Các Kitô hữu trẻ nghĩ gì về Đại kết?

Các bạn trẻ Kitô giáo gặp gỡ trong một buổi họp mặt do Cộng đồng Taizé tổ chức tại Rôma (Ảnh: ALESSIA GIULIANI / CPP / CIRIC)

Các tín hữu Kitô giáo ở Bắc bán cầu cử hành Tuần lễ Cầu nguyện cho Sự Hiệp nhất Kitô giáo từ ngày 18 đến 25 tháng Giêng.

Các tín đồ Kitô giáo ở Bắc bán cầu và một số nơi khác trên thế giới đang cùng nhau cử hành Tuần lễ Cầu nguyện cho Sự Hiệp nhất Kitô giáo, một sự kiện thường niên diễn ra từ ngày 18 đến ngày 25 tháng 1.

Chủ đề của sự kiện đại kết kéo dài 8 ngày năm nay, trước đây được gọi là “Bát Nhật Cầu nguyện cho Sự Hiệp Nhất Kitô giáo”, đó là “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy và anh em sẽ sinh nhiều hoa trái” (x. Ga 15,5-9).

Tuần Bát Nhật Cầu nguyện cho Sự Hiệp Nhất Kitô giáo được bắt đầu vào năm 1908 bởi Hội đồng các Giáo hội Thế giới. Giáo hội Công giáo Rôma chỉ trở thành thành viên tham gia đầy đủ sự kiện này vào năm 1966, sau Công đồng Vatican II (1962-1965). Và trong khi có rất nhiều sự hăng hái nhiệt tình sau Công đồng Vatican II về triển vọng cuối cùng quy tụ tất cả các cộng đồng và các giáo phái khác nhau vào một Giáo hội thống nhất, nhiều người ủng hộ phong trào đại kết từ thời điểm đó đã trở nên chán nản.

Rõ ràng, những nỗ lực không ngừng nhằm xây dựng sự hiệp nhất của Giáo hội – điều được gọi là chủ nghĩa đại kết – phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm và sự tham gia của thế hệ Kitô hữu trẻ. Nhưng các Kitô hữu trẻ ngày nay thực sự nghĩ gì về chủ nghĩa đại kết?

“Ý nghĩa và việc sử dụng thuật ngữ đại kết có một khía cạnh mang tính chất thể chế đối với tôi”, Joseph Gotte, một Kitô hữu 23 tuổi thuộc Giáo hội Tin Lành, chia sẻ. Hòa đồng, nhưng không thù địch theo bất kỳ hình thức nào, Gotte bày tỏ cảm xúc thường được chia sẻ bởi các Kitô hữu trẻ khác ở quê hương Pháp của mình. Tuy nhiên, nếu chủ nghĩa đại kết có vẻ như xa vời hoặc phức tạp đối với giới trẻ ngày nay, thì họ không bác bỏ tinh thần của nó. “Họ chỉ sống theo cách thức khác biệt với các bậc cao niên của họ. Cuộc đối thoại đại kết, đôi khi được mô tả như là cuộc tìm kiếm làn gió thứ hai sau động lực ra đời của Công đồng Vatican II, đang được tái thiết. “Tôi hiểu hơn về sự hiệp nhất Kitô giáo”, theo Gotte, người xuất thân từ một gia đình theo phái Ngũ tuần đã tham dự các buổi lễ của Giáo hội Tin lành thống nhất của Pháp (EPUdF) khi lớn lên. Và sống ở Pháp, rõ ràng anh ta có một số người bạn đang theo đạo Công giáo. Trên thực tế, thế hệ Kitô hữu trẻ hiện nay ở đây không có xu hướng cô lập trong giáo phái của riêng họThay vào đó, họ có xu hướng tìm kiếm những mối liên hệ với những cộng đồng khác và cố gắng chia sẻ những kinh nghiệm khác nhau về đức tin của họ.

Marie-Hélène, một tuyên úy sinh viên Công giáo 20 tuổi ở Caen, gần đây đã kết bạn với một người bạn thuộc Giáo hội Tin lành. Một cuộc đối thoại thân thiện đã được thiết lập, đặc biệt là xung quanh vị trí của Lời Chúa trong cuộc sống của họ. Marie-Hélène thừa nhận rằng, trước khi quen người bạn mới của mình, chị không có bất kỳ mối liên hệ nào với các Kitô hữu thuộc các giáo phái khác. Hình thức của tình thần hữu đại kết này chắc chắn là cách mà nhiều người trẻ thích thúc đẩy tinh thần hiệp nhất Kitô giáo.

