#GNsP – Sáng ngày 24.10.2017 lúc 9g30, tại Giáo họ Trần Nội thuộc Giáo Xứ Phú Tảo, Giáo Phận Hải Phòng đã cử hành Thánh lễ Tạ ơn 10 năm cha Giuse Trần Hữu Thanh (1915-2007) về với Chúa.
Thánh lễ do Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải Phòng chủ tế, cùng các các linh mục đồng tế thuộc DCCT Hà Nội và một số linh mục môn sinh của ngài và đông đảo giáo hữu xứ Phú Tảo – là nơi mà ngài đã bị cộng sản quản chế 4 năm (1984-1988), và sau đó ngài tình nguyện ở lại đây để mục vụ cho bà con tín hữu từ năm 1988-2001.
Có thể nói cuộc đời và sứ vụ linh mục của ngài ghi nhiều dấu ấn trên đất nước Việt Nam suốt gần một thế kỷ. Trong thời Đệ Nhị Cộng Hòa, ngài được biết đến như một người chống tham nhũng kịch liệt để làm trong sạch bộ máy nhà nước, hầu cũng cố sức mạnh chống lại cộng sản vô thần. Sau năm 1975 ngài đã đi tù và quản chết từ năm 1976 -1988.
Trong ngày giỗ 10 năm của ngài, chúng ta cùng đọc lại tiểu sử khá dài về cuộc đời của ngài qua bài viết của cha Phêrô Nguyễn Văn Khải, DCCT đã được công bố vào chính ngày ngài qua đời 24.10.2007:
Cha Giuse Trần Hữu Thanh sinh ngày 08.08.1915, tại làng Phúc Lộc, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình công giáo lâu đời, có ông nội và nhiều người thân chịu tử đạo hồi loạn Văn Thân năm 1885, và có hai người anh ruột làm linh mục là cha Trần Hữu Tôn và cha Trần Hữu Quý.
Thuở nhỏ ngài học tại trường làng và trường huyện. Năm 1928 ngài xin gia nhập Đệ tử viện DCCT Huế. Ngài là một trong những đệ tử đầu tiên của DCCT Việt Nam, là chứng nhân lịch sử của DCCT kể từ khi khai sinh trên đất Việt.
Ngày 14.08. 1936 ngài được gọi vào Tập viện DCCT Hà Nội, cùng lớp với quý cha đã được Chúa gọi về là cha Phêrô Nguyễn Xuân Lộc (DCCT Vũng Tầu), cha Giuse Vũ Ngọc Bích (DCCT Hà Nội), cha Michel Nguyễn Đình Lành (DCCT Huế), cha Michel Nguyễn Quang Toán (DCCT Paris).
Ngày 15.08.1937 ngài khấn dòng tại tu viện DCCT Hà Nội và bắt đầu học triết học và thần học tại đây. Ngày mùng 06.06.1942, ngài được thụ phong linh mục tại nhà Nhà thờ Cửa Bắc, Hà Nội.
Từ năm 1943 đến năm 1949 ngài làm giáo sư Việt văn Đệ Tử Viện DCCT Huế. Các đệ tử rất khâm phục tài giảng dạy hấp dẫn và khả năng hiểu biết Việt văn uyên thâm của ngài. Ngài đã đào tạo được nhiều học trò xuất sắc, trong đó có nhiều người là linh mục, tướng, tá, giáo sư. Trong thời gian này, ngài cũng viết nhiều bài nghiên cứu về các vấn đề chính trị- xã hội.
Từ năm 1949 đến năm 1959 ngài đi giảng đại phúc tại các tỉnh Miền Trung: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, Khánh Hoà. Ngài đã đi hầu hết các họ đạo lớn bé ở các tỉnh này và cùng với các linh mục, tu sĩ khác trong đoàn thừa sai góp phần giúp hàng chục nghìn người có đạo ăn năn sám hối và hàng nghìn người ngoại gia nhập Công giáo.
Năm 1949, dựa trên các quốc kỳ của các triều đại và chính phủ trước đây tại Việt Nam, ngài đã giúp ông Trần Điền, Phụ trách Thông tin Trung Việt của chính phủ Bảo Đại, phác họa lá Quốc Kỳ nền vàng có ba sọc đỏ quán xuyến một con rồng hình chữ S, tượng trưng cho dân tộc Việt Nam-một giống da vàng, ba giòng máu đỏ trên một đất nước Việt Nam thống nhất Bắc-Trung-Nam trong sự khác biệt về hành chính. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, con rồng hình chữ S này đã bị bỏ đi trong lá cờ do hoạ sĩ Tôn Thất Sa thực hiện theo bản phác thảo của ngài.
