DCCT Việt Nam: Thời cha Leo Lê Trung Nghĩa (1975 – 1981)

cha Leo Lê Trung Nghĩa

Ngày 30-04-1975, lịch sử dân tộc Việt Nam bước sang một trang mới. Một tuần sau đó, ngày 08-05-1975, linh mục Leo Lê Trung Nghĩa chính thức nhận trách nhiệm Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.

Cha Leo Lê Trung Nghĩa sinh ngày 19-04-1927 tại Vĩnh Long, khấn Dòng ngày 02-08-1949 và lãnh sứ vụ linh mục ngày 11-07-1954. Sau khi dạy học tại Ðệ Tử Viện Vũng Tàu (1956-1960) và dự Nhà Tập II tại Ðà Lạt (1960-1961), từ năm 1961, cha hoạt động đại phúc tại Sài Gòn. Từ 1964-1968, ngài giữ nhiệm vụ Quản lý Tỉnh; sau đó làm Bề Trên Nhà Sài Gòn cho đến tháng 04-1975. Ngài nhận nhiệm vụ Bề Trên Giám Tỉnh giữa lúc lịch sử sang trang, tương lai không rõ sẽ thế nào.

Loạt biến cố quan trọng đầu tiên của lịch sử Tỉnh Dòng thời kỳ này là việc các cha thừa sai người Canada bị trục xuất. Tháng 07-1975, các cha Thomas Côté, Louis-Philippe Vaillancourt, Camille Dubé và Jean-Marie Labonté phải lên đường trở về cố hương. Tháng 06-1976, hai vị thừa sai Canada sau cùng cũng bị trục xuất; đó là quý cha Eugène Larouche và Lucien Olivier. Cũng ngay sau biến cố lịch sử tháng 04-1975, một số linh mục Dòng Chúa Cứu Thế người Việt Nam bị đưa đi tù hoặc “lao động cải tạo”. Như vậy, về mặt nhân sự, Tỉnh Dòng bị tước mất, hoặc vĩnh viễn hoặc tạm thời, một số các vị thừa sai nhiệt thành và tài ba.

Bên cạnh sự mất mát lớn lao về nhân sự, Tỉnh Dòng còn phải chịu những mất mát về cơ sở vật chất và các phương tiện hoạt động tông đồ. Tất cả các trường học và các cơ sở làm việc tông đồ trong lãnh vực giáo dục đều bị trưng dụng. Các cơ sở kinh tế như các đồn điền, các nhà máy, các trại chăn nuôi và các cơ sở khác đều bị tịch thu. Hầu hết các giáo điểm truyền giáo tại Fyan và Châu Ổ bị buộc phải ngưng hoạt động, các phương tiện vật chất tại đó được các nhà chức trách địa phương dùng vào việc khác.

Ðáng nói nhất là việc giải tán và tịch thu một số Tu Viện như Tu Viện Thủ Ðức (ngày 25-01-1978), Nhà Tiểu Ðệ Tử Vĩnh Long (1978), Tu Viện Nha Trang (ngày 15-12-1978), Tu Viện Ðà Lạt (cuối năm 1979). Nhưng bao giờ cũng vậy, cùng tắc biến, giai đoạn 1975-1981 cũng là giai đoạn khai sinh một số cộng đoàn mới: Mai Thôn, Vĩnh Long, Hiệp Hòa, Thủ Ðức. Ngoại trừ Nhà Mai Thôn, các cộng đoàn còn lại đều là cộng đoàn đối nhân.

