Chúa Nhật Lễ Đức Maria Thiên Chúa Thánh Mẫu_Lễ Trọng: Mẫu gương chiêm niệm

Thái Hà (01.01.2023) – Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ. 

Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ. 

Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ. (Lc 2,16-21).

Trong tông huấn tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa – Vultum Dei Quaerere (29.06.2016), Đức Thánh Cha Phanxico đã đặt Đức Maria làm mẫu mực cho đời sống chiêm niệm. Đức Maria là người phụ nữ của đức tin, người lấy Thiên Chúa làm tâm điểm đời mình. Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại sau khi lắng nghe tất cả những lời mà các mục đồng nói về Hài Nhi Giêsu, Đức Maria đã giữ kín các sự việc ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng. Tại sao Mẹ lại phải “suy đi nghĩ lại trong lòng”? Xin thưa, Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng Mẹ cũng là con người như chúng ta. Đức Tin của Mẹ vẫn phải được củng cố bằng việc “lắng nghe Lời Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Thử hỏi có người mẹ nào không từ hỏi về tương lai của con mình? Bất cứ dấu hiệu nào về con trẻ cũng khiển người mẹ suy nghĩ. Đức Maria không suy đi nghĩ lại sao được khi thấy các mục đồng đến thăm và kể chuyện về việc Thiên thần đã hiện ra ban đêm báo tin cho họ? Và Mẹ có thể nào không suy nghĩ về danh xưng “Giêsu” mà từ nay theo lệnh sứ thần, Mẹ sẽ dùng để gọi con mình. Những lời đó không đơn giản, không dễ hiểu tí nào nên Mẹ phải suy đi nghĩ lại trong lòng.

Có thể nói rằng: từ lời xin vâng của Mẹ, một kỷ nguyên mới được mở ra: Thiên Chúa đã đi vào giữa lòng nhân loại, Ngôi Hai đã nhập thể nơi cung lòng của Mẹ. Thế nhưng, cũng từ khi nói lời xin vâng đó, Mẹ bắt đầu đón nhận biết bao nhiêu thử thách, gian nan. Như vậy, Mẹ là người luôn lắng nghe, suy niệm Lời Chúa và đem ra thực hành. Chúng ta có thể nói rằng: trước khi Mẹ cưu mang Ngôi lời trong dạ, Mẹ đã cưu mang Lời Chúa trong tâm hồn rồi. Mẹ thật xứng đáng là mẫu gương trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết suy niệm Lời Chúa, để thánh ý Chúa được tở lộ trong cuộc đời con. Amen.

 

Suy niệm Tin Mừng hằng ngày, Chấm nối chấm…