Thái Hà (09.04.2017) – Tổng trấn Philatô nói với người Do Thái: “Các người muốn ta phóng thích ai cho các ngươi đây? Baraba hay Giêsu, cũng gọi là Kitô?”. Bởi vì ông thừa biết vì ghen tị mà họ nộp Người. Lúc tổng trấn đang ngồi xử án, thì bà vợ sai người đến nói với ông: “Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy”. Nhưng các thượng tế và kỳ mục lại xúi đám đông đòi tha tên Baraba mà giết đức Giêsu.
Tổng trấn lại hỏi họ: “Trong hai người này, các người muốn ta tha ai cho các người?”. Họ thưa: “Baraba!”. Tổng trấn nói tiếp: “Thế còn ông Giêsu, cũng gọi là Kitô, ta sẽ làm gì đây?”. Mọi người đồng thanh: “Đóng đinh nó vào thập giá!”. Tổng trấn lại nói: “thế ông này đã làm điều gì gian ác?”. Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!”. Tổng trấn Philatô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các ngươi liệu lấy!”. Toàn dân đáp lại: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!”. Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Baraba cho họ, còn Đức Giêsu, ông truyền cho đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá. (Mt 26,14-27,66 hoặc Mt 27,11-54)
Năm 2003, người đàn ông nọ bị quy tội giết người, dù không phải là hung thủ. Ông kêu oan khắp nơi nhưng vẫn bị kết án tù 10 năm.
Tin mừng hôm nay cũng thuật lại một phiên tòa bất công. Trong đó, thẩm phán Philatô, công tố viên là các thượng tế và kỳ mục, còn bị cáo là Đức Giêsu. Trong phiên tòa này, người công chính vô tội lại bị xử như một tội nhân. Thay vì tìm kiếm sự thật, phiên tòa này lại che lấp sự thật bằng tư lợi và hiềm khích. Vì ghen ghét và đố kỵ, các thượng tế và kỳ mục cáo gian cho Đức Giêsu. Vì sợ ảnh hưởng đến địa vị, quan Philatô không dám bảo vệ sự thật đến cùng. Ông im lặng trước những lời vu cáo của dân chúng. Gọng kìm tư lợi và ghen ghét đã bóp nghẹt sự thật.
Ngày nay, những tòa án bất công thế này vẫn còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thức. Chúng không chỉ xuất hiện cách công khai nơi đông người, mà còn kín đáo tại những nhóm nhỏ nơi người ta xầm xì, đặt điều, nói xấu và kết tội người khác.
Ở những nơi này, người ta cũng lập ra các “phiên tòa” với những “bản án” oan sai khi phán xét tha nhân. Tại đó, lòng đó kỵ, hiềm thù, tư lợi và cái nhìn thiên lệch làm người ta dễ dàng trở thành những vị thẩm phán bất chính kết tội anh chị em mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa từng là nạn nhân của phiên tòa bất chính, xin Chúa giúp con thấu hiểu sự đau đớn và nỗi ô nhục Chúa đã chịu, để chúng con không bao giờ kết án bất công với anh chị em con. Amen.
Suy niệm Tin Mừng hằng ngày,
Chấm nối chấm…