ĐHY Parolin đại diện ĐTC thăm và khích lệ Libăng

Đức Hồng y Parolin viếng nhà thờ chính tòa thánh George ở thủ đô Beirut, bị hư hại vì vụ nổ ngày 4/8 (ANSA)

Chiều ngày 3 tháng 9 Đức Hồng y Parolin đã đến thủ đô Beirut của Li-băng để chủ trì Ngày hoàn vũ cầu nguyện và ăn chay vì Li-băng do Đức Thánh Cha Phanxicô công bố hôm thứ Tư ngày 2 tháng 9 vừa qua.

Đến phi trường ở Beirut, Đức Hồng y được Ngoại trưởng của Chính phủ tạm thời, ông Charbel Wehbe, và các cấp chính quyền và đại diện các tôn giáo, cũng như Đức Sứ thần Tòa Thánh Joseph Spiteri đón tiếp.

Cầu nguyện cho thành phố Beirut

Đức Hồng y Đặc phái viên của Đức Thánh Cha đã đến thăm nhà thờ chính tòa thánh George của Công giáo Maronite. Ngài đã cùng với Đức Bechara Rai, Thượng phụ thành Antiokia của Giáo hội Công giáo Maronite, Đức tổng giám mục Paul Abdel Sate, các giám mục của các Giáo hội Công giáo Melchite, Can-đê, Siria, Armeni và Latinh ở Beirut, và một số cha sở cầu nguyện cho thành phố và các nạn nhân trong vụ nổ hôm ngày 4 tháng 8.

Gặp gỡ các lãnh đạo tôn giáo

Trong cuộc gặp gỡ các lãnh đạo tôn giáo, Đức Hồng y Parolin khẳng định rằng “Li-băng không đơn độc … chúng tôi ủng hộ anh chị em trong âm thầm và liên đới để bày tỏ tình yêu của chúng tôi với anh chị em.” Ngài mời gọi “đừng để Li-băng bị đơn độc. Li-băng cần thế giới, nhưng thế giới cần kinh nghiệm độc đáo của Li-băng, tình liên đới và tự do mà Li-băng thể hiện. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng lại Beirut”.

Thánh lễ tại đền thánh Đức Mẹ Harissa

Trong bài giảng Thánh lễ tại đền thánh Đức Mẹ Harissa, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh khuyến khích “người Li-băng xây dựng lại đất nước của mình, với sự giúp đỡ của bạn bè và với tinh thần thấu hiểu, đối thoại và chung sống, vốn là điều nổi bật của họ.” Ngài nêu lên những khó khăn của Li-băng, với những thảm kịch khác nhau do khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội, và đại dịch Covid-19 làm cho tình cảnh càng trầm trọng hơn.

Nhưng Đức Hồng y khẳng định rằng Li-băng không đơn độc. “Họ bị đè bẹp, kiệt sức và thất vọng”. Nhưng họ không cô đơn. Ngài nhắc đến sự gần gũi và liên đới của Đức Thánh Cha và của nhiều quốc gia. Ngài khẳng định rằng Beirut sẽ trỗi dậy từ đống tro tàn nhờ đối thoại và liên đới, “với một cách tiếp cận mới để điều hành xã hội” bằng sự quan tâm đặc biệt đến lợi ích chung dựa trên sự tôn trọng luật pháp, nghĩa vụ, sự minh bạch và trách nhiệm tập thể. Một tương lai sẽ được viết nên với sự chuyển cầu của Mẹ Maria, Đức Mẹ Harissa, để – như Đức Thánh Cha đã nói – nhờ Mẹ “hương thơm của sự chung sống lan tỏa khắp vùng Trung Đông”. (CSR_6368-6369_2020)