Từ tháng 2 đến tháng 7 năm 1954, Ngài giúp Việt kiều tại Thái Lan theo lời mời của Toà Khâm sứ. Trong số những cộng đồng ngài giúp ngày nay có một số người vẫn có nhớ đến ngài và có những người đã đi tu làm linh mục ở Thái Lan và những năm gần đây đã trở lại Hà Nội để thăm ngài. Đang khi làm mục vụ tại Thái Lan, ngài được gọi về phục vụ tại Tu viện DCCT Hà Nội. Ngài đã cùng các cha các thầy và giáo dân ở đây phục vụ hàng chục nghìn đồng bào di cư tạm trú tại khu vực tu viện DCCT Hà Nội. Ngài đã bị kẹt lại ở Sài Gòn cuối năm 1954 trong khi đi in các tài liệu giáo lý phục vụ người Công giáo Miền Bắc. Tại Sài Gòn, ngài tham gia dạy Trường Cán bộ Thanh niên 6 tháng, rồi viết sách “Cuộc cách mạng nhân vị”. Sau đó, ngài về Huế đi giảng Đại phúc. Ngay từ thời gian này ngài đã dấn thân chống nạn tham nhũng mà điển hình là vụ “Gạo Miền Trung” khiến các quan chức tham nhũng đứng đầu 6 tỉnh ở Miền Trung bị mất chức.
Đầu năm 1959 ngài đi du học tại Học viện Lumen Vitae, Đại học Louvain, Bỉ. Nhờ có hiểu biết và có kinh nghiệm mục vụ, ngài học rất nhanh. Cuối năm 1960 ngài đã tốt nghiệp Cử nhân Thần học Mục vụ Giáo lý của Học viện này với luận văn: “Catéchèse et Populations communisantes” (Giáo lý và người dân tiền cộng sản- ngài giải thích communisantes là những người ảnh hưởng cộng sản và đang dần dần trở thành cộng sản vốn là đối tượng phục vụ của ngài ở khu IV, khu V và ở Thái Lan).
Từ năm 1960 đến năm 1969 ngài phụ trách công tác đào tạo các cha thừa sai DCCT, thỉnh thoảng ngài đi giảng đại phúc đây đó, mở các khoá huấn luyện giáo lý theo đường hướng canh tân của Giáo hội cho cho một số giáo phận và dòng tu tại Huế, Đà Lạt, Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang và huấn luyện cho một số dòng tu như: MTG Hà Nội.
Ngài cũng viết hàng chục tác phẩm giáo lý khác nhau mà điển hình là: Trường Chúa dạy, Giáo lý Hàm thụ, giáo lý Hôn nhân. Để thông cảm với người Công giáo Việt Nam, Sư phạm giáo lý. Ngài còn tham gia các Hội nghị Giáo lý Quốc tế tổ chức ở Đức, Philippine, Thái Lan vào thập niên 1960 và trình bày các tham luận tại các hội nghị này theo lời mời của Ban Tổ chức.
Từ năm 1969 đến năm 1974 ngài làm Phó Giám tỉnh DCCT Việt Nam, phụ trách xử lý thường vụ. Ngài cho mở Trường Đệ tử Tu huynh Đà Lạt, củng cổ và mở rộng công cuộc truyền giáo của DCCT tại các vùng chiến sự như: Cần Giờ (nay là ngoại thành Sài Gòn), Bình Sơn, Lý Sơn, Trà Bồng (Quảng Ngãi), Đà Lạt, Đức Trọng (nay thuộc tỉnh Lâm Đồng), Pleikly, Pleiku, Phú Bổn (nay thuộc tỉnh Gia Lai).
Năm 1974 tại Sài Gòn, ngài đứng đầu một Uỷ Ban chống tham nhũng với 301 linh mục ký tên vào tuyên ngôn. Mục tiêu của Phong trào là làm cho bộ máy chính quyền Cộng hoà được trong sạch và vững mạnh để đủ sức chống lại sự xâm lấn của Cộng sản. Ngài cho biết ngài đã thẳng thắn xác nhận điều này với các cán bộ ở Bộ Nội vụ sau khi ngài bị bắt. Sách Địa chí Văn hoá TP. HCM cũng nhận định về ngài và phong trào chống tham nhũng của ngài như vậy. Từ những năm 1960 đến năm 1974 ngài đã trả lời rất nhiều cuộc phỏng vấn của báo chí, radio và truyền hình trong và ngoài nước, thuyết trình rất nhiều vấn đề trước các cử toạ khác nhau ở Miền Nam. Ngài còn tham gia dạy học cho Trường Sĩ quan Thủ Đức và nói chuyện với nhiều đơn vị quân đội và nhiều cán bộ trung cao cấp của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà.
Từ năm 1976 đến hết năm 1979 ngài bị bắt và bị giam tại Trại Chí Hoà (Sài Gòn) và Trại Thanh Liệt, Hà Nội.Từ năm 1980 đến năm 1984 ngài bị quản chế tại họ đạo Quang Húc, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, bên hữu ngạn sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 60 km. Năm 1984 đến 1988, ngài bị quản chế tại họ đạo Trần Nội, tỉnh Hải Dương, thuộc Giáo phận Hải Phòng, cách Hà Nội khoảng 75 km.
