Đức tin thời dịch bệnh

Mt 4, 3-4: Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!” Nhưng Người đáp: “Ðã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.”

Trận đại dịch Cúm Tàu này thật kinh khủng. Nó gieo rắc bao nỗi lo sợ kinh hoàng, gây ra nhiều cái chết thương tâm, ly tán bao gia đình, làm xáo trộn hoàn toàn cuộc sống êm ả trước đây của dân Việt.

Một người phụ nữ lần Chuỗi Mân Côi bên ngoài tường rào nhà thờ. Ảnh Internet

Sự cầm cự của từng người, từng gia đình với cơn địch bệnh mỗi ngày để sống, để sinh tồn, mong một ngày mai tươi sáng xem ra quá mong manh. Vì “ngày mai” còn chưa biết thế nào, được sống nữa hay không, nói gì đến sự “tươi sáng” ?

Dẫu sao, người dân cũng rút ra được những cảm nhận chân thực về tính tương đối của mọi thứ, ngay cả những giá trị mà trước đây, họ nghĩ tưởng là chắc chắn, là chỗ dựa bền vững. Mọi vật, mọi sự chỉ là phù vân, cả mạng sống cũng thế.

Cuộc sống là vậy, là chịu tác động của hoàn cảnh bên ngoài, luôn bị thôi thúc từ những đòi hỏi của bản năng tự nhiên, của thân xác, trên hết là cái ăn – ăn để sống; có sống mới có những thứ khác, mới thực hiện được những ước mơ. Nhưng còn có những loại hình “ăn” làm ô nhục danh dự, hoen ố tâm hồn, mất tính liêm sỉ và kéo theo một sự cắn rứt, dày vò không ngơi của lương tâm.

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh khốn đốn vì cái ăn mấy tháng qua. Bao sự trợ giúp cấp bách của những nhà hảo tâm hiểu được lẽ sống: sống đâu phải chỉ để hưởng thụ mà còn để sẻ chia. Bao người thiện nguyện hy sinh, dấn mình hằng ngày trong khắp hang cùng, ngõ hẻm, lần theo tiếng kêu cầu trợ giúp để phân phối. Trong số đó, có người đã mất mạng vì bị lây nhiễm Cúm Tàu quái ác, nhưng cũng chỉ đáp ứng phần nào. Còn bao người đang bị cơn đói hành hạ triền miên và đã chết vì đói ăn…

Tấm hình người phụ nữ nghèo luống tuổi với ít hành trang, da đen sạm vì vất vả, khoan thai trong nét tĩnh lặng an bình, nâng Chuỗi hạt Mân Côi để nguyện kinh, (có lẽ) trước cửa một nhà thờ đóng kín, bên cạnh là ít quà cứu trợ của ân nhân nói lên Đức tin Thời Dịch Bệnh: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”

Của ăn là thiết yếu nhất trong mọi thời, nhất là trong thời dịch bệnh này, nhưng bà đã minh chứng và cho thấy, còn một “thức ăn thiêng liêng” thiết yếu hơn cả, ở trên tất cả, là Lời Chúa. Nếu của ăn vật chất đem lại sẵn sàng cho thân xác, thì Lời Chúa chính là thức ăn thiêng liêng đem lại sự sống đời đời.

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT