Đau khổ có tránh được không?

Chuyên mục của nhà tâm lý và phân tâm Jacques Arènes trả lời độc giả trên tuần báo La Vie về các câu hỏi thuộc lãnh vực thiêng liêng hay hiện sinh.

Tôi xin hỏi: Có phải đau khổ là điều không thể tránh được không? Tôi đặt cho tôi câu hỏi này ở một bối cảnh cụ thể.

Cách đây 20 năm, tôi có sống ba năm trong Cộng đoàn Các Mối Phúc, tôi có kinh nghiệm lệch lạc tà phái ở đó. Thêm nữa tôi kết hôn với một người đàn ông đau khổ và ông ngược đãi tôi. Cách đây năm năm, tôi đấu tranh để vượt lên chấn thương của hai chuyện vướng mắc này, tôi bị một linh mục tấn công tình dục và tôi đã kiện lên văn phòng công tố từ nhiều tháng nay. Trong hoàn cảnh đau thương này, tôi cảm thấy khó khăn khi hành nghề y tá của tôi.

Lại thêm con trai thứ nhì trong ba người con tôi đã muốn tự tử, cháu phá cửa sổ trong lớp học, một giáo sư đã chận lại được. Con trai tôi kéo dài đau khổ đã từ nhiều năm nay.

Khi chúng tôi ngồi với cha của cháu ở phòng cấp cứu khoa tâm thần để cùng tháp tùng với con, cha của cháu nói: “Dù sao thì đau khổ là điều không thể tránh khỏi, Chúa Kitô đã không nói điều đó sao?”.

Tôi tìm rất nhiều nhưng chưa thấy đâu có câu này của Chúa. Dĩ nhiên Chúa nói ai đi theo Chúa phải vác thập giá, nhưng cuộc đời của Chúa là loan báo Tin Mừng và chữa lành. Các Mối Phúc nói “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.” Theo tôi, theo Chúa không có nghĩa là mình không đấu tranh với đau khổ. Vì những ai an ủi kẻ sầu khổ, đó đúng là những người hiện thân cho Các Mối Phúc, những người làm cho Các Mối Phúc thành cụ thể, đúng không?

Vậy đau khổ có phải là không thể tránh được không? Myriam

Câu trả lời của tâm lý gia Jacques Arènes

Tôi đã xóa một số chi tiết trong câu hỏi của bà vì để tôn trọng khía cạnh riêng tư, nhưng phần chính yếu vẫn còn.

Câu hỏi của bà rất quan trọng. Trên thực tế, cuộc đời của bà trải qua các đau khổ “có thể tránh được”: bà không nên coi nhẹ về những gì tôi viết. Tôi muốn nói, bị lạm dụng không phải là chuyện “bình thường” và các lệch lạc tà phái cũng là các hình thức lạm dụng. Chúng có thể tránh được vì không phải ai cũng sống cảnh này, và những người bà gặp và lừa dối hoặc lạm dụng bà họ phải chịu trách nhiệm. Sự dữ đã phạm, dùng theo từ vựng đạo đức, luôn là điều có thể tránh được. Nếu không thì sẽ không có trách nhiệm, không có bản án, không có hồ sơ ở văn phòng công tố. Những kẻ thủ phạm không thể phạm các hành vi này, và một số kẻ phạm bị xử án cũng vì các hành vi này.

Mọi đau khổ chúng ta gây cho nhau một phần là những chuyện có thể tránh được, dù trong một số trường hợp, trách nhiệm cá nhân được giảm nhẹ. Nỗi đau khổ “có thể tránh được“ này thật bí ẩn, ví nó có từ thuở tạo thiên lập địa, và chúng ta phải chiến đấu với nó, mỗi người theo một cách riêng. Các Mối Phúc nói rất nhiều với những người sống loại đau khổ này (chẳng hạn “bị sỉ nhục”) để mang hy vọng và hứa cho họ sự công bằng và an ủi. Chẳng hạn đó là những gì bà đi tìm – ít nhất là trong phạm vi công lý – bằng phương tiện pháp lý của bà.

Tuy nhiên, có những đau khổ phải được “an ủi”, có những đau khổ không tránh được. Cuộc sống của chúng ta dễ bị tổn thương, bị đối diện với bệnh tật và cái chết, với sự mất mát người thân yêu, với lo âu mất sợi dây liên kết. Tinh thần con trai bà mong manh, có một số người mong manh hơn người khác, không hẳn vì họ có tuổi thơ khó khăn. Các đau khổ này một phần không thể tránh được, phần khác nó không đồng đều giữa chúng ta. Một số người trải qua các sự kiện bi thảm hơn người khác, bị các bệnh kinh niên và tàn tật, v.v.

Theo tôi, dường như kitô giáo không khẳng định các đau khổ không thể tránh khỏi này có thể được loại bỏ một cách kỳ diệu, nhưng các đau khổ này phải được an ủi, cũng như các đau khổ có thể tránh được do người khác gây ra. Và bà đã nói đúng, điều an ủi này tùy thuộc vào mỗi chúng ta. Dĩ nhiên chúng ta phải hướng tới hoặc cố gắng chữa trị – trong một số trường hợp là có thể được, có hoặc không có phép lạ – nhưng nhất là để có thể sống, để đứng vững, để được người khác tôn trọng và lắng nghe trong nỗi đau khổ này. Điều này có nghĩa, trên thực tế sự đau khổ không thể tránh khỏi này không chiếm hết toàn bộ đời sống của họ, và nó không lấy đi tư cách con người của mình, một nhân vị trong tương quan đầy đủ. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm liên kết với những người đang đau khổ. Theo nhiều mức độ và khả năng của chúng ta. Người giáo sư của con trai bà, người đã cứu mạng sống con bà là những người có trách nhiệm, và dĩ nhiên cả bà, tất cả những ai tháp tùng với con bà.

Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/