Năm 1988, khi đựơc trả tự do, thấy người dân Miền Bắc, đặc biệt là giáo dân quá khổ, lại thấy Giáo Hội Miền Bắc thiếu thốn linh mục, ngài đã tình nguyện ở lại Hải Dương, nơi ngài bị quản chế để phục vụ người dân trong vùng và phục vụ Giáo hội địa phương. Mong muốn của ngài được chính quyền đồng ý ngay, như ngài nói, vì biết rằng Sài Gòn là nơi đông giáo dân và là một cửa ngõ quốc tế, nơi ngài dễ lên tiếng và tiếng nói của ngài dễ có ảnh hưởng. Ngài đã phục vụ ở Hải Dương liên tục từ năm 1988 đến năm 2001. Ngoài những việc mục vụ thông thường, trong thời gian này, ngài còn giúp hợp thức hoá cho rất nhiều đôi hôn nhân theo thủ tục Công giáo, giảng tĩnh tâm hay giải tội cho các lịnh mục, chủng sinh ở Giáo phận Hải Phòng. Ngài cũng giúp thôn Trần Nội phát triển kinh tế và văn hoá mà cơ sở ban đầu là các giống rau mới ngài xin nhập về từ Nhật Bản và các học bổng cho học sinh mà ngài xin đây đó. Ngài còn giúp các thanh niên vào tu DCCT và nay đã có người đầu tiên làm linh mục để kế tục ngài phục vụ giáo xứ Phú Tảo, Hải Dương. Thỉnh thoảng ngài còn vào Sài Gòn để nói chuyện với các anh em về tình hình Giáo hội và xã hội, về việc giảng đại phúc và dạy học cho các anh em Học viện mà thế hệ sinh viên DCCT cuối cùng được học với ngài là Khoá 1994-2000.Từ năm 1993 đến năm 1996 ngài làm Bề trên Tu viện DCCT Hà Nội, nhưng chính quyền địa phương cấm ngài cư trú và làm mục vụ tại đây.
Ngài chấp nhận vác thánh giá này trong nước mắt của tuổi già mà anh em trong Dòng đã nhiều lần chứng kiến. Hàng tuần từ chỗ ngài ở thuộc tỉnh Hải Dương, ngài lên Hà Nội một ngày để gặp gỡ và thăm hỏi anh em trong tu viện, xem xét các công việc của cộng đoàn và thay thế cha Giuse Vũ Ngọc Bích trong công việc giải tội cho các nữ tu và một số linh mục tu sĩ ở Hà Nội. Trong thời gian ngài làm Bề trên DCCT Hà Nội- làm từ xa- ngài đã góp phần lo liệu để tu viện DCCT Hà Nội có anh em từ Miền Nam ra Hà Nội, được nhập hộ khẩu và kế tục việc phục vụ tại đây là cha Giuse Trịnh Ngọc Hiên.
Năm 2001, ngài bị bệnh nặng vì tuổi cao sức yếu, anh em trong cộng đoàn DCCT ở Miền Bắc đưa ngài về Tu viện Hà Nội để tiện việc chăm sóc. Tại đây, bất chấp tuổi cao, sức yếu, bệnh tật, ngài vẫn không ngừng đón tiếp và phục vụ bất cứ ai đến với ngài. Ngài còn giải tội cho các linh mục tu sĩ, hướng dẫn các linh mục trẻ của cộng đoàn, làm lễ giảng dạy cho giáo dân tại đây. Thứ hai, ngày 08.08.2007, ngay hôm trước ngày vào viện và ra đi mãi mãi, ngài vẫn còn giảng ở nhà thờ Thái Hà trong thánh lễ cầu nguyện cho cha Michel Laliberté người anh em cùng thế hệ với ngài vừa qua đời ở Canada ngày 04.10.2007.
Cha Giuse Trần Hữu Thanh được gọi về nhà Cha trên trời, lúc 2 giờ ngày 24 tháng 10 năm 2007 tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi, sau một đời kiên trung phục vụ lúc thuận lợi cũng như lúc gian nan, trong lòng mến yêu Chúa, yêu mến quê hương, Đất nước, Giáo hội và Nhà Dòng. Ngài là mẫu mực cho anh em DCCT trong việc xả thân phục vụ Chúa và phục vụ người nghèo, trong lòng yêu mến Chúa và yêu mến Nhà Dòng và yêu mến anh em, trong việc học tập và rèn luyện bản thân, trong đời sống khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh, trong tinh thần can đảm đấu tranh cho công lý và công bằng xã hội bằng tinh thần lạc quan và bao dung.
Cha Giuse Trần Hữu Thanh là một thừa sai lỗi lạc, một chứng nhân lịch sử của DCCT Việt Nam, đã đóng góp rất nhiều cho Nhà Dòng trong lãnh vực tông đồ mục vụ, trong lãnh vực đào tạo các linh mục và tu sĩ, trong lãnh vực quản trị điều hành và trong các họat động xã hội. Ngài đã ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử DCCT VN, góp phần quan trọng làm nên khuôn mặt DCCT Viêt Nam hiện nay.
(Dưới đây là một số hình ảnh trong thánh lễ Giỗ 10 năm của ngài vào sáng nay, ngày 24.10.2017)