất nhiên, vấn đề này rất phức tạp bởi vì sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo luôn cận kề. Nếu đối thoại giữa những người có hiểu biết, tôn trọng các giá trị nhân bản, không xem người khác là phương tiện để đạt được mục đích của mình, thì điều này sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng xã hội.

Với nhiều việc phải làm trước mắt, trong chương trình mục vụ, Đức Tổng Giám Mục tập trung chú ý dành cho các giáo xứ. Bởi vì ở những nơi này, Giáo hội có thể gần gũi với các gia đình, nhiều người trong số họ đang đau khổ vì một số thành viên đang phải chạy trốn khỏi Iraq hoặc bị ISIS giết. Những người ở lại cần phải được khích lệ và giúp đỡ. Ngoài ra một sứ vụ khác cần phải được thực hiện đó là truyền bá ý tưởng về sự tha thứ và cách giải thích đúng về Kinh Thánh và đức tin.

Đức Tổng Giám Mục khẳng định, Giáo hội Công giáo Syro tìm được sức mạnh để đối diện với những thách đố trong tương lai qua mẫu gương các vị tử đạo, Giáo hội tự hào về các vị. Các Kitô hữu xác tín niềm hy vọng mạnh hơn cái chết, hoà bình mạnh hơn chiến tranh. Niềm xác tín này không bao giờ bị chết ngạt trong máu phải đổ ra bởi những kẻ xuyên tạc danh Chúa bằng cách theo con đường huỷ diệt.