Của cải và hạnh phúc: một cơ may bị đánh mất

CỦA CẢI VÀ HẠNH PHÚC: MỘT CƠ MAY BỊ ĐÁNH MẤT

(Mc 10, 17-30)

Hôm nay Thánh Máccô tường thuật cuộc GẶP GỠ rồi CHIA TAY của anh thanh niên giầu có với Chúa Giêsu (Mc 10, 17-27).

Anh thanh niên kia có những cái đáng khen. Vì, trước nhất, anh gọi Ngài là Đấng Nhân Lành, nghĩa là anh tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa.

Tiếp theo, anh là người sâu sắc, vì anh có ý thức về mục đích tối hậu của cuộc đời mình. Nhiều người già đời mà vẫn chưa biết suy nghĩ và đặt vấn đề như anh.

Chưa hết! Câu trả lời của anh với Chúa cho thấy: từ thuở nhỏ anh đã “không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm chứng gian, không làm hại ai, và thảo kính cha mẹ!”

Mấy người trong chúng ta đã sống được như anh và dám trả lời Chúa cách tự tin như anh?

Sau cùng, anh là người có nhiều của cải. Anh đúng là người hiếm có xưa nay! Trẻ trung, có tri thức, giầu có và sống rất đạo đức.

Anh mà đi hỏi vợ thì đắt số một. Người như anh đi tới đâu thì các cô thích tới đó. Thánh Máccô nói Chúa cũng thích anh. “Chúa nhìn anh và đem lòng yêu mến.”

Người như anh, có lẽ hạnh phúc lắm? Không! Thực tế không phải vậy. Trẻ đẹp, tri thức, giầu có, đạo đức vẫn chưa đủ làm cho anh hạnh phúc. Anh vẫn khắc khoải.

Vì thế anh đã đi tìm Chúa Giêsu. Gặp ngài, anh hỏi ngay: “Thưa thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”

Trước nhất Chúa bảo anh thực hành các giới răn, vì luân lý là nền tảng của hạnh phúc. Tuy nhiên, chỉ luân lý mà thôi thì cũng vẫn chưa đủ. Do đó, Chúa nói với anh: “Anh chỉ thiếu có một điều là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng ở trên trời, rồi hãy đến theo tôi.”

Trong nguyên ngữ Hy Lạp, cũng như trong bản dịch các ngôn ngữ châu Âu, lời Chúa nói trên đây bao gồm 5 động từ ở thể mệnh lệnh và diễn tả các hành động liên tiếp: “Hãy đi, hãy bán, hãy cho, hãy đến và hãy theo tôi!”

Điều này chứng tỏ đòi hỏi của Chúa rất quyết liệt, rất cấp bách và rất triệt để! Chúa đòi anh phải hy sinh, phải từ bỏ, phải bác ái, phải theo Chúa.

Anh có dám liều mất tất cả để đáp lại tiếng Chúa mời gọi không?

Không! Anh không dám! “Anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi.” THẾ LÀ MỘT CƠ MAY HẠNH PHÚC BỊ ĐÁNH MẤT!

Thật đáng tiếc cho anh! Thấy thế, Chúa đã phải thốt lên: “Người giầu có thì khó vào Nước Trời biết bao!”

Thực tế của cải có giá trị của nó. Nó là qùa tặng Chúa ban. Tuy nhiên,“tiền bạc không phải là thứ vạn năng. Nhiều tiền có thể mua được tôi tớ nhưng nhưng không thể mua được duyên với người.

Nhiều tiền có thể mua được quần chúng, nhưng không thể mua được lòng người. Nhiều tiền có thể mua được cá thịt, nhưng không thể mua được sự ngon miệng.

Nhiều tiền có thể mua được lầu cao nhà lớn, nhưng chẳng mua được sự tự tại. Nhiều tiền có thể mua được y phục hoa mỹ, nhưng không thể mua được khí chất.

Nhiều tiền có thể mua được cổ phiếu, nhưng không thể mua được tâm ý đầy đủ. Nhiều tiền có thể mua được giường nệm, nhưng không thể mua được giấc ngủ ngon.

Ðiều trọng yếu nhất: nhiều tiền có thể mua được vật chất thế gian, nhưng không thể mua được trí tuệ”.

Thiền sư Tinh Vân, người Ðài Loan, trong tác phẩm “Tất cả đều là lẽ đương nhiên” (tr.182-183) viết như vậy, và chúng ta có thể thêm:

Nhiều tiền có thể mua được mọi sự thế gian, nhưng không mua được sự sống và hạnh phúc đời đời trong trong tình yêu của Chúa Trời và của con người.

Nói như vậy không có nghĩa là Chúa dạy ta coi khinh của cải. Không! Chúa luôn muốn ta sống đầy đủ và phong phú. Nghèo đói là một sự hạ giá và xúc phạm phẩm giá con người.

Chính quyền nào nhân danh những lý tưởng viển vông, áp đặt những chính sách và biện pháp phá hoại sản xuất, bần cùng hóa xã hội thì đó là chính quyền phản dân hại nước; đó không phải là chính quyền Chúa muốn và người mong.

Tuy nhiên, ngược lại, cũng là sai lầm khi ta tôn thờ của cải. Ai coi của cải là mục đích duy nhất và tối hậu của đời mình, thì người đó đang lạc xa đàng rỗi.

Chế độ nào dạy rằng vật chất quyết định tinh thần, rằng kinh tế quyết định và giải thích tất cả, kinh tế là thước đo mọi sự thì đấy là chế độ phi nhân, đang lừa dối con người, tha hóa con người cũng như làm tổn hại sự sống và hạnh phúc toàn vẹn của họ.

Vì Chúa dạy không ai có thể làm tôi hai chủ, vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của. Nếu coi của cải là đủ và là tất cả để mang lại hạnh phúc thì người ta còn bất hạnh.

Không làm hại ai là đáng phục, nhưng không biết chia sẻ những thứ mình có thì vẫn là đáng trách. Không hy sinh và dấn thân cho tình yêu thì cũng chưa biết tình yêu và hạnh phúc là gì.

Còn gắn bó sống chết với giá trị trần gian mau qua thì vẫn chưa thể kinh nghiệm về Chúa Trời vĩnh cửu và chưa thể đón nhận sự sống dồi dào do Ngài ban tặng.

Lạy Chúa xin đừng để chúng con coi tiền bạc là tiên, là Phật, là tất cả. Xin đừng để của cải chúng con sở hữu giam hãm chúng con trong nỗi buồn vô tận và nỗi cô đơn mênh mông.

Xin cho chúng con biết chia sẻ những gì chúng con có vì yêu Chúa, yêu người và sẵn sàng hy sinh mọi sự trần gian để theo Chúa và gắn bó với Chúa đời đời chẳng cùng. Amen.

Roma 09 tháng 10 năm 2021

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT