Chúa Nhật XXVI Thường Niên: Tư cách làm con Chúa

Thái Hà (01.10.2023) – Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!’ Nó thưa lại rằng: ‘Con không đi’. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: ‘Thưa cha, vâng, con đi’. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?” Họ đáp: “Người con thứ nhất”. Chúa Giêsu bảo họ: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”. (Mt 21,28-32)

Một người lính đã chịu phép Rửa được ba năm, nhưng trong suốt thời gian ấy, anh ta giống như không biết đến Chúa. Trên chiến trường lúc bị trọng thương và hấp hối, anh nói với bạn mình rằng: “Giờ tôi sẽ chết như một Kitô hữu vì đã chịu Phép Rửa, nhưng ước gì tôi chết như một Kitô hữu thật sự. Tôi đã bỏ phí mất ba năm vì đã không sống như một Kitô hữu thực sự”.

Câu chuyện dụ ngôn về hai người con tưởng chừng như đã kết thúc ngay từ đầu, ngay khi hai người con được cha sai đi làm vường nho. Thái độ đáp trả ý muốn người cha dễ khiến người ta kết luận ngay về mối tương quan của mỗi người con đối với cha. Khi được mời gọi làm việc, người con thứ nhất từ chối, cũng có nghĩa là từ chối tư cách làm con, còn người thứ hai thì mau mắn vâng theo như một người con thực sự. Thế nhưng, tình tiết cả hai đều thay đổi 180 độ đã khiến vấn đề được đặt lại. Ai mới là người vâng nghe lời cha thực sự? Ai mới thực sự là con?

Người thứ nhất cho dẫu lúc ban đầu từ chối, nhưng nhờ biết hối hận, hành động sau đó cho thấy trong anh có tư cách của người con thực sự. Còn người thứ hai, dù đã mau mắn thể hiện tư cách người con, nhưng vì quá tự mãn về tư cách đó, anh đã hành động không tương xứng với chính vị thế của mình.

Nhờ phép Rửa, chúng ta trở thành con cái Nước Trời. Nhưng liệu chúng ta đã thể hiện tư cách là con cái Nước Trời nơi cuộc sống hằng ngày hay chưa? Nếu không biết xây dựng công bình và bác ái, không biết yêu thương tha nhận như chính mình, thì coi chừng chúng ta cũng không hơn gì người con thứ hai trong dụ ngôn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức mình là Kitô hữu, là Kitô hữu, là con cái Nước Trời, để nhờ đó biết hành động xứng với phẩm giá cao quý đã được lãnh nhận khi chịu Phép Rửa. Amen.

Suy niệm Tin Mừng hằng ngày,
Chấm nối chấm…