Đưa chân người anh em cùng Dòng lên bản làng

Khung cảnh đường lên một bản làng tại vùng núi Cao Bằng, Việt Nam

Chiều nay trời tạnh, nhưng vẫn còn những đám mây đen lơ lửng trên đầu. Những cơn gió lạnh nơi vùng núi hẻo lánh tạt vào mặt có lúc cảm thấy gai người. Tôi có cơ may đưa chân một người em trong Dòng lên ở với bà con nơi bản làng vùng cao.

Cha Phêrô Đặng Đình Thà, vai khoắc chiếc ba lô đựng đồ, tay cầm chiếc đèn bàn đưa lên căn phòng. Ngôi nhà của một giáo dân không sử dụng đã cho các cha ở nhờ. Từ nay một mình cha Thà sẽ ở đây để dâng lễ cho nhóm nhỏ bà con có Đạo vào mỗi ngày Chúa Nhật. Trong tuần ngài sẽ vào bản viếng thăm các gia đình. Tính ra cũng có ba, bốn bản làng. Mỗi bản cách ngôi nhà hôm nay ngài đến ở từ 10km đến 20 km.

Cha Phêrô Thà vừa kết thúc khóa học tiếng Tày tại nhà thờ Cao Bình, giáp thành phố Cao Bằng. Ngôi nhà thờ Giáo xứ Cao Bình được Đức Giám mục Giáo phận trao cho các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế chăm sóc. Nhiều anh em tu sĩ đã đến và phục vụ tại ngôi nhà thờ Cao Bình. Nhưng mục đích của Dòng Chúa Cứu Thế là đến với người nghèo và người bị bỏ rơi hơn cả, nhất là những người nghèo chưa biết Chúa. Không dừng ở Cao Bình. Các tu sĩ Dòng luôn khắc khoải làm sao để anh chị em mình biết Chúa. Nơi vùng sâu vùng xa này, nào là người Hmong, người Tày, người Dao… Tất cả đều là con cái Chúa và tất cả cần được nghe Tin Mừng.

Cha Phêrô Thà cùng tuổi với tôi, nhưng trong Dòng ngài dưới tôi hai lớp. Cha Thà đã có 6 năm loan báo Tin Mừng nơi đất khách quê người. Vừa lãnh xứ vụ linh mục, ngài được bề trên sai đi Đài Loan. Ngài chăm chỉ học tiếng. Đức Giám mục Giáo phận tin tưởng, cử ngài đến nơi có hai ngôi nhà thờ chỉ còn một ít giáo dân. Đó là khu vực tập đoàn Fomosa đã từng khai thác, xả thải làm ô nhiễm môi trường nhiều năm trước. Dân bỏ đi. Nhà thờ bỏ hoang.

Từ những ngôi nhà thờ như chết, qua tu sĩ Thà, Chúa đã cho sống lại. Những ngày đầu cha Thà đến, chính ngài đã cầm dao phát cây, cầm xẻng đào đất. Ngài tự tay sơn nhà thờ. Ngài thuê máy ủi, máy xúc đến làm cho khuôn viên thoáng đãng. Cha Thà đi thăm các gia đình. Mỗi ngày, ngài dành thời gian nói chuyện với các cụ lớn tuổi. Ngài lựa thời gian gặp các bậc cha mẹ. Ngài ra đồng thu hoạch nông sản với mọi người. Cha Thà không ngại chơi với các em nhỏ. Sau những tháng ngày kiên trì làm chứng, ngôi nhà thờ hoang nay thành giáo xứ có Thánh Lễ mỗi ngày. Lời kinh tiếng hát vang lên rộn ràng trên môi miệng của những giáo dân tưởng như đã quên Chúa.

Hơn sáu năm phục vụ nơi đất khách quê người, cha Phêrô Thà bị tai biến nhẹ. Khi về nước, ngài lại xung phong lên vùng núi hẻo lánh Cao Bằng để sống với bà con dân tộc thiểu số. Chỉ với 5 tháng, ngài đã học xong nột khóa tiếng Tày cách bài bản. Hôm nay một giai đoạn mới lại bắt đầu với cha Thà.

Đồ đạc được đưa lên căn phòng nhỏ. Bên cạnh là nhà nguyện tạm. Phía dưới có bếp ăn. Cha Phêrô Thà không phải là linh mục đầu tiên đến ở ngôi nhà này. Hôm nay ngài đến thay thế cho một người em trong Dòng – Cha Antôn Nguyễn Quang Hưng. Cha Hưng đã ở đây được 8 tháng nay có bài sai mới và cha Thà sẽ tiếp tục công việc của cha Hưng.

Cha Thà mới bị gãy tay trong một lần vào bản. Tay vừa tháo bột, chắc cũng phải kiêng giữ nhưng dường như ngài không chú ý. Cha Thà vốn vui tính, lạc quan. Đi đâu ngài cũng dễ làm quen với mọi người. Tôi chưa chào xong ra về, cha Thà đã quay qua người đàn ông cạnh nhà vui vẻ nói mấy câu tiếng Tày. Tôi hiểu ngài chào ông và nói ‘Tôi từ Cao Bình đến’.

Trên đường đưa chân cha Thà, tôi có chút lo lắng, nhưng chợt nhớ lại lời Chúa đã nói với Giêrêmia năm xưa: “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”.

Cao Bình, chiều ngày 13 tháng 01 năm 2024

Lm. Giuse Nguyễn Văn Toản, C.Ss.R