Đời sống trong Đức Kitô

Dẫn nhập:

Với những kẻ tin vào Đức Kitô, họ đã có một đời sống mới trong Thiên Chúa. Nơi họ bắt đầu diễn ra một tiến trình đi từ sự chết đến sự sống. Thật vậy, sau khi chịu phép Rửa trong cái chết của Người, người tin sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu (x.Rm 6,10t). Từ đó, Đức Kitô là trung tâm điểm và là trục xoay cho đời sống người Kitô hữu, đời sống họ được tháp nhập và giấu ẩn trong Người, họ kết hợp chặt chẽ với Người và quy hướng về Người. “Thánh Gioan diễn tả sự kết hợp ấy trong bốn khái niệm căn bản: Đức Kitô là Ngôi Lời sự sống, vì thế chúng ta sống trong Người và để Người hoạt động trong chúng ta. Đức Kitô là cây nho, chúng ta là nhành, vì vậy ta luôn kết hợp với Người để sản sinh những hoá trái cho sự sống đời đời. Đức Kitô có lời chân lý, bởi thế chúng ta đón nhận giáo huấn của Người, bước đi trong chân lý ấy, và chiếu toả nó trên người khác. Đức Kitô là đường dẫn đến Thiên Chúa, Người dẫn chúng ta tới niềm hạnh phúc sung mãn trong sự kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi”. [1]

Để thấy rõ vai trò của Đức Kitô trong đời sống linh đạo, chúng ta hãy dựa trên chính lời mặc khải của Người: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6).

Đức Kitô là đường [2]

Để nói Đức Kitô là đường nghĩa là không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Đức Kitô, vì “dưới gầm trời này không danh nào được ban cho ta, để nhờ danh ấy ta được cứu độ” (Cv 4,12). Theo kế hoạch Thiên Chúa, Người kêu gọi chúng ta qua ân sủng và nhận làm nghĩa tử nhờ Con của Người, để ta được tham dự sự sống thần linh của Người. Thánh Phaolô viết: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1, 4-5). Quả vậy, Đức Kitô đã tái lập kế hoạch mà Ađam đã phá huỷ do tội, để cứu độ chúng ta: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9).

Vì thế, điều căn bản nơi người Kitô hữu là phải sống đời sống mà Đức Kitô đã mang lại cho mình, nghĩa là kết hợp với Người, nên đồng hình đồng dạng với Người. Thánh Phaolô diễn tả điều ấy bằng những từ ngữ rất sống động: “Chúng ta đã cùng chết với Người (2Tm 2,11); cùng mai táng với Người (Rm 6,4); nhưng Thiên Chúa đã cho chúng ta được cùng trỗi dậy (Ep 2,6); đã đưa chúng ta đến sự sống cùng Đức Kitô, để ta sống với Người (2Tm 2,11). Như vậy, “Đức Kitô là con đường duy nhất dẫn chúng ta vượt qua sự sống đời này để đến một sự sống đầy đủ và sung mãn, chúng ta bước theo Người trong lòng tin và trong sự kết hợp mật thiết”. [3]

Đức Kitô là sự thật [4]

Đức Kitô là Ngôi Lời khôn ngoan của Thiên Chúa đã nhập thể làm người. Người đã thông truyền cho ta tất cả kho tàng khôn ngoan và hiểu biết. Là Lời phát xuất bởi Chúa Cha từ muôn thuở, Người được sinh ra là Con Thiên Chúa, và chính trong chức phận làm con, Người trở nên khuân mẫu cho đời sống hoàn hảo người kitô hữu. Vì thế chúng ta được kêu gọi trở nên con cái Thiên Chúa.

