Đức TGM Gallagher: Tôi đã gặp những người bị thương đầy lòng can đảm

Vatican. Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh phát biểu tổng kết về chuyến thăm Ucraina rằng: “ĐTC vẫn có thể tiếp tục đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết cuộc xung đột này, luôn có những khả thể. Chúng ta cần cẩn trọng để tránh cuộc tái chạy đua vũ trang ở Châu Âu và thế giới.”

“Người dân Ucraina thực sự là một dân tộc đang bị thương, đồng thời cũng rất can đảm và quyết tâm: chúng ta không thể coi thường nỗi đau lớn của dân tộc vĩ đại này… Chúng ta phải tái cam kết giải quyết xung đột thông qua đối thoại ngoại giao và chính trị”. Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, hiện đã kết thúc chuyến thăm tại Ucraina và chia sẻ điều đó với Vatican News.

Trong buổi phỏng vấn, Đức Tổng Giám mục Gallagher mô tả tầm quan trọng của tinh thần đại kết trong việc xây dựng lại nền hòa bình của Ucraina trong tương lai. Đức TGM giải thích rằng vào thời điểm như thế này, điều tất yếu là người dân phải kiên quyết, nỗ lựcchung tay “vì sự thống nhất của đất nước, của thực thể chính trị của đất nước, vì sự hiệp nhất của các Kitô hữu, sự hiệp nhất của Giáo hội Công giáo, hiệp nhất với các tôn giáo khác, để có thể tận dụng được nguồn lực tinh thần và ơn Chúa ban trong những lúc này, và không lãng phí những điều này bởi những khó khăn hay mối bất hoà”.

Sau đó, Đức Tổng Giám mục Gallagher nói về lòng dũng cảm của một linh mục Chính thống mà ngài gặp ở Bucha, “người đã kể lại những ngày khủng khiếp, khi có những xác chết ở khắp mọi nơi và vị linh mục này yêu cầu chôn cất họ”. Đức TGM nói tiếp, có lẽ, ở một số nơi mọi thứ đã tốt hơn một chút trong những ngày này, “nhưng những vết thương vẫn còn và ngay cả chúng ta trong cách nhỏ bé của mình, chúng ta có thể đến, cố gắng nói chuyện với họ, thể hiện sự đồng cảm với nỗi đau khổ của họ, một cử chỉ hỗ trợ và động viên”.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Toà Thánh nhấn mạnh rằng “theo quan điểm của tôi, đây không phải là điều gì đó con người có thể tự làm một mình, giống như Maria Madalena đã gặp Chúa Kitô phục sinh. Chỉ điều này mới có thể lau khô nước mắt của dân tộc này. Đó là qua việc đào sâu đức tin của mình, bất kể truyền thống đức tin nào – Công giáo, Chính thống, Tin lành, Do Thái và các tôn giáo khác – có thể đi tới sự phục sinh, ngay cả trong mùaPhục sinh này”.

Bình luận của Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher khi kết thúc chuyến thăm tại Ucraina

Theo Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher: qua chuyến thăm, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi, trên hết, đối với Chúa, Đấng luôn ở với chúng tôi trong mỗi bước đi, và cho tất cả những ai đã tạo điều kiện cho chuyến thăm này. Các vị lãnh đạo dân sự ở Ba Lan và Ucraina, các nhà chức trách của Giáo hội, những người hiếu khách đã cho phép chúng tôi gặp gỡ họ và nói chuyện rất thẳng thắn. Tôi đã hứa với Bộ trưởng Kuleba là tôi sẽ đến. Chúng tôi đã đến và chúng tôi đã nói chuyện, và sẽ tiếp tục nói chuyện. Ucraina vào thời điểm này có rất nhiều nhu cầu.

Đức TGM nói thêm: Đối với phần lớn những nhu cầu này, các giáo hội đã giúp đỡ rất nhiều. Tôi đã nghe những lời khen ngợi dành cho Caritas, lời khen ngợi về những gì cácgiáo phận và giáo xứ cũng như các giám mục đã làm, thuộc cả Giáo hội Công giáo Hy Lạp và Công giáo Latinh.

Đồng thời, mọi người cũng đã ghi nhận rất nhiều công lao của Ba Lan và sự quảng đại phi thường của họ, trong việc tiếp nhận người tị nạn và gửi viện trợ nhân đạo cho Ucraina . Nhưng chúng ta cần phải tiến lên phía trước, duy trì sự hỗ trợ cho Ucraina. Chúng ta cần giúp Ucraina luôn lạc quan và trung kiên. Chúng ta cần cố gắng hết sức để trong cuộc xung đột này, các giá trị của Kitô giáo phải chiếm ưu thế hơn bất kỳ giá trị nào có thể tiêu cực hơn hoặc mâu thuẫn hơn.

Ngoài ra, sẽ cần nhiều năm để xây dựng lại xã hội tại Ucraina, một xã hội sẽ phải thúc đẩy sự hiệp nhất ở mọi cấp độ: Giáo hội, chính trị, quản trị và về đổi mới công nghiệp. Chúng ta cần phải làm việc cùng nhau để loại bỏ tất cả những hậu quả từ cuộc xung đột này mà chúng ta đang phải đối mặt như khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng chuỗi cung ứng.

Văn Cương, SJ – Vatican News