ĐHY của Sri Lanka kêu gọi Tổng thống và Thủ tướng từ chức như đã hứa

Người biểu tình tràn vào dinh Tổng thống (AFP or licensors)

Đức Hồng y Malcolm Ranjith, tổng giám mục giáo phận Colombo ở Sri Lanka, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị của nước này thực hiện lời hứa từ chức trong tuần này, và ngài bày tỏ hy vọng rằng một chính phủ mới sẽ có thể đưa quốc gia Nam Á này thoát khỏi tình trạng tồi tệ hiện tại.

Trao đổi với báo Crux về tình trạng bất ổn khiến Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe tuyên bố từ chức hôm thứ Bảy, Đức Hồng y Ranjith nghi ngờ rằng Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka sẽ thực hiện lời hứa, vì “giới lãnh đạo ở đất nước này có thành tích xấu về việc giữ lời hứa, vì vậy tất cả chúng tôi đang hồi hộp chờ xem liệu tổng thống có giữ lời hứa từ chức hay không.”

Khủng hoảng kinh tế và chính trị

Trong những năm qua, Sri Lanka đã trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nặng nề, gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và dân số, với tỷ lệ đói nghèo và lạm phát tăng cao do người dân phải vật lộn để mua các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và nhiên liệu, và các loại thuốc thiết yếu ngày càng trở nên khan hiếm. Với nền kinh tế rơi vào tình trạng suy sụp hoàn toàn, Sri Lanka đã trở nên phụ thuộc vào viện trợ từ Ấn Độ và các nước khác khi giới lãnh đạo chính trị của nước này cố gắng đàm phán một gói cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Cuộc khủng hoảng đã gây ra bất ổn chính trị và các cuộc biểu tình đông đảo. Hôm thứ Bảy 9/7/2022, ngày hỗn loạn nhất trong nhiều tháng bất ổn, dân chúng đã xông vào các dinh thự của cả Tổng thống và Thủ tướng, đốt cháy một trong các tòa nhà. Để đối phó với tình hình này, cả hai đều tuyên bố từ chức.

Giáo hội Sri Lanka hỗ trợ người dân giữa khủng hoảng

Từ nhiều tháng qua, Đức Hồng y Ranjith đã lên tiếng chống tham nhũng và kêu gọi lãnh đạo chính trị của đất nước từ chức, kêu gọi họ phải chịu trách nhiệm về tình hình hiện tại. Theo ngài, để người dân tin tưởng, bất kỳ chính phủ mới nào được thành lập cũng “phải cho thấy các bước hiệu quả được thực hiện để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế.”

Trong bối cảnh đất nước đang gặp khủng hoảng, Đức Hồng y Ranjith cho biết Giáo hội Công giáo luôn đi đầu trong việc hỗ trợ những người khốn khổ, hoạt động chủ yếu thông qua mạng lưới Caritas giáo phận, với một số trợ giúp từ các chi nhánh Caritas quốc tế. Giáo hội Công giáo và các nhà lãnh đạo từ các cộng đồng tôn giáo khác – bao gồm cả Phật giáo, Ấn Độ giáo và Hồi giáo – đang làm việc cùng nhau để cứu trợ người dân và họ có kế hoạch thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với bất kỳ chính phủ mới nào được thành lập. (Crux 11/7/2022)

Hồng Thủy – Vatican News