Đời sống thiêng liêng là cuộc đấu tranh chính trị

Tình cờ các độc giả đem đến cho tôi bài viết của linh mục Christophe Boureux, người anh em dòng Đa Minh, bài viết có tựa đề “Cuộc chiến chống lại ma quỷ hay địa lý của đức tin”, trong đó tác giả muốn chứng minh qua Cuộc đời của Thánh Antôn theo Athanase, thách thức của cuộc chiến chống ma quỷ ban đầu không phải là đạo đức mà là về mặt địa lý, và thậm chí có thể là chính trị. Trong khi tôi vẫn còn choáng váng vì tiếng vang và mức độ uy tín của một số gu-ru truyền hình và các nhà hùng biện thuyết âm mưu thì bài viết này đã là chất liệu để tôi suy nghĩ. Thật ra vào tháng 9 vừa qua, các nhà khoa học trẻ đã công bố một bản phân tích tổng hợp chứng minh thêm một lần nữa, sự vô hiệu thậm chí còn nguy hiểm của thuốc hydroxychloroquine để chữa coronavirus, họ không những bị nhục mạ mà còn bị hăm dọa giết, kể cả gia đình họ!

Linh mục Christophe Boureux lấy ví dụ về đoạn nổi tiếng trong Tin Mừng Thánh Luca: “Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói: ‘Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi’. Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước.” (Lc 11, 24-26). Bình thường chúng ta xem đoạn này là lời cảnh báo để chống sự tái phát của người phạm tội đã được giải thoát khỏi thần ô uế. Cách giải thích của linh mục Christophe Boureux theo Thánh Antôn thì ở một khía cạnh khác: “Đặc tính riêng của quỷ không phải là hướng ngoại, mà tìm cách cư trú, tìm cách đi vào con người. (…) Cuộc chiến chống ma quỷ không phải là cường độ đời sống kitô nhưng là việc chinh phục địa lý. Một vấn đề thiết lập: nơi các con quỷ ở, ở đó Đấng Kitô  phải đến. (…) Ác quỷ và tay sai của hắn, những con quỷ phải bị đánh bật ra khỏi nơi chúng đã chinh phục. Chúng áp đặt một siêu gần, chúng nhốt hiện tại và chặn tương lai, chúng áp đặt một không gian lơ lửng, không liên kết, không có khả năng gặp gỡ. Chúng nhốt lại trong cảm giác đè nặng tức thì. Chúng làm đầu óc suy nghĩ mông lung, chúng áp đặt hành vi riêng của chúng, cụ thể là đi lang thang, không nơi không chốn.”

Nói cách khác: bản chất của ma quỷ là nắm quyền trên một lãnh thổ, và cuộc chiến thiêng liêng là cấm chúng vào nơi chúng chưa có thuộc địa và lấy lại đất đai mà chúng đã tước của chúng ta. Tuy nhiên, gu-ru cũng như bạo chúa hay ác quỷ, chúng không có quyền năng nào ngoại trừ quyền chúng ta cho nó. Vào thời của mình, Thánh Antôn đã nói điều này: “Chúng ta không nên sợ chúng, cả khi dường như chúng tấn công chúng ta, cả khi chúng đe dọa chết, vì chúng bất lực” (Đời sống Thánh Antôn, 27,5). Việc lấy lại quyền trên một lãnh thổ, dù khi nó tồn tại, cho thấy đây là cuộc chiến chính trị.

Vào các thời điểm khác và ở nơi khác, triết gia Hannah Arendt đã triển khai bản chất của hệ thống chuyên chế, trong đó chính tổng thể cuộc sống rơi rụng phần này qua phần khác dưới tay của quyền lực toàn trị. Sự tiêu diệt bắt đầu bằng việc triệt hạ tư cách pháp nhân của con người (“bạn không còn bất kỳ quyền nào”), sau đó là giết tính cách đạo đức của con người (“bạn không còn lương tâm”) và cuối cùng là tiêu diệt căn tính cá nhân cho đến giết người: “Sau khi giết con người luân lý và tiêu diệt con người pháp lý thì việc tiêu diệt cá nhân gần như  luôn thành công.”

Chúng ta phải cẩn thận với tất cả những gì đang dần dần xâm chiếm tâm trí chúng ta, đến mức chúng ta không còn nghĩ đến điều gì khác. Trên thực tế, ám ảnh thôi miên ngăn chúng ta hành động. Trong một tác phẩm trước đó có từ năm 2003, linh mục Christophe Boureux đã đưa ra nhận xét rất sáng suốt này: con quỷ trong cuộc đời Thánh Antôn là “thứ ngăn cản người ta bắt đầu”. Khả năng bắt đầu và làm điều mới, đó là  sức mạnh thực sự. Bắt đầu là sống cuộc sống của bạn và không để tâm hồn mình bị đô hộ bởi kiểu suy nghĩ có sẵn, ngăn chúng ta hành động cho người khác, ngay cả khi không có gì mời chúng ta làm. Trong cuộc sống chúng ta, Chúa Kitô là quyền năng của sự khởi đầu. Đời sống thiêng liêng là cuộc đấu tranh chính trị.

Marta An Nguyễn dịch