Đức tin ở Tây Nguyên, Việt Nam đang lan rộng

Các thừa sai giáo dân người dân tộc Jrai truyền bá đạo Công giáo mặc dù bị nhà nước gây khó khăn

Ông Phaolô Rmah Bral, vợ, và con cháu đứng chụp hình trong trang phục truyền thống. Ảnh: Cat Vang/ucanews.com

Mỗi Chủ nhật, ông Phaolô Rmah Bral và một cộng sự, cùng với những người thân thiện khác, từng cặp đi xe môtô quanh khu vực Tây Nguyên để giới thiệu các giá trị Công giáo cho dân làng.

Ông Bral, người dân tộc Jrai, 60 tuổi, thuộc nhóm sắc tộc thiểu số được gọi là người Thượng, họ nói tiếng Malayo-Polynesian gần gũi với các ngôn ngữ khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, được nói từ Indonesia đến tận Fiji.

Một thừa sai Công giáo người Pháp đã liên lạc với người Jrai theo vật linh giáo trước đây vào giữa thập niên 1800.

Trong Chiến tranh Việt Nam, nhiều người Jrai đã tham gia các lực lượng bí mật của Mỹ và sau đó định cư tại Mỹ.

Ông Bral và các thừa sai giáo dân khác, được gọi là giáo phụ, đã đưa được thêm nhiều dân làng về với đàn chiên ở giáo phận Kontum.

“Điều hạnh phúc nhất trong đời là được biết Chúa tạo dựng nên chúng ta và yêu thương chúng ta, và đem tình yêu của Ngài đến với anh chị em chúng ta”, ông Bral, cựu giáo viên Văn theo đạo Công giáo năm 1995 và được rửa tội năm 2000, chia sẻ.

Ông và hàng chục dân làng khác bao gồm vợ và con trai ông tham dự các lớp giáo lý cuối tuần được tổ chức tại Trung tâm Truyền giáo của dòng Chúa Cứu Thế.

Chính quyền địa phương ở Tây Nguyên, giáp biên giới với Campuchia, ép người dân địa phương bỏ các buổi học như thế.

Ông Bral và con trai ông bị ép buộc lao động phục vụ cộng đồng và phạt hành chính khi từ chối tuân theo chỉ thị của chính quyền. Cách hành xử của chính quyền khiến người dân muốn phản kháng.

Bà Maria Rcom Khit, vợ ông, cho biết chính quyền tịch thu sách thánh ca, Kinh Thánh và nhạc cụ của họ.

Hiện nay chính ông Bral dạy giáo lý, và việc thực hành đạo Công giáo trong huyện của ông tiếp tục phát triển.

Chỉ riêng trong làng Pok, quê của bà Khit, số tín hữu đã lên đến 190 người.

Họ thường xuyên tập trung cầu nguyện trong một chuồng bò rộng 40 mét vuông được dùng làm nhà nguyện và linh mục ở các nơi khác đến viếng thăm mục vụ.

Nhưng nhà nguyện quá nhỏ, rất nhiều người phải đứng bên ngoài khi tham dự các nghi lễ.

“Theo Chúa là phải chấp nhận những thách thức khó khăn và thậm chí mất thu nhập”, ông Bral nói về sự dấn thân theo Giáo hội.

Năm người con của vợ chồng ông bị cấm làm việc trong các công ty hay cơ quan chính quyền địa phương.

Bà Khit cho biết một công ty cao su đã chiếm 2 hécta đất canh tác của bà.

Chính quyền từng nói bà và gia đình bà sẽ được cấp đất nếu dừng thuyết phục các dân làng khác theo Công giáo, bà cho biết thêm.

“Tôi hỏi họ là con chó có biết chủ của nó không. Họ trả lời: ‘Có’. Tôi nói với họ ‘Tại sao các ông lại không biết chủ của mình? Chính là Thiên Chúa, Người đã tạo dựng ra các ông’. Thế là họ bỏ đi không nói lời nào”.

Bà Khit cho biết các con cũng như các cháu trai, cháu gái của bà làm giáo lý viên, tham gia ca đoàn, chơi đàn organ trong các nghi lễ và tham gia các hội đoàn Công giáo.

Họ chủ yếu dựa vào nghề nông để kiếm sống qua ngày nhưng đã tìm thấy Chúa và bình an trong tâm hồn.

Các giá trị Công giáo có lợi cho dân làng

Ông Bral nói đạo Công giáo thu hút nhiều người vì các giá trị Công giáo mang lại cho họ cuộc sống tốt đẹp hơn.

Người dân không còn sợ ma và đa số đã bỏ các nghi thức tốn kém của vật linh giáo như cúng tế động vật.

Cách đây vài năm, dân làng gặp hạn hán nghiêm trọng và các pháp sư ở các nơi khác đến yêu cầu họ cúng một con trâu trắng.

Nhưng người Công giáo cầu nguyện xin Chúa và đắp đập lấy nước tưới tiêu cho trang trại của họ, thấy vậy nhiều người ngoài Công giáo cũng quyết định không cúng tế nữa.

Ông Bral cho biết trước đây người dân thường cúng gia cầm và gia súc khi có người bệnh, nhưng hiện nay họ thích điều trị y khoa hơn.

Tháng 11 là lúc để sửa sang mồ mả và các linh mục địa phương đã dịch Kinh Thánh và các sách thánh khác sang tiếng Jrai.

“Chúng tôi cố gắng hết mình để đem tình yêu Chúa đến thật nhiều người vì lợi ích của họ”, ông Bral nói và thêm rằng ông kiên trì vì ông thích nói chuyện với người khác về Chúa Giêsu.

Con trai ông là Phanxicô Rmal Hyun, một thừa sai giáo dân 39 tuổi, nói giáo phụ như anh phải nêu gương tốt cho các dân làng khác bằng cách thực hành đức tin trong đời sống hàng ngày.

“Chúng tôi cam kết theo Chúa đến hơi thở cuối cùng và tin rằng Ngài không bao giờ bỏ con cái Ngài cơ cực và đau khổ”, anh Hyun nói.

Năm 2016, giáo phận Kontum có 330.394 người Công giáo, bao gồm 226.789 người dân tộc thiểu số được phục vụ bởi 2.121 thừa sai giáo dân.

Đức cha Martial Jannin người Pháp, giám mục tiên khởi của Giáo hội địa phương, xây dựng chủng viện thừa sai Kontum vào thập niên 1930.

Vào lúc đó giáo phận có khoảng 24.000 người Công giáo do 29 linh mục Việt Nam và nước ngoài cùng với 160 giáo lý viên người dân tộc thiểu số phục vụ.

Tòa nhà chủng viện bằng gỗ ban đầu vẫn còn nằm trong khuôn viên tòa giám mục và trưng bày các bản đồ cũ, nhạc cụ và dụng cụ của các thừa sai trước đây.

Nguồn: vietnam.ucanews.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.