Chúa nhật 2 MC (B): Khuôn mặt nào của Đức Giêsu, khuôn mặt nào của tôi?

“Đức tin nếu chỉ khởi từ một ý thức mang tính luân lý với sự vâng lời tối mặt, thì đó chỉ là đức tin mù quáng và xuẩn ngốc’’. (Kierkegard)

Khuôn mặt của Ábraham là khuôn mặt của đức tin, tin vào quyền năng, vào thiên cơ và sự huyền nhiệm của Thiên Chúa, Đấng vượt trên trí hiểu của ông. Vì thế ông chọn sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa, dù đó là sự vâng phục trong mâu thuẫn, nghịch lý, trong thử thách kinh khủng, trong nỗi đau cùng tột phải hy sinh, khi phải đưa ra một quyết định quan trọng cho cả đời ông, giữa cái được và cái mất, là hiến tế đứa con một, đứa con mà chính Thiên Chúa đã ban cho ông. Vì thế, ông trở nên Tổ phụ của một giòng dõi được Thiên Chúa chúc phúc, và khuôn mặt của ông toát lên vẻ đẹp của sự tôn thờ Thiên Chúa trên tất cả mọi sự, khuôn mặt của lòng tín thác vào Thiên Chúa.

Nếu Tổ phụ Ápbraham đã tự nguyện “trao nộp” bản thân và tất cả những gì ông có, trong bàn tay của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa cũng sẽ trói buộc Ngài trong giao ước với ông và giòng dõi ông, vì Thiên Chúa luôn trung thành với giao ước mà Người đã kết ước.

Cuộc sống của Đức Giêsu dưới mắt người đời, dù Người đã làm nhiều phép lạ phi thường, đã trừ được quỷ dữ, đã phục sinh cho kẻ chết, để chứng tỏ mình có quyền năng của Thiên Chúa, dù Người được coi là Gioan Tẩy giả, là Êlia một ngôn sứ nào đó, thậm chí là “Đấng Kitô” như lời tuyên xưng của môn đồ Phêrô (x.Mc 8,28t), thì cũng chỉ là phàm nhân.

Nhưng Đức Giêsu không chỉ là một con người thánh thiện, vô phương trách cứ, qua biến cố Hiển Dung trên núi Tabor, Người tỏ mình là người nhưng mang lấy bản tính Thiên Chúa, mang lấy khuôn mặt hiển vinh của Con Thiên Chúa trong ánh sáng chói lọi của một vị Thiên Chúa chí thánh và quyền năng, tối cao và uy nghi ngự giữa hai vị đại ngôn sứ Môsê và Êlia, và đàm đạo với họ. Ngây ngất trong sự kinh hoàng trước khung cảnh diệu huyền, trước dung nhan hiển linh của Thầy, các môn đệ như tách mình khỏi cõi phàm trần, muốn ở lại mãi trong ánh sáng vinh hiển đó. Nhưng từ trong đám mây có tiếng phán: “Đây là con yêu dấu của ta, hãy nghe lời Người”.

Chính những lời của Đức Giêsu, Đấng đã cho các ông thấy sự hiển linh trong ánh sáng chói lọi rực rỡ đó, sẽ mô tả khuôn mặt thật của Người. Đó là khuôn mặt của Con Thiên Chúa làm người, sống thân phận con người như chúng ta, nhưng hoàn toàn tín thác cho Thiên Chúa. Nếu, sau khi xuống núi, vinh quang chói ngời của Đức Giêsu bị che dấu, thì một vinh quang khác được biểu lộ, là vinh quang của sự hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa và hoàn tất kế hoạch cứu chuộc con người của Thiên Chúa, bằng chính những đau thương của cuộc khổ nạn mà Người sẽ đi vào, sẽ khắc họa trên khuôn mặt, và những đường nét đó vĩnh viễn là Khuôn Mặt Vĩnh Cửu của Người, trong ánh sáng bất diệt (X.Mc 8,31t/ 9,31t)

Trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta hôm nay, giữa những cơn cám dỗ và thử thách, chúng ta đang mang trên mình khuôn mặt nào và muốn có được khuôn mặt nào? Sẽ chẳng có khuôn mặt nào khác cho người tin, ngoại trừ khuôn mặt của những người biết vâng nghe Lời Đức Giêsu Kitô, vâng phục Người trong mọi biến cố đau thương của những nghịch lý và trăn trở, những cay đắng và nghẹn nghào, những bầm dập và tê tái, những hy sinh mất mát, trong phận người! Phải cùng với Người đi lên Giêrusalem để được sát tế.

Đó là con đường tín thác của người môn đệ Đức Giêsu, và nơi ấy, khuôn mặt người môn đệ Đức Giêsu mới tỏa sáng lung linh, không phải bằng những vinh quang trần tục, những hào quang do con người ban tặng, nhưng là được chính Thầy Giêsu chia sẻ vinh quang hiển vinh của Người.

Nếu những người con của Thiên Chúa nhận mình là hình ảnh của Thiên Chúa và mọi người là anh em với nhau, ắt sẽ có những cách hành xử tốt lành với nhau hơn. Nếu con người nhận ra hình ảnh Chúa nơi tha nhân, chắc chắn sẽ không còn đối xử tàn bạo với nhau.

Nhưng dù có ra sao, có như thế nào, “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta? Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8, 31-35)

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.