Chúa Nhật XVI Thường Niên A – Người công chính có lòng nhân ái

NGƯỜI CÔNG CHÍNH CÓ LÒNG NHÂN ÁI

(Chúa nhật XVI Thường Niên A – Tin Mừng: Mt 13,24-43)

Kính thưa anh chị em!

Lời Chúa trong phụng vụ Chúa nhật XVI thường niên năm A, bài đọc thứ nhất trích trong sách Khôn Ngoan có câu: “Người công chính phải có lòng nhân ái” (Kn12,19a). Đây là cách định nghĩa liệt kê các thuộc tính, theo đó Kinh Thánh xác định người công chính phải có thuộc tính, đặc tính là “có lòng nhân ái”. Người công chính cũng có thể có thêm các thuộc tính, đặc tính khác nhưng đặc tính “nhân ái” được coi là quan trọng nhất vì là đặc tính này xác định căn tính.

1. THIÊN CHÚA LẤY LƯỢNG TỪ BI MÀ CAI QUẢN

Căn tính của “người công chính” mà sách thánh nói đến lại có khuôn mẫu là chính Thiên Chúa. Hay nói chính xác hơn là mô phỏng lại cách mà Thiên Chúa cư xử với dân của Người. Sách Khôn Ngoan nói rất rõ, mặc dù chẳng có thần nào lớn hơn Thiên Chúa để có thể phán xét những quyết định của Người. Nhưng không phải vì thế mà Thiên Chúa lại phán xử không công minh. Ngài phán xử công minh bằng chính sức mạnh quyền năng của Ngài. “Lạy Thiên Chúa, ngoài Ngài ra, chẳng còn thần nào khác để Ngài phải chứng tỏ rằng các phán quyết của Ngài không bất công. Chính do sức mạnh của Chúa mà Chúa hành động công minh.” (Kn 12,13.16a). Có một điều lạ lùng, vị Thiên Chúa đầy quyền năng và phán xử công minh lại là một Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu. Sách Khôn Ngoan lý giải: “vì Chúa làm bá chủ vạn vật, nên Chúa nương tay với muôn loài (c.16); Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con. (c.18)”.

Kinh nghiệm về một vị Thần toàn trí, toàn năng, sức mạnh vô song, phép tắc vô cùng; là chủ tể cuộc sống của con người và tự nhiên là kinh nghiệm chung không chỉ của dân Israel, nhưng cũng là kinh nghiệm của nhiều tộc người cổ xưa trên thế giới. Nhưng kinh nghiệm độc đáo của dân Israel cho chúng ta có cái nhìn khác về Thiên Chúa, dù Ngài đầy quyền năng, phán xét công minh; nhưng cũng đồng thời lại là một vị Thiên Chúa đầy lòng từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương. Như lời khẳng định của Thánh vịnh 85: “Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín.” (Tv 85,15).

Có thể nào dung hòa hai điều như thể trái ngược trên khuôn mặt của một vị Thiên Chúa như vậy không? Kinh Thánh không tìm cách để lý giải sâu xa, nhưng trình bày kinh nghiệm của dân Israel về tất cả những gì mà Thiên Chúa đã đối xử với họ. Đó vừa là nền tảng của sự hiểu biết về Thiên Chúa, nền tảng của tất cả những hành động thờ phượng và nhất là niềm tin – tôn giáo của dân Israel.

2. ĐỂ CẢ HAI CÙNG LỚN LÊN CHO TỚI MÙA GẶT

Kính thưa anh chị em!

Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay (Mt 13,24-43), chúng ta thấy Chúa Giêsu kể ba dụ ngôn liền nhau. Trong đó, dụ ngôn đầu tiên được giải thích ở phần cuối của bài Tin Mừng. Các dụ ngôn nói về Nước trời được ví như câu chuyện người gieo giống tốt trong ruộng của mình, như hạt cải được gieo vãi, như nắm men trong hũ bột. Các dụ ngôn có nhiều ý nghĩa, nhưng chúng ta để ý vào dụ ngôn được Chúa Giêsu giải thích. Đó là dụ ngôn, Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.

Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói, nếu kẻ thù của chủ ruộng lúa không gieo thêm cỏ lùng vào ruộng lúa của ông. Tin Mừng nói rõ, kẻ thù đến vào ban đêm và gieo cỏ lùng xong thì đi mất. Câu chuyện tiếp diễn khi các gia nhân của chủ ruộng lúa phát hiện ra cỏ lùng và ngay lập tức muốn ra đi gom lại. Ông chủ can ngăn: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.” (Mt 13,29) Ông chủ nói tiếp: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt : Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’.”

Chỉ cần đọc tới đây, chúng ta đã nhận ra cách rõ ràng sự kiên nhẫn của ông chủ ruộng lúa. Ông biết rõ ruộng lúa có cỏ lùng; ông biết rõ kẻ thù gieo vào ruộng của ông, nhưng ông vẫn kiên nhẫn “chờ đợi” đến ngày mùa. Ngày mùa là ngày phán xét, lúc đó kẻ thù và cỏ lùng không còn cơ hội lẩn khuất trước ánh sáng công minh của Thiên Chúa. Và cuộc phán xét dành cho lúa tốt và cỏ lùng trở nên rõ ràng. Lúa tốt là người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha họ; còn cỏ lùng là mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, sẽ bị quăng vào lò lửa; ở đó, họ sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

Lòng nhân hậu của Thiên Chúa được thể hiện trong thời gian hiện tại. Cho dù Chúa Giêsu biết cỏ lùng là con cái Ác Thần nhưng không vì thế mà “cỏ lùng” không có cơ hội sám hối và thay đổi. Vẫn còn đó sự kiên nhẫn, sự trì hoãn đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho họ. Vấn đề là, ai sẽ là người nhận ra tình trạng thực sự của mình để sám hối để trở về với Chúa?

Thiên Chúa là Đấng quyền năng, công minh và đầy lòng nhân hậu. Dù chúng ta có tội lỗi thế nào, thì Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta ăn năn sám hối. Hình ảnh của ông chủ ruộng lúa trong bài Tin Mừng khắc họa dung mạo của Chúa Giêsu và cũng là dung mạo của Thiên Chúa. Một lần nữa chúng ta nhắc lại lời thánh vịnh: “Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín.” (Tv 85,15). Chỉ khi nào, chúng ta ngoan cố đến cùng trong tình trạng xa cách Thiên Chúa, từ chối đón nhận ân sủng cứu độ, chỉ khi ấy, khi đến ngày phán xét, thì chúng ta phải đối diện với một Đấng xét xử công minh. Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng công chính và đầy lòng nhân ái.

3. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, như lời của thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai hôm nay: “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải ; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.” (Rm 8,26). Tiếng rên siết của Thần Khí là tiếng rên siết của tình yêu trong lòng chúng con. Nhưng, như Chúa biết, chúng con bị bủa vây bởi Ác Thần và những trò lừa gạt của chúng. Chúng con chấp chới giữa “cỏ lùng” và “lúa tốt”, nghiêng ngả giữa sóng gió của chọn lựa thiện – ác mỗi ngày. Nguyện xin Thần Khí Thiên Chúa luôn hoạt động mạnh mẽ, để chúng con tận dụng tốt thời gian “chờ đợi” mà Chúa đã thương ban mà sống cho xứng đáng trong tư cách làm con Thiên Chúa.

* Tận dụng thời gian Chúa đang “chờ đợi” để cầu nguyện, để làm việc lành.

Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, C.Ss.R