Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên: Bài giảng lễ Chúa Giáng Sinh năm 2022

Lời ca của các sứ thần tại Belem đêm đông năm xưa đã trở thành bài thánh thi quen thuộc của phụng vụ Kitô giáo. Thánh Luca nói với chúng ta: đây là bài ca của đạo binh thiên thần đông đảo, cất tiếng ca tụng Thiên Chúa.

Việc Hài Nhi sinh hạ tại Belem năm xưa đã diễn tả vinh quang Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng trọn hảo. Vinh quang của Ngài có từ ngàn đời. Tuy vậy, vinh quang rạng ngời ấy, từ bao thế hệ vẫn ẩn giấu, hoặc có tỏ lộ, thì chỉ ở mức giới hạn hoặc nhất thời. Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã tỏ vinh quang của Ngài với ông Môisen và với dân tộc Do Thái trong hành trình về đất hứa. Ngài cũng tỏ vinh quang của Ngài khi vua Salomon khánh thành đền thờ Giêrusalem (vào khoảng năm 930 trước Công nguyên). Nay, nơi Hang đá Belem, vinh quang ngàn đời của Thiên Chúa đã xuất hiện và chiếu soi rạng rỡ. Tác giả thư Híp-ri viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Hr 1,1-2). Vâng, nếu trong Cựu ước, Thiên Chúa chỉ nói với con người qua các trung gian, thì nay Thiên Chúa đã hiện diện giữa chúng ta. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Đó là khẳng định của Thánh Gioan, một khẳng định táo bạo và có thể là “mạo phạm” đối với người Do Thái. Vinh quang Thiên Chúa đã xuất hiện giữa nhân loại. Hài Nhi Giêsu là “Ánh sáng bởi Ánh sáng; Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”, như chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin Kính. Khi khẳng định: Ngôi Lời đã trở nên người phàm, thánh sử Gioan diễn giải tiếp: chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật”. Như thế, nhìn thấy Đức Giêsu là nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa. Những người đương thời với Chúa Giêsu, khi họ chứng kiến những phép lạ của Chúa và khi nghe những lời giáo huấn sâu sắc của Người, đã cảm nhận được vinh quang Thiên Chúa nơi Người. Nhiều người đã thốt lên: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