Caritas Quốc tế kêu gọi chấm dứt chiến tranh trên toàn thế giới

Nhân Ngày Quốc tế Hòa bình được cử hành vào ngày 21/9, tổ chức bác ái của Tòa Thánh kêu gọi “chấm dứt chiến tranh và bạo lực trên toàn thế giới” và “cổ võ đối thoại để tìm ra một giải pháp chính trị cho tất cả các cuộc xung đột”.

Ngày Quốc tế Hòa binh được Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc thành lập vào ngày 30/11/1981.

Kêu gọi chấm dứt cấm vận tại Syria

Trong một tuyên bố, tổ chức Caritas Quốc tế kêu gọi bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Syria, vốn làm trầm trọng thêm cuộc xung đột, và khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị ngồi vào bàn đàm phán. Tổ chức cũng kêu gọi “thăng tiến hòa bình ở các khu vực xung đột và đảm bảo rằng các khoản viện trợ phát triển quốc tế” bắt đầu từ “các cộng đồng địa phương” bằng cách tạo ra các cơ hội giáo dục và việc làm, đặc biệt cho những người trẻ có nguy cơ bị các nhóm vũ trang và dân quân tuyển dụng. Cuối cùng, tổ chức kêu gọi “ủng hộ sự dấn thân của các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng tôn giáo trong việc thúc đẩy đối thoại liên tôn”.

 Cam kết thúc đẩy hòa bình 

Caritas Quốc tế nhấn mạnh rằng “ngày nay, do chiến tranh và bạo lực, vẫn còn hàng triệu người không thể sống xứng nhân phẩm”, “chết vì xung đột và bạo lực do sự ích kỷ, tham lam, tham nhũng, kỳ thị tôn giáo, sắc tộc và khai thác tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp.” Tổ chức khẳng định rằng hòa bình là “một nền văn hóa cần được vun đắp, chia sẻ và chung sống ở mọi tầng lớp trong xã hội”. Tổ chức cam kết thúc đẩy hòa bình thông qua việc xây dựng các cộng đồng địa phương, những cộng đồng sống tình huynh đệ thông qua đối thoại và chia sẻ” và “cũng tìm thấy nguồn cảm hứng sâu sắc trong thông điệp Phát triển các Dân tộc, trong đó Đức Phaolô VI khẳng định rằng ‘phát triển là tên gọi mới của hòa bình’”.

Chống chia rẽ và thù hận

Tổ chức bác ái Công giáo còn nhấn mạnh rằng trong thời gian đại dịch cho chúng ta thấy sự yếu đuối của sự sống con người và liên kết nhân loại để đối phó với virus, chúng ta phải chiến đấu chống mọi hình thức chia rẽ và thù hận, và hành động chống lại sự ngờ vực và sợ hãi làm suy yếu các mối quan hệ và tăng nguy cơ bạo lực. (CSR_6748_2020)

Hồng Thủy – Vatican News