Laetitia, một thành viên 26 tuổi thuộc phong trào ‘Giới trẻ Dấn thân theo Chúa Giêsu Kitô’ (Youth for Christ) thuộc Giáo hội Mennonite, cũng đã có một trải nghiệm tích cực về việc chia sẻ đức tin với các tín hữu thuộc các giáo phái Kitô giáo khác. “Tôi có những người bạn thuộc các Giáo hội Công giáo và Luther, những người mà gần đây chúng tôi đã cùng với nhau học hỏi Kinh Thánh. Thật là phong phú khi trải nghiệm sự chia sẻ này”, Laetitia chia sẻ. “Trên hết, tôi đánh giá cao việc chúng ta có thể cùng nhau tiến lên và truognwr thành trong đức tin, cùng nhau đọc Kinh Thánh, cùng nhau cầu nguyện và không nói về 5% sự khác biệt giữa chúng ta. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa!”, Laetitia bộc bạch.

Trong số những địa điểm mang tính biểu tượng của chủ nghĩa đại kết đó là Cộng đồng Taizé. Rõ ràng, nó có một vị thế đặc biệt đối với nhiều Kitô hữu trẻ tuổi, nhiều người trong số họ đã có được kinh nghiệm đáng chú ý ở đó. Một trong số họ đó là Etienne Morin, một thành viên 20 tuổi thuộc nhóm linh hoạt viên mục vụ của nhóm tuyên úy sinh viên Công giáo tại Đại học Tours. Trong Tuần lễ Cầu nguyện cho Sự Hiệp nhất Kitô giáo, nhóm của Morin cùng với vị tuyên úy Tin lành của họ cùng nhau chia sẻ một buổi tối đầy ý nghĩa. Tại quốc gia Pháp cực kỳ tục hóa, nơi các Kitô hữu trẻ tuổi này sinh sống, các mối liên hệ đức tin xảy ra gần như tự nhiên. “Thế hệ của tôi đang tìm kiếm đường hướng của mình trong lĩnh vực đại kết”, Gotte nói. “Đối với tôi, truyền giáo và Phúc Âm hóa chính là những lá phổi của sự hiệp nhất Kitô giáo”, Gotte nhấn mạnh. “Xu hướng thế tục hóa thúc đẩy chúng ta đến gần nhau hơn bởi vì chúng ta biết rằng mình chỉ là nhóm thiểu số. Do đó, tôi tránh các vấn đề gây chia rẽ và những tranh cãi về mặt thần học. Điều gây chia rẽ chúng ta không phải là ưu tiên của tôi”, Gotte nhấn mạnh.

 Vì vậy, phải chăng những người trẻ ít có khuynh hướng và ít quan tâm đến một cuộc đối thoại đại kết mang tính phản chiếu, thể chế hoặc thậm chí thần học hơn? Mặc dù họ có xu hướng xem xét hình thức đại kết chính thức này từ xa, nhưng điều đó không có nghĩa là họ hoàn toàn không quan tâm. Nicolas, một tín đồ Chính Thống giáo 24 tuổi theo nghi lễ Tây phương, hoàn toàn ủng hộ việc hướng tới mối quan hệ hợp tác tốt hơn. “Vì mối bận tâm của chúng ta đó là cố gắng tìm kiếm sự thống nhất trong đức tin, bắt đầu từ những điểm chung của chúng ta”, Nicolas nói. Nhưng mong muốn đối với sự hiệp nhất này diễn ra với các sắc thái khác nhau, một số đặc biệt nhạy cảm với nguy cơ của “Thuyết tương đối”, như Gotte giải thích. “Cuộc đối thoại về thể chế này có vẻ phù hợp với tôi, nhưng tôi không đặt hết hy vọng vào nó, đặc biệt là vì tôi nhận thấy kết quả thần học không tốt cho lắm”, Nicolas thừa nhận. “Quả là sẽ khá dễ dàng để sống cạnh nhau và tránh những chủ đề có thể gây khó chịu”, Gabrielle Laurent, một thành viên thuộc phong trào hướng đạo Tin lành, chia sẻ thêm.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Nguồn: http://dcctvn.org/