Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi: Phép Rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi

Thái Hà (26.05.2024) – Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đếm. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. (Mt 28,16-20)

Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 1265 trình bày về ân sủng của Bí tích Rửa Tội. Đó là người tân tòng không những được tẩy sạch mọi tội lỗi, mà họ còn được trở nên”thụ tạo mới”, tức là trở thành “nghĩa tử của Thiên Chúa”, được thông phần bản tính Thiên Chúa, thành chi thể của Đức Giêsu và đồng thừa tự với Người, và thành đền thờ của Chúa Thánh Thần Như vậy nhờ ơn Chúa thông ban qua Bí tích Rửa Tội. Mọi Kitô hữu đều được tham dự vào đời sống siêu nhiên trong Ba Ngội Thiên Chúa Chí Thánh.

Trong bài giảng Chúa Nhật ngày 22.05.2016 nhân dịp mừng kính lễ Chúa Ba Ngôi, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng, nhờ phép Rửa, Chúa Thánh Thần đã dẫn chúng ta thông phần sự sống vào một gia đình mới mang tên là Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa là một “gia đình thần linh” có Ba Ngôi Vị bao gồm: Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Các Ngài yêu thương nhau đến độ trở thành Một. “Gia đình thần linh” này không khép kín trong mầu nhiệm thâm sâu nhưng mở rộng ra với nhân loại qua mặc khải. Bởi lẽ “gia đình thần linh” này mặc khải cho con người biết về các Ngài qua công trình tạo dựng cũng như suốt chiều dài của lịch sử cứu độ. Nơi trời cao, Thiên Chúa Ba Ngôi kêu gọi hết thảy mọi người có ý thức “thuộc về” gia đình Thiên Chúa, vốn chính là vương quốc đã được Thiên Chúa Ba Ngôi dọn sẵn cho những ai thờ phượng các Ngài.

Khi được lãnh nhận phép Rửa trong Chúa Thánh Thần, mỗi chúng ta được gợi với tên mới là “Kitô hữu”, nghĩa là con cái của Thiên Chúa Cha và được trở nên “bạn hữu” nghĩa thiết với Chúa Kitô. Để từ đó, mọi Kitô hữu sống chức năng làm nguôn sứ và thi hành điều Chúa Kitô truyền dạy. Đó là sống chứng tá cho những giá trị cao đẹp của Tin Mừng mà Chúa Kitô rao giảng mà qua đó làm vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thích bản thân là những Kitô hữu hèn mọn, tội lỗi, nhưng Chúa luôn mời gọi chúng con sống dồi dào trong ân sủng của Bí tích Rửa Tội, để chúng con can đảm dấn thân làm chứng Danh Chúa cho hết mọi người. Amen.

Suy niệm Tin Mừng hằng ngày,
Chấm nối chấm…