Câu chuyện về bức ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu

Năm 1597 lệnh bắt đạo trên đất Nhật Bản gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tàn tạ. Tại vùng Odawara, Kamakura, người ta bắt được hai linh mục trẻ tuổi là Simauchi và Uzawa cùng nhiều ảnh tượng giải về Tokyo. Quan đại thần Tsukhamoto nhặt trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh thật kỳ cục: người gì mà để trái tim ra ngoài!

Tsukhamoto là một nhà nho uyên bác, có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh trái tim coi qua rồi vứt vào sọt rác, nhưng đến tối, ông nhớ lại và nghĩ đến bức ảnh kỳ lại kia hẳn có một ý nghĩa nào đó. Ông lượm lại bức ảnh để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya, mà quan vẫn ngồi bất động một mình với bức ảnh trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ: “ĐỐI NGOẠI HỮU KỲ TÂM, ĐỐI NỘI VÔ TÂM GIẢ”.

Từ đó Tsukhamoto đặt bức ảnh trái tim trên bàn làm việc một cách kính cẩn. Một hôm có ông bạn tên Osaki đến chơi thấy vậy hỏi.

Thế nào, bạn lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao?

Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rất thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô Giáo. Để ông bạn coi: đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì “HỮU TÂM”, còn với bản thân mình thì “VÔ TÂM”. Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài… nghĩa là phải đem hết trái tim mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì xả kỷ, đừng bao giờ lo cho riêng mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim mình ra giúp đời giúp người. Nội bức ảnh này tôi thấy đầy đủ hơn cái học Từ Bi của Phật, khoan dung hơn cái Nhân Thứ của Khổng, cao siêu hơn cái Vô Ngã của Lão, mạnh mẽ hơn cái học Dũng Thuật của Thần Đạo Nhật Bản vậy. Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm tới tư lợi, thì quả là ngay chính của thiên hạ vậy.

Osaki cảm phục sự diễn đạt của bạn. Không ngờ Đạo Công Giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu như vậy. Từ đó hai ông trở nên người bạn chí thân và đã âm thầm chịu phép Rửa Tội, đồng thời vận động triều đình thả hai linh mục… (trích tài liệu riêng của người tín hữu – Lm Trọng Hương)

Đọc xong câu chuyện này, tôi suy nghĩ nhiều về những suy gẫm và lời giải thích cho người bạn của quan đại thần Tsukhamoto khi chiêm ngưỡng hình ảnh Trái Tim Chúa Giêsu: “ Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả”.

Siêu Tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.