Đức Thánh Cha Phanxicô: Việc phá hủy bừa bãi ở Ukraine là một ‘tội ác’

Lính cứu hỏa làm việc tại địa điểm một nhà nhà kho công nghiệp bị phá hủy do cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga ở Lviv, Ukraine, ngày 19 tháng 9 năm 2023 (Ảnh: OSV News/Reuters/Dịch vụ báo chí của Cơ quan Khẩn cấp Nhà nước Ukraine trong bản tin vùng Lviv)

Trong thông điệp gửi cuộc họp đại kết tại Tu viện Biển Đức lịch sử ở Hungary, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng cuộc chiến của Nga với Ukraine là một lời nhắc nhở về những điều Công đồng Vatican II đã dạy: “Bất kỳ hành động chiến tranh nào nhằm mục đích phá hủy bừa bãi toàn bộ thành phố hoặc các khu vực rộng lớn cùng với dân cư của họ đều là tội ác chống lại Thiên Chúa và chính con người”.

Cuộc chiến như vậy “đáng bị lên án một cách dứt khoát và không ngần ngại”, Đức Thánh Cha tiếp tục, trích dẫn Hiến chế Mục vụ của Vatican II về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại.

Trong thông điệp được công bố vào ngày 22 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với những người tụ tập tham dự cuộc gặp đại kết tại Đan viện Pannonhalma cổ kính của Hungary rằng mỗi người đều có vai trò trong việc mang lại hòa bình cho thế giới.

“Vào thời điểm này, cuộc chiến ở Ukraine đã kêu gọi chúng ta mở rộng tầm mắt và con tim với rất nhiều người đang phải chịu đựng chiến tranh”, Đức Thánh Cha nói. “Mỗi người chúng ta hãy tiếp tục bước đi trên con đường hòa bình; mỗi người chúng ta hãy trở thành những sứ giả và những người phụng sự hòa bình ở nơi chúng ta sống và làm việc! Trước hết, chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình!”.

Truyền thống Đan viện Biển Đức và Tu luật của Thánh Biển Đức, mặc dù được viết cho các Tu sĩ và cộng đồng Đan viện, có thể là “một chỉ dẫn tuyệt vời cho một cam kết có ý thức và thực tế đối với hòa bình”, Đức Thánh Cha viết.

Thánh Biển Đức “rất sáng suốt về những khác biệt và bất bình đẳng tồn tại giữa các thành viên trong cộng đoàn”, Đức Thánh Cha nói. Tu luật của Thánh Biển Đức đối với đời sống đan viện cho thấy rằng Ngài nhận ra “sự phức tạp của các đặc điểm ngôn ngữ, sắc tộc và văn hóa, vốn vừa là tài sản vừa là sự tiềm tàng của sự xung đột. Tuy nhiên, Thánh Biển Đức có một quan điểm thanh thản và bình an vì Ngài hoàn toàn tin tưởng vào phẩm giá và giá trị bình đẳng của tất cả mọi người”.

Lời khuyên của Ngài rằng tất cả các tu viện và tất cả các tu sĩ phải chào đón những người xa lạ và những người ngoại kiều và “tôn trọng” tất cả đàn ông cũng như phụ nữ “là nền tảng của sự bình an trong cộng đoàn tu viện, cũng như trong các mối tương quan giữa các cá nhân, xã hội và quốc tế”. Và hy vọng của Ngài rằng các thành viên trong cộng đoàn nỗ lực hết sức mình để làm điều tốt cũng có nghĩa là ngài thúc giục họ “thực hiện bước đi đầu tiên trong những tình huống khó khăn nhất định”.

“Tầm nhìn của Thánh Biển Đức về hòa bình không phải là điều không tưởng, nhưng chỉ ra một con đường mà tình bạn của Thiên Chúa với con người đã vạch ra và tuy nhiên, mỗi người và cộng đồng phải bước đi từng bước một”, Đức Thánh Cha nói.

Đó là vấn đề tìm kiếm công lý, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, chứ không phải nỗ lực xây dựng các khối quyền lực.

Minh Tuệ (theo NCR)