Đây là chương trình tĩnh tâm được chuẩn bị cho những người muốn biến thời gian 15 ngày “cách ly toàn xã hội” thành một hành trình vào sa mạc tâm linh.
Chương trình này kéo dài trong 14 ngày với 14 đề tài tĩnh tâm khác nhau. Tuy nhiên, lưu ý rằng đây chỉ là gợi ý mà thôi, bạn hoàn toàn tự do để chọn chủ đề thích hợp với bạn trong mỗi ngày. Bạn cũng có thể chọn một số ngày để tĩnh tâm tùy theo hoàn cảnh của bạn, không nhất thiết phải đi hết 14 ngày.
Chương trình tĩnh tâm này sẽ yêu cầu bạn hình dung bản thân bạn là những nhân vật trong các câu chuyện của Tin Mừng. Đây là một cách hữu ích để cầu nguyện. Bạn có thể ngồi tĩnh lặng, có thể bật nhạc nền, có thể ngồi trong nhà hay ngoài vườn, … Miễn sao bạn thấy thoải mái nhất để cầu nguyện.
Nếu được, bạn hãy đánh giá lại sau mỗi ngày tĩnh tâm, để xem con tim của bạn được biến đổi ra sao. Việc lượng giá càng hữu ích hơn nếu bạn thấy mất bình an trong thời gian cách ly này.
Sẽ rất hữu ích nếu bạn có ai đó đồng hành để lắng nghe bạn chia sẻ trong suốt cuộc tĩnh tâm này.
NGÀY I: CHUYỆN GÌ XẢY RA TRONG SA MẠC
BAN SÁNG:
1. Chuẩn bị cầu nguyện
Ngồi xuống một cách thoải mái, thả lỏng cơ thể. Hãy để bản thân bạn thư giãn. Nhìn xung quanh căn phòng, nơi sẽ là “sa mạc tâm linh” của bạn trong kì tĩnh tâm này. Nhìn qua khung cửa sổ để thấy thế giới xung quanh bạn. Hãy để Thiên Chúa bước vào căn phòng và bước vào cuộc đời của bạn.
2. Dâng Chúa những nguyện ước
Bằng vài từ ngắn gọn hoặc bằng một hình ảnh nào đó, bạn có thể diễn tả bạn cảm thấy thế nào lúc này không? Bạn mong muốn Thiên Chúa sẽ đồng hành với bạn như nào trong ngày hôm nay? Hãy cầu xin Ngài mở lòng mở trí bạn, để bạn đón nhận bất kì điều gì Ngài gửi đến cho bạn.
3. Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin giúp con mở lòng ra với Chúa, ngay bây giờ và trong suốt ngày hôm nay. Con tin rằng Ngài hiện diện ở mọi nơi, xin cho con cảm nhận được Ngài đang hiện diện với con lúc này đây. Xin cho con luôn nhớ rằng Ngài yêu thương và muốn ở bên con. Amen.
4. Đoạn Tin Mừng để cầu nguyện trong ngày
(Lu-ca 4, 1-4)
1 Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về.2 Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói.3 Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi! “4 Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”
Thánh Vịnh 121
ĐỨC CHÚA là Đấng bảo vệ Dân
Ca khúc lên Đền
Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi,
ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?
Ơn phù hộ tôi đến từ ĐỨC CHÚA
là Đấng dựng nên cả đất trời.
Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước,
xin Người chớ ngủ quên.
Đấng gìn giữ Ít-ra-en,
lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!
Chính CHÚA là Đấng canh giữ bạn,
chính CHÚA là Đấng vẫn chở che,
Người luôn luôn ở gần kề.
Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ,
đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi.
CHÚA giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh,
giữ gìn cho sinh mệnh an toàn.
CHÚA giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới,
từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.
5. Suy niệm
Khi cả xã hội bước vào cuộc cách ly diện rộng, chúng ta có cảm giác căng thẳng, mệt mỏi. 15 ngày sao tưởng như một thời gian dài dằng dặc. Chúng ta khắc khoải âu lo vì những ngày sắp tới. Chúa Giê-su có lẽ cũng cảm thấy như vậy khi Ngài một mình bước vào hành trình 40 ngày trong sa mạc. Dân Do thái xưa kia cũng thế, họ không tránh khỏi sự nản lòng trong 40 năm lang thang trong sa mạc.
Chúng ta bắt đầu cuộc tĩnh tâm của chúng ta bằng việc đọc lại đoạn Tin Mừng kể về việc Chúa Giê-su vào sa mạc. Ngài bước đi mà không mang theo thức ăn, sẵn sàng đương đầu với cái nắng, cái gió, cái nhiệt độ nóng thiêu đốt ban ngày và lạnh thấu xương ban đêm. Và Ngài còn đương đầu với những nỗi sợ hãi, lo lắng bên trong tâm hồn.
Cuộc “cách ly toàn xã hội” cũng chính là thời gian chúng ta bước vào sa mạc nội tâm của mình. Chúng ta phải xa vắng bạn bè và các mối tương quan thường ngày. Sự cô đơn, vắng vẻ khiến con tim chúng ta trở nên trĩu nặng. Nhưng rõ ràng, chúng ta được dẫn vào cõi sa mạc này, như xưa kia Chúa Thánh Thần dẫn đưa Chúa Giê-su vậy. Đây là một cơ hội để qua đó, chúng ta suy nghĩ lại cuộc đời mình và bồi đắp mối tương quan giữa cá nhân với Chúa Giê-su.