Được nên “nghĩa tử” của Thiên Chúa, đó là bận tâm căn bản của mọi kitô hữu, điều ấy nghĩa là phải biết Đức Kitô và có thái độ của người con với Cha trên trời, Cha của chúng ta, như Chúa Giêsu đã nói: “Thầy lên Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, lên Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17). Dom Marmion viết: “Chúng ta sẽ không hiểu biết gì về sự hoàn hảo và thánh thiện, thậm chí sẽ không biết cốt lõi đạo Kitô giáo, bao lâu ta không tin chắc rằng ta là con cái Thiên Chúa, phẩm tính này được ban cho ta bởi ân sủng thánh hoá, qua đó ta được chung phần vinh quang với Ngôi Lời Thiên Chúa”. [5] Đây là nguyên lý quan trọng nhất mà Đức Kitô đã làm cho ta.

“Đức Kitô là sự thật, nên Người là thầy của chúng ta, ta đón nhận lời Người và bước đi trong lời sự thật ấy. Tại bữa tiệc ly, Chúa nói: “Con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho Con; họ đã nhận lời ấy, và biết thật rằng Con từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai Con” (Ga 17,8). Tất cả giáo huấn của Chúa Kitô, từ Bài Giảng trên núi đến Bảy Lời trên thập giá, đều hướng đến một mục đích duy nhất: là sự hoàn thiện của đời sống ân sủng và đức ái.

Đức Kitô là sự sống

“Là Ngôi lời muôn thuở, Đức Kitô chiếm hữu sự sống từ đời đời: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,4). Khi nhập thể, Người là Ngôi Lời hằng sống và ban phát sự sống cách dư dật cho tất cả những ai Chúa Cha giao phó cho Người (x.Ga 17,1-2). Người là ánh sáng của sự sống (Ga 8,12). Người ban nước hằng sống thành nguồn suối phát sinh đời sống vĩnh cửu cho những ai tiếp nhận Người”. [6]

Vì tình yêu Chúa Cha và yêu thương những kẻ thuộc về mình, Người ban sự sống mình một cách tự do như mục tử hiền lành ban cho đàn chiên. Qua cuộc vượt qua và cái chết, Người trở nên “thần khí tác sinh” (1Cr 15,45), và ban sự sống mới cho tất cả những ai tin tưởng nơi Người. [7]

Người còn ban chính thân mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng người ta, hầu những kẻ ăn thịt và uống máu Người, sẽ được sống muôn đời (x.Ga 6, 27-58).  Vì vậy, ai muốn được sự sống đời đời, phải sống trong Ngài bằng đức tin nhuần thấm. “Kẻ nào thấy và tin tưởng nơi Người sẽ không chết” (Ga 11,25), vì “Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời trong Con của Người. Ai có Chúa Con thì có sự sống, ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống” (1Ga 5, 11-12).

Kết luận:  

Đức Kitô không ngừng mời gọi chúng ta trở nên hoàn thiện như Cha trên trời, nhưng sự hoàn thiện chỉ có được khi đời sống chúng ta ở trong Đức Kitô, nghĩa là sống kết hợp với Người, quy hướng về Người như trung tâm của đời mình. Ở trong Người ta sẽ “sinh hoa trái là sự bình an, hoan lạc qua những điều tốt đẹp ta chia sẻ và sống cho người khác”. [8] Người là đường, là sự thật và là sự sống, Người sẽ dẫn ta tới chân lý vẹn toàn và sự sống viên mãn.

Lm. Vinhsơn Trần Trí Tuệ, DCCT

Chú thích:

[1] Jordan Aumann, O.P, Spiritual Theology, Santo Tomas, 1998, p. 50.

[2] X. Jordan Aumann, O.P, Sđd, p. 52.

[3] Noel Londono B., CSsR, To Be A Redemptorist Today, 1996, p. 119.

[4] X. Jordan Aumann, O.P, Sđd, p. 54.

[5] Dom Marmion, op. cit., pp.50-51.

[6] Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt – Việt Nam, tập 4, p. 400.

[7] X. Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, tập 4, p. 400.

[8] Noel Londono B., CSsR, Sđd, p. 126.