Đọc báo cũ: Nỗi lòng của một thừa sai: Tại sao tôi không trở về Pháp

3. Đọc báo cũ: Đại hội giới trẻ Công giáo lần đầu tiên tại Đông Dương năm 1937

———————————————————————

Lời người dịch: Bài báo này được đăng trên tạp chí Freeman’s Journal, xuất bản tại Sydney, số ra thứ 5 ngày 14 tháng 4 năm 1927, trang 29. Đây là tâm sự của một nhà truyền giáo tại Việt nam. Sau bao nhiêu năm phục vụ liên lỉ, ngài được bề trên cho phép hồi hương để nghỉ dưỡng một năm. Nhưng ngài đắn đo không muốn đi vì lo lắng cho công việc truyền giáo sẽ bị ảnh hưởng. Xin được dịch lại để người đọc hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử.

Cha Maheu thuộc Hội Thừa Sai Paris và các học việc nhà in Qui Nhơn. Ảnh https://gpquinhon.org

Cha Kingler, thuộc Hội Thừa sai Paris đã viết như này:

“Theo luật Dòng mới của chúng tôi, bây giờ tôi có quyền để xin phép trở về Pháp nghỉ ngơi trong vòng vài tháng. Sau thời gian dài hơn ba mươi tư năm liên tục phục vụ tại cánh đồng truyền giáo, Đức giám mục sẽ không ngại ngần gì mà ban phép cho tôi được vắng mặt một thời gian. Nhưng tôi lại thấy rất do dự, tôi nói với mình thế này: “Vào lễ Đức Mẹ về trời, mi chẳng còn phải buộc giữ luật ăn chay nữa; lại thêm luật lệ và phong tục xứ Annam, mi được miễn trừ các bổn phận thuế và quân dịch; và còn nhiều đặc ân khác cho mi nữa; mi đang trở nên già đi rồi! Vậy thì làm một chuyến đi tốn kém tiền của và thời gian phỏng có ích chi? Mi sẽ phải xa cách trong một năm với những người thân cận của mi ở xứ này. Và khi đến Pháp, mi sẽ chẳng còn là mình nữa, mi không biết một linh hồn nào nơi đó. Rồi thì niềm vui đoàn tụ sẽ chẳng thể bù đắp với nỗi đau chia xa sau đó, đau lại càng thêm đau, đau hơn cả lần chia tay đầu tiên (ấy là nghe những người về nghỉ phép nói vậy).

Sau đó, tôi nói với chính mình một lần nữa: “Nếu mi rời bỏ giáo điểm, bề trên sẽ phải tìm ai để thay thế mi đây? Cha Nivet thì mới qua đời, cha Pauthe nhập viện đã ba tháng và sẽ không bao giờ ra khỏi cổng bệnh viện trừ phi là để ra nghĩa trang; Cha Guignard đã trở về Pháp vì bị ốm đau nghiêm trọng; và tương lai thì chưa thấy cha nào sẽ được sai tới để lấp đầy chỗ trống đang ngày càng lớn dần. Liệu tôi có thể bỏ rơi nhiệm sở của mình, một vùng quê nay đã hình thành nên bảy giáo xứ với 8400 tín hữu? Sau một năm tôi vắng bóng, những cộng đoàn này sẽ ra sao? Nhất là hai giáo điểm tôi mới thành lập ở vùng núi cao, bao quanh bởi dân lương, nhưng đang lớn mạnh trông thấy?

Sau đó tôi suy niệm thêm điều nay: “Trước khi rời đi, tôi nhất định phải hoàn thành công việc xây cât ngôi nhà thờ mới vốn đã hứa với người dân Sou-ha từ rất lâu rồi. Những tín hữu ở Sou-ha nơi đây, tôi có thể khẳng định, là những đứa con đầu lòng tôi sinh ra trong Đức Tin. Ba mươi năm trước, không có đến nổi 100 người, vậy mà giờ đây đã có gần 400 nhân danh. Thế mà họ vẫn phải sinh hoạt nơi nhà thờ nhỏ nhất, xấu nhất từng được xây dựng xưa nay. Do vậy, họ đã trở nên thiếu kiên nhẫn: “Cha ơi, làm cho chúng con ngôi nhà thờ mới đi, ngôi nhà thờ cũ này nhỏ quá; tượng thánh Micael bổn mạng của chúng con thì có đây rồi, chỉ đợi có ngôi nhà thờ khang trang để đặt vào thôi. Nhanh lên cha nhé, cha già đi nhiều rồi, ai biết đâu lỡ ….?” Ah, vâng, về việc xây dựng, tôi mới chỉ có một nửa số vốn cần có. Tôi sẽ tìm đâu ra nửa còn lai? Và kể cả tôi có đủ đi nữa, cũng cần tới ít nhất trọn một năm để xây dựng.”

Cứ như vậy, và tôi còn nhiều lo lắng khác, tôi trì hoãn “tới năm sau”, rồi “tới năm sau” rồi cuối cùng tôi nói: “Bao giờ về lại Pháp thì tùy ý Chúa.”

Chuyển ngữ: Duc Trung Vu, C.Ss.R