6. Cầu nguyện như nào?
Có rất nhiều cách để cầu nguyện. Hãy làm bất cứ điều gì hữu ích để bạn được trở nên gần hơn với Thiên Chúa.
Nếu bạn thích đoạn Tin Mừng hôm nay, hãy đọc nó một cách chậm rãi vài lần và để tâm hồn chìm đắm trong câu chuyện. Sau đó, hãy tưởng tượng khung cảnh sa mạc qua con mắt của Chúa Giê-su. Tưởng tượng Ngài sẽ thấy thời gian trôi qua như thế nào. Hãy so sánh điều Ngài có thể trải qua với điều bạn cảm nhận trong thời gian cách ly này. Hãy nói chuyện với Ngài như thể nói với một người bạn thân.
Đoạn Thánh vịnh 121 sẽ cho bạn những ý để cầu nguyện trong suốt ngày hôm nay, nếu bạn thấy có ích. Khi nhẩm đi nhẩm lại những câu thánh vịnh này, hãy để các hình ảnh chiếm trọn con tim và đụng chạm đến cõi lòng bạn. Thánh Vịnh này mời gọi chúng ta tin tưởng vào sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Bạn cũng có thể bật một vài bản nhạc không lời để dễ dàng lắng đọng tâm hồn hơn.
7. Cầu nguyện kết thúc
Ôi Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương yêu, con cảm ơn Chúa đã đồng hành với con trong thời gian cách ly đầy khó khăn này. Xin Ngài cũng nâng đỡ những người khác đang cách ly trong thời gian dịch bệnh. Cảm ơn Chúa vì món quà là những người yêu thương con và những người mà con thương yêu. Trong những ngày này, xin bày tỏ cho con thấy Ngài yêu thương con dường nào, và giải thoát con để con yêu thương Ngài sâu đậm hơn nữa. Con cầu xin Ngài nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con.
8. Lượng giá việc cầu nguyện
Dành vài phút để nhìn lại quá trình bạn cầu nguyện. Đừng lo lắng vì bạn thấy chưa tốt. Thay vào đó, hãy xem lại những chỗ nào mà con tim bạn bị khuấy động – vì yêu thương, vì tức giận, vì âu lo hay bất kì cảm xúc nào khác. Dâng những lúc lo ra, chia trí này lên cho Chúa. Nếu được, hãy viết ra giấy điều bạn muốn viết.
BAN TỐI:
1. Nhận thức sự hiện diện của Thiên Chúa
Hãy cảm ơn Chúa vì Ngài dẫn đưa bạn suốt ngày hôm nay. Nhớ lại những sự kiện đã xảy ra trong ngày. Ngày hôm nay có thể nặng nề và không suôn sẻ với bạn. Hãy xin Chúa giúp bạn nhìn nhận mọi việc bằng ánh mắt của Ngài.
2. Chú ý đến cảm xúc
Thần Khí Thiên Chúa hoạt động trong từng sự thay đổi của cảm xúc trong con tim. Nhìn nhận lại ngày hôm nay của bạn như một cuốn phim tua chậm lại. Bạn đã trải qua những cảm xúc nào trong suốt ngày hôm nay. Buồn chán? Phấn khởi? Bực bội? Thương xót? Giận dữ? Tự tin? Vui mừng? Những cảm xúc này đến từ đâu? Chúa muốn nói gì với bạn qua những cảm xúc này?
3. Chọn một khoảnh khắc trong ngày và sống lại giây phút đó
Cầu nguyện với Thánh Thần để Ngài hướng dẫn bạn chọn một cảm xúc tác động mạnh đến bạn trong ngày hôm nay: cảm xúc yêu thương, buồn chán, tức giận, thanh bình hay giận ghét … Đó có thể là một cuộc gặp gỡ quan trọng với một người khác, hoặc một giây phút sống động của sự bình an. Hoặc có thể một thứ gì đó, không quan trọng lắm, nhưng đụng chạm đến con tim bạn, một bông hoa, một nhánh cây ngọn cỏ chẳng hạn. Hãy để bạn đón nhận dòng chảy cảm xúc một cách tự nhiên nhất – dù bạn thấy biết ơn hay tiếc nuối, vui mừng hay tức giận.
4. Trong đợi ngày mai
Hãy xin Chúa hướng dẫn bạn vượt qua những thử thách của ngày mai. Chú ý đến cảm xúc xuất hiện khi bạn hình dung chuyện gì sẽ xảy ra ngày hôm sau. Bạn nghi ngờ? Hân hoan? Hay lo sợ? Hãy dùng những cảm xúc này làm chất liệu cầu nguyện. Xin Chúa chỉ dẫn, xin ơn hiểu biết hoặc ơn hi vọng, và lạc quan.
5. Kết thúc cuộc trò chuyện với Giê-su
Hãy xin ơn chữa lành, xin Chúa bảo vệ, trợ giúp hoặc ban cho bạn ơn khôn ngoan để giải quyết những khó khăn bạn gặp phải. Tạ ơn Chúa vì món quà sự sống, và tạ ơn Chúa vì những người thân yêu bên cạnh bạn.
Nguồn:
Chuyển ngữ: Duc Trung Vu, CSsR