Cho vay nặng lãi và bài bạc có tội không?

baibac

Câu hỏi: Cho vay nặng lãi và bài bạc có tội không? Tại sao? Tôi không thấy Giáo Lý nói gì về điều này.

Trước hết, xin nói về việc cho vay nặng lãi. Đúng là Giáo Lý không nói cách rõ ràng về điều này. Nhưng chỉ là không nói “rõ ràng” thôi, chứ không phải là không nói. Cho vay nặng lãi là việc trục lợi từ một khoảng cho người khác vay với một tỷ lệ làm lời không công bằng, vượt quá mức cần thiết. Về điều này, Công Đồng Laterano V (1515) đã nói rằng đây là một điều sai vì “người ta làm lời từ việc sử dụng một điều không tự sinh ra thêm, không có sức lao động, không có phí tổn, và không có sự đánh liều nào của người cho vay.”

Trả lời: 

Việc cho vay nặng lãi có chút dính dáng đến điều răn thứ Bảy, được sách GLHTCG nói đến như những hành vi không hợp pháp trong số 2409, và không nằm trong những hợp đồng công bằng với mức lợi hợp lý nói đến trong số 2410. Vì thế, cho vay với một mức lời theo tỷ giá thị trường chung là hợp lẽ công bằng. Trục lợi từ người khác bằng cách tự quy định một mức cao hơn không hợp lý là sai vì nó đã xếp vị trí của con người xuống thấp hơn lợi ích vật chất, trong khi điều ngược lại [con người cao hơn vật chất] mới là điều đúng.

Về chuyện bài bạc, sách GLHTCG, số 2413 có nói rằng những trò chơi may rủi hay đánh bài/cá cược tự nó không trái với lẽ công bằng. Chúng chỉ trở nên không thể chấp nhận được về mặt luân lý khi nó lấy đi khỏi người ta những gì cần thiết để chu cấp cho nhu cầu của mình và của người khác. Đam mê bài bạc sẽ biến người ta thành nô lệ. Gian lận trong bài bạc sẽ trở thành một vấn đề lớn, trừ trường hợp những tác hại do nó mang lại quá nhỏ đến độ người bị hại coi nó chẳng đáng là gì. Nếu nó không gây ra thiệt hại lớn thì chính sự gian lận cũng đã là một điều sai trái rồi.

Như vậy, điều làm nên tội trong việc đánh bài/cá độ là việc ta bị cuốn hút đến độ đánh mất chính mình, không còn làm chủ mình, khiến mình trở thành nô lệ của nó, mình bị mất đi những điều kiện để chăm sóc cho chính mình và cho những ai mà mình có trách nhiệm. Đánh bài/cá độ một cách thái quá sẽ rất dễ dẫn đến chuyện hơn thua, gian lận, bất chấp tất cả. Bởi thế, tự bản thân việc tham gia những trò chơi may rủi không vi phạm về mặt luân lý, nhưng nó sẽ rất dễ dẫn người chơi đến những hậu quả không tốt hay đến những hành vi khác là những hành vi vi phạm luân lý.

(trích trong SMITH, Msgr. WILLIAM B,. Modern Moral Problems: Trustworthy Answers to Your Tough Questions, edited by Donald Haggerty, Ignatius Press, San Francisco, 2012, tr 241-246)

Lược dịch: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