Đêm đức tin, đánh mất dấu vết Chúa để rồi tìm lại một cách khác

Linh mục Raphaël Buyse, giáo phận Lille, nước Pháp, nhà sáng lập Huynh đoàn Giáo phận của khuôn viên nhà thờ.

Sau 35 năm ở chức linh mục, sống trong thử thách thinh lặng của Chúa và không còn cảm nhận gì. Linh mục Raphaël Buyse đã trải qua đêm đức tin, từ đó cha không còn tin như trước, nhưng một đức tin được đổi mới.

Đó là câu chuyện của một linh mục có quá trình gần như được vạch sẵn. Là linh mục tổng đại diện giáo phận, người hướng dẫn thiêng liêng, nhà sáng lập, người chịu trách nhiệm mọi thứ, Linh mục Raphaël Buyse có  cuộc sống tận hiến mình cho Giáo hội, với lòng nhiệt thành đam mê và nghiêm túc. Sống với tốc độ trăm cây số một giờ, bận rộn với lịch làm việc dày đặc, một ngày đẹp trời cha quyết định ngừng lại và đến gõ cửa tu viện Dòng Biển Đức. Cha ở lại đây một năm trọn. Một năm nghỉ ngơi ở tu viện Bỉ Saint-André de Clerlande, nơi hoàn toàn biến đổi cái nhìn của cha về thế giới, về người khác và về Chúa. Một thay đổi nội tâm cha kể lại trong quyển sách “Thiên Chúa, theo một cách khác” (Autrement, Dieu, nxb. Bayard).

“Tôi đã có kinh nghiệm kỳ lạ, đau đớn và hữu ích này về sự thinh lặng vô cùng của Chúa”

Một năm ở tu viện, Linh mục Raphaël Buyse, nhà sáng lập Huynh đoàn Giáo phận của khuôn viên nhà thờ, một ngày đẹp trời cảm thấy cần phải “giảm bớt” và “giao cho người khác”. Linh mục hiếu động này “luôn bị đời sống tu viện cuốn hút”. Vì thế, khi có thể cha đến tu viện Saint-André de Clerlande, giữa Brussels và Namur. “Tôi đi tìm Chúa để nghỉ an trong Ngài, để cảm nghiệm Chúa, để suy gẫm lời Ngài… và tôi đã có kinh nghiệm kỳ lạ, đau đớn và hữu ích về sự thinh lặng vô cùng của Chúa. Tôi đi để gặp Ngài và Ngài không có ở đó.”

Đêm dài đức tin

Sự thinh lặng này của Chúa, khoảng trống trong đức tin này của một người đã là linh mục 35 năm, đã cống hiến rất nhiều vào các chương trình phục vụ Giáo hội, “khi một người được cho là người của Chúa”, của mọi người thì sự thinh lặng này thật đáng sợ. Trong năm ở tu viện, Linh mục Raphaël Buyse đã trải qua đêm dài đức tin, “một trải nghiệm cho việc đặt lại vấn đề”. Đối với người của Giáo hội, đến mức tự hỏi về Chúa thực sự có là một thực tế hay không, thì khá “gay go”.

Kinh nghiệm này đã làm thay đổi hình ảnh của linh mục có về Chúa. “Tôi đã có vốn từ vựng về Chúa, từ ngữ, công thức, nghi thức…” Chẳng hạn, “Thiên Chúa toàn năng”, một thành ngữ như “tan ra” trong thinh lặng.

Linh mục tự hỏi “Chúa toàn năng, nhưng toàn năng của cái gì?”  Và khi chúng ta đọc Thánh Vịnh “Lạy Chúa, là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con,” (Tv 18: 3) mà “mình không còn cảm thấy gì” thì chúng ta có thể nói Ngài là núi đá, là thành lũy của mình được nữa không? “Tôi không còn tin vào Chúa Cả toàn năng và trên cao của các thánh vịnh tôi đọc, Ngài không làm cho tôi trở nên vững chắc, không lay chuyển, sự im lặng của Ngài đã rửa sạch tôi, lột sạch, chà rửa, chải sạch, Ngài đã thay đổi tôi, đánh gục tôi, thay đổi tôi, làm lại con người của tôi”.

Khi các lời để nói về Chúa là những cái bẫy

Những gì Linh mục Buyse hiểu, đó là các lời nói về Chúa như những cái bẫy. “Từ vựng chúng ta tìm thấy trong Kinh thánh là từ vựng vô cùng đáng kính, nhưng vẫn bị đánh dấu bằng kinh nghiệm chính trị, rất con người, tất cả các từ này khi chúng ta có hết sẽ không bao giờ thực sự nói được Chúa là ai”. Vì thế tựa đề quyển sách của Linh mục là “Thiên Chúa, theo một cách khác” vì Chúa “sẽ luôn là người khác, tôi sẽ không bao giờ có thể khép kín Ngài lại’ cũng không đặt tay lên Ngài được”.

Vậy thì vào ai, vào cái gì tôi tin bây giờ? “Tôi tin vào một Thiên Chúa nguồn cội, Đấng mà tôi hé thấy một cách bí ẩn qua độ dày nhân tính của Chúa Kitô.” Về Chúa, Linh mục Raphaël Buyse tâm sự “không còn biết gì để nói”, dù cha tin “đời sống chúng ta ở trong tay Ngài”. Nhưng nơi Chúa Giêsu, “có một điều gì đó của một tình nhân loại hiếm hoi đã làm xáo trộn tôi ở điểm tận cùng nhất!”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: http://phanxico.vn/