Biến cố 30-04-1975 với tất cả những tác động đổi thay của nó, đã có nhiều ảnh hưởng mạnh mẽ trên đời sống tu hành của các linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam những năm cuối thập niên 1970. Nhiều anh em cảm thấy mênh mang một cảm giác xa lạ, ngỡ ngàng và không quen với một xã hội mới vừa hình thành. Biến cố đóng cửa một số Tu Viện, nhất là biến cố giải tán Tu Viện Thủ Ðức, đã đẩy một số anh em vào một nếp sống xa lạ đối với nếp sống truyền thống của cộng đoàn tu trì. Nhiều anh em, đặc biệt là các anh em trẻ, phải lấy đời thường làm đời tu. Nói cách khác, có một điều gì đó, tuy không thuộc phần cốt yếu, nhưng cũng khá quan trọng, đã đổi thay. Ðã thế, nhiều cha, nhiều thầy và anh em sinh viên phải đương đầu với cuộc sống tự lực mưu sinh khó khăn, phải làm những nghề quá lao nhọc về thể xác cũng như tinh thần. Anh em mỗi người mỗi phương, mỗi người đương đầu với những khó khăn và thử thách riêng. Ở cấp độ Tỉnh Dòng, mọi liên lạc với bên ngoài, kể cả với Trung Ương Hội Dòng tại Rôma, đều bị cắt đứt.

Tất nhiên, tình hình đó cũng có nhiều giá trị tích cực. Bị tước đoạt các phương thế bên ngoài, thậm chí bị tước đoạt tất cả các phương thế hỗ trợ đời tu và hoạt động tông đồ (như trường hợp các anh em đi tù hoặc đi “học tập cải tạo”), anh em có cơ hội đặc biệt để gia tăng đời sống kết hiệp với Chúa Kitô, để mang nơi mình những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Ðức Kitô vì Thân Thể Người là Hội Thánh. Bị phân tán vào giữa lòng đời, các linh mục, tu sĩ là những nắm men Chúa vùi vào giữa đấu bột cuộc đời. Phải lao nhọc giữa cuộc đời bon chen để kiếm miếng cơm manh áo, ý thức dấn thân rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ như được mặc những tính chất, chiều kích, ý nghĩa và độ sâu mới, hiện sinh và thiết thực hơn. Không liên lạc hoặc không thường xuyên liên lạc được với nhau, tình huynh đệ cộng đoàn và niềm hiệp thông trong lý tưởng Anphong như sâu đậm hơn; anh em thương nhau, nhớ nhau nhiều trong giờ cầu nguyện.

Về phương diện tổ chức cộng đoàn trong Tỉnh Dòng, do những biến động lịch sử và do cách thức tổ chức xã hội trong xã hội xã hội chủ nghĩa, đã dần hình thành ba lối sống khác nhau (tất nhiên không kể trường hợp những anh em đang ở trong các trại cải tạo) : (1) sống chung dưới một mái nhà; (2) không sống chung dưới một mái nhà, nhưng thỉnh thoảng có thể sinh hoạt chung, hoặc còn liên lạc được với vị Ðặc Trách của cộng đoàn mà mình là thành phần; và (3) không có cộng đoàn, sống riêng rẽ và trực thuộc Tỉnh Dòng.

Về phương diện đời sống vật chất : chưa bao giờ anh em trong Tỉnh Dòng gặp nhiều khó khăn như trong giai đoạn này. Tình hình đó một phần là do hoàn cảnh chung của Ðất Nước, phần khác là do các cơ sở kinh tế của Tỉnh Dòng đã bị mất toàn bộ.

Trong mấy năm cuối thập niên 1970, các sinh hoạt chung ở cấp Tỉnh Dòng không thể tổ chức được. Anh em phân tán khắp nơi, liên lạc và đi lại khó khăn, lại thêm những hoàn cảnh xã hội phức tạp. Cuộc bầu cử các chức vụ trong Tỉnh Dòng cũng bị buộc phải chậm trễ đến gần một năm. Ngày 05-11-1978, cha Leo Lê Trung Nghĩa tái đắc cử Bề Trên Giám Tỉnh (nhiệm kỳ 1978 -1981).

Về các nhà và cộng đoàn trong Tỉnh Dòng, trong 5 năm cuối thập niên 1970, tất cả các nhà và cộng đoàn đều bị thu hẹp về nhân sự, về cơ sở, về hoạt động tông đồ. Nhà Hà Nội vẫn chỉ có một mình cha Giuse Vũ Ngọc Bích, nhưng ngài đã có thể liên lạc với toàn thể Tỉnh Dòng; Bắc-Nam sum họp. Nhà Huế trở nên trống trải, chỉ còn hai cha Micaen Nguyễn Ðình Lành và Phêrô Hoàng Diệp (sau khi cha Phanxicô X. Lê Thanh Châu về Vĩnh Long); các hoạt động tông đồ chỉ còn thu hẹp trong nhà thờ. Tại Châu Ổ, các giáo điểm phải ngưng hoạt động; anh em chỉ còn lại vài người, tập trung về Nhà Châu Ổ. Tu Viện Nha Trang bị buộc phải trao cho nhà chức trách quản lý từ ngày 15-12-1978; các linh mục, tu sĩ phải dời sang ở trong một căn nhà nhỏ với diện tích sử dụng chỉ bằng 1/23 Tu Viện mà Nhà Dòng sở hữu trên bãi biển. Tu Viện Ðà Lạt và các cơ sở trực thuộc cũng do Nhà Nước quản lý, anh em phải phân tán: người ở nhà xứ, người ở ngôi nhà nhỏ dưới thung lũng. Cộng đoàn Fyan chỉ còn một cha và hai thầy, nhưng không được hoạt động tông đồ. Ðồn điền Phú Dòng và Tu Viện Thủ Ðức (gồm các cộng đoàn Tu Viện, Học Viện, Tập Viện và Ðệ Tử Viện) bị tịch thu. Nhà Mai Thôn được thành lập. Cộng đoàn Vĩnh Long được khai sinh. Một số cộng đoàn đối nhân như Hiệp Hòa, Thủ Ðức chào đời. Cần Giờ và Tây Nguyên là hai cộng đoàn mới được thiết lập vào các năm cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, nay hầu như bị tước đoạt tất cả mọi cơ hội phát triển. Chỉ có Nhà Sài Gòn còn tương đối ổn định, và đến cuối thập niên 1970, đã bắt đầu trở thành một trong số ít ỏi những trung tâm sinh hoạt tôn giáo nhộn nhịp vào bậc nhất thời ấy tại Thành Phố Hồ Chí Minh, và như thế, có thể nói là của cả Nước.

Về lãnh vực đào tạo : hơn hai năm đầu sau biến cố lịch sử 30-04-1975, công cuộc đào tạo của Tỉnh Dòng vẫn tương đối ổn định, mặc dù hoàn cảnh đã thay đổi quá nhiều. Từ tháng 06-1975 đến tháng 06-1976, trong vòng một năm, Tỉnh Dòng đã tổ chức ba lễ trao sứ vụ linh mục cho 11 anh em trẻ. Học Viện, Tập Viện và Ðệ Tử Viện vẫn ở Thủ Ðức cho đến khi phải ra khỏi Tu Viện vào mùa xuân 1978. Kể từ đó, công việc đào tạo anh em trẻ trở nên vô cùng khó khăn. Sau cơn bàng hoàng, với biết bao trăn trở và suy nghĩ, quý cha, quý thầy trong Tỉnh Dòng cố gắng tìm một hướng đi mới cho công cuộc quan trọng này. Và với Công Hội Tỉnh năm 1980, một đường hướng mới đã bắt đầu hình thành. Cấp I, Cấp II và Cấp III được thiết lập; đó là các cấp đào tạo tương đương Dự Tập, Tập Viện và Học Viện ngày nay.

Trong giai đoạn 1975-1981, hoạt động tông đồ-mục vụ của các linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Công cuộc truyền giáo tại 4 trung tâm truyền giáo Fyan, Châu Ổ, Tây Nguyên và Cần Giờ tuy vẫn được tiếp tục duy trì, nhưng buộc phải thích nghi với hoàn cảnh mới, thậm chí hoàn toàn âm thầm, như hạt giống gieo vào lòng đất, phải tan biến đi mới hy vọng đơm bông kết trái. Các hoạt động tông đồ – bác ái, vào cuối những năm 1970, gần như phải ngưng lại: cha Lucien Olivier bị trục xuất; cha Louis Nguyễn Văn Quy sang Pháp; các cơ sở kinh tế không còn. Các phong trào Công Giáo ngưng sinh hoạt hoặc phải chuyển sang những hình thức mới, uyển chuyển rất mực. Các hoạt động tông đồ bằng ngòi bút dần dần đi đến chỗ ngưng hẳn. Các hoạt động tuyên úy hoặc hoàn toàn không còn (như tuyên úy quân đội), hoặc chỉ được thực hiện hết sức kín đáo và âm thầm (như tuyên úy bệnh viện và dòng tu). Các trường học bị quốc hữu hóa. Những hoạt động tông đồ bằng các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền thanh và truyền hình dần đi đến chỗ hoàn toàn bị bãi bỏ.

