Đấng đáng kính Alfred Pampalon CSsR, vị tông đồ cho những người mắc các chứng nghiện

“Ngày 15 tháng 11, Ngày Thế giới nói Không với Rượu bia, là cơ hội để tìm kiếm sự giúp đỡ từ ‘linh mục bảo vệ’ của những người bị nghiện rượu, cha Alfred Pampalon, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế , ” theo cổng thông tin Aleteia dịch lại từ một trong những bài báo của họ xuất bản bằng tiếng Pháp.

Hàng triệu người mắc chứng nghiện rượu và chịu đựng những hậu quả của nó, và nhiều người trong số họ chia sẻ kinh nghiệm của họ trong phong trào Alcoholics Anomymous (Những Người nghiện rượu ẩn danh). Nói về rượu để từ bỏ nó đã là phương châm của phong trào quy tụ hơn hai triệu người trên toàn thế giới trong hơn 57 năm qua. Một số người trong số họ cũng đi theo con đường tâm linh, sẵn sàng “khám phá ra rằng có một Thiên Chúa yêu thương họ” và trông cậy vào sự bảo vệ của Cha Alfred Pampalon, C.Ss.R., vị thánh bảo trợ của tất cả những người mắc các chứng nghiện ngập.

Cha Pampalon đã hỗ trợ những người mắc các chứng nghiện ngập vốn tước đi một sự tự do của con người. Vị tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế này được Đức Giáo hoàng John Paul II tuyên bố là Đấng đáng kính vào ngày 14 tháng 5 năm 1991.

Cha Alfred Pampalon CSsR

‘Người cha nhân lành Alfred’, như người ta thường gọi ngài, sinh ra ở Lévis, thuộc tỉnh Quebec của Canada, vào ngày 24 tháng 11 năm 1867. Khi lên năm tuổi, thân mẫu qua đời và ngài quyết định rằng từ đó về sau, Đức Trinh Nữ Maria sẽ là mẹ của mình.

Năm 17 tuổi, ngài mắc một căn bệnh hiểm nghèo, tới mức tưởng chừng không qua khỏi và đã lãnh nhận những nghi thức cuối cùng. Sau khi hồi phục, được cho là nhờ sự cầu bầu của Thánh Anne, Alfred bắt đầu một cuộc hành hương, đi bộ đến đền thờ Sainte-Anne-de-Beaupré để tạ ơn sự chữa lành diệu kì của mình. Ngài quyết định sống như một người con cái của Thánh Anphongsô de Liguori, trong tư cách của một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, đến gần những người nhỏ bé và những người đau khổ, đến gần Thiên Chúa và mang lại bình an cho những con tim đang thao thứ.

Sau khi chịu chức linh mục, ngài bắt đầu có dấu hiệu của bệnh lao nhưng vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình: giải tội, hướng dẫn các linh hồn, an ủi người nghèo, rửa tội…

Vào ngày 30 tháng 9 năm 1896, ngài trút hơi thở cuối cùng. Kể từ khi ngài qua đời, đã có rất nhiều lời chứng về việc chữa lành thể chất và tâm linh từ những người đến thăm mộ ngài, trong vương cung thánh đường Sainte-Anne-de-Beaupré, Canada, để cầu xin ngài cầu thay nguyện giúp.

Vu Duc Trung, C.Ss.R