Đức Hồng y Parolin với Hội nghị thượng đỉnh của LHQ: Một nền giáo dục mạnh mẽ sẽ xây dựng một “thế giới tốt đẹp hơn”

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, trong bức ảnh được chụp tại trụ sở Liên hợp quốc ở Thành phố New York vào ngày 28 tháng 9 năm 2019 (Ảnh: Brendan McDermid / Reuters qua CNS)

Tại một hội nghị thượng đỉnh về giáo dục của Liên Hợp Quốc, Quốc Vụ Khanh Vatican đã nhắc lại lời kêu gọi trước đại dịch của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng giáo dục là “một trong những cách thức hiệu quả nhất để biến công việc và lịch sử của chúng ta trở nên nhân văn hơn”.

Phát biểu trong ngày cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh về Chuyển đổi Giáo dục vào ngày 19 tháng 9, Đức Hồng y Pietro Parolin đã mô tả việc Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị đánh động bởi “sự xác quyết mạnh mẽ rằng thông qua giáo dục, chúng ta có thể phấn đấu cho một thế giới tốt đẹp hơn”.

Đức Hồng y Parolin cho biết Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra một “ngôi làng giáo dục”, trong đó tất cả mọi người “chia sẻ nhiệm vụ hình thành nên một mạng lưới các mối tương quan cởi mở, nhân bản” vượt qua sự phân biệt đối xử và cho phép mọi người phát triển.

Ngoài ra, Đức Hồng y Parolin giải thích, Giáo hội đã “luôn đồng hành với việc truyền bá Phúc Âm hóa với việc truyền tải kiến thức, văn hóa và khoa học” thông qua mạng lưới toàn cầu bao gồm gần 220.000 trường học và 1.365 trường đại học, trong đó 70 triệu sinh viên, bao gồm cả những người ngoài Công giáo và ngoài Kitô giáo đã ghi danh.

Các bạn cùng lớp đang giúp cụ Priscilla Sitienei, học sinh lớp 6, 98 tuổi, làm bài tập tại Trường Dự bị Tầm nhìn Lãnh đạo ở Ndalat, Kenya, ngày 25 tháng 1 năm 2022 (Ảnh: CNS / Monicah Mwangi, Reuters)

Nhiều tháng trước đại dịch COVID-19, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề khởi Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục, giải thích rằng giáo dục là “một trong những cách thức hiệu quả nhất để làm cho thế giới và lịch sử của chúng ta trở nên nhân văn hơn”, Đức Hồng y Parolin nói.

Hơn nữa, Đức Hồng y Parolin tiếp tục, công việc giáo dục thanh thiếu niên phải bao gồm nhiều tác nhân và các bên liên quan quốc tế “nhằm tái xây dựng liên minh giáo dục mong manh bằng cách giới thiệu cho các thế hệ mới các giá trị của sự tôn trọng, đối thoại và liên đới thông qua việc đầu tư các nguồn lực tốt nhất hiện có vào giáo dục chất lượng”.

Đức Hồng y Parolin cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các nhà giáo dục để cho mình được hướng dẫn bởi bốn trụ cột dựa trên các nguyên tắc lâu đời: nhận biết chính mình, nhận biết người lân cận, nhận biết công trình sáng tạo và “nhận biết Đấng siêu việt, điều khẳng định thiên hướng tự nhiên của con người đối với cái vô hạn, mở rộng tầm nhìn và năng lực của chúng ta để khám phá những bí ẩn tuyệt vời của cuộc sống”.

“Chính áp lực này đối với số phận và ơn gọi của nhân loại đã mang lại cho giáo dục ý nghĩa sâu sắc hơn và thuyết phục giới trẻ về giá trị của nó”, Đức Hồng y Parolin nói.

Để đạt được một tầm nhìn toàn diện như vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích các tổ chức giáo dục thực hiện bảy đường hướng.

Những đường hướng này bao gồm việc xem xét cách thức các chương trình giảng dạy và kế hoạch giảng dạy đảm bảo rằng con người là trung tâm của mọi nỗ lực giáo dục; bồi dưỡng sự tham gia đầy đủ của trẻ em gái và phụ nữ; và lắng nghe “tiếng nói của trẻ em và những người trẻ tuổi… để cùng nhau xây dựng một tương lai của công lý, hòa bình và cuộc sống xứng hợp với phẩm giá cho mỗi người”.

Những đường hướng khác liên quan đến việc coi gia đình là “nơi giáo dục đầu tiên và thiết yếu”; giáo dục và được giáo dục về sự cần thiết của sự đón nhận và cởi mở với những người dễ bị tổn thương nhất; tìm ra “những cách hiểu mới về kinh tế, chính trị, sự tăng trưởng và tiến bộ có vai trò phục vụ” mỗi người và mỗi gia đình; và bảo vệ và canh tác trái đất để nó được bảo vệ khỏi sự bóc lột, tuân theo các nguyên tắc bổ trợ, liên đới và một nền kinh tế tuần hoàn.

Đại dịch và chiến tranh ở Ukraine cũng như các cuộc xung đột ở những nơi khác, quan chức Vatican cho biết, khiến nhu cầu về một “hiệp ước giáo dục toàn cầu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết”.

“Giáo dục sẽ giúp chúng ta vượt qua nhiều rạn nứt hiện có trong xã hội của chúng ta, xây dựng các cộng đồng mạnh mẽ hơn và kiên cường hơn, dựa trên các giá trị của tình huynh đệ nhân loại và sự liên đới lẫn nhau”, Đức Hồng y Parolin nói.

Hội nghị thượng đỉnh về giáo dục đã diễn ra trước khi khai mạc Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 77 vào ngày 20 tháng 9.

Minh Tuệ (theo Catholic Review)