Tuy nhiên, trong bức tranh hoạt động tông đồ – mục vụ, vẫn có rất nhiều gam màu sáng đẹp. Trước hết là việc xuất bản bản dịch Kinh Thánh trọn bộ của cố linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn, vào năm 1976. Phải kể đây là một thành công đặc biệt và có giá trị lâu dài đối với Giáo Hội Việt Nam.

Từ cuối năm 1975, và đặc biệt là từ năm 1978, mục vụ giáo xứ là một loại hình hoạt động tông đồ được chú trọng. Hoàn cảnh không cho phép chọn lựa cách nào khác. Các giáo xứ thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, nhất là giáo xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn, đã trở nên những “Saint-Bennon” công bố Tin Mừng cho biết bao con người đau khổ. Ngoài ra, các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đã nhận coi sóc nhiều giáo xứ tại các địa phận khác nhau. Ðiều quan trọng là Ðức Kitô được rao giảng và các linh hồn được có những điều kiện tốt nhất có thể để lãnh ơn cứu độ.

Một trong những hoạt động tông đồ rất đáng chú ý trong thời kỳ này là việc dạy giáo lý. Ngoài Lớp giáo lý thiếu nhi tại Sài Gòn, hoạt động tông đồ này không thể được tổ chức quy mô, nhưng lại là một hoạt động cho thấy rõ các linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam có khả năng vượt trên những hoàn cảnh khó khăn để loan báo Tin Mừng. Nơi đâu có linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, nơi đó có lớp giáo lý, dù nhiều “lớp” chỉ có một học viên. Nhà tù, trại cải tạo, nhà máy, nông trường, đường phố, đồng ruộng, bệnh viện, tất cả đều có thể là nơi chốn để nói về Chúa, về ơn cứu độ. Một vài nơi thực hiện những sáng kiến thú vị, thí dụ ở Nhà Huế, cha Hoàng Diệp tổ chức các buổi dao ca tại nhà thờ, thu hút anh chị em lương dân đến nghe, nhân đó nói về Chúa và về Tin Mừng cứu độ cho họ.

Nhưng trên tất cả, có một cách hoạt động thừa sai mà mọi thành viên Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đều tham gia, và tuyệt đại đa số đã cố gắng tham gia tích cực; đó là làm chứng bằng chính cuộc sống thánh hiến và cuộc sống dấn thân – phục vụ của mình.

Và cứ thế, vượt qua những thăng trầm của lịch sử, Thiên Chúa luôn giúp các con cái Người tham gia vào công cuộc cứu độ trần gian. Suốt 6 năm từ 1975 đến 1981, lịch sử Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam trải qua rất nhiều những thăng trầm dâu bể. Mất mát nhiều. Tồn tại được đã là một kỳ công.

Rồi cũng qua cơn bàng hoàng vì những đổi thay của lịch sử. Năm 1980, Công Hội Tỉnh họp tại Sài Gòn đã có thể bình tâm hơn để tìm một con đường phục vụ Tin Mừng trong hoàn cảnh mới.

Ngày 22-02-1981, cha Leo Lê Trung Nghĩa hoàn thành hai nhiệm kỳ Bề Trên Giám Tỉnh của ngài. Cha Giuse Trần Ngọc Thao đưa vai gánh vác trách nhiệm lãnh đạo rất nặng nề và quan trọng đó.

Trích từ: “75 Năm Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam 1925-2000”

(Trang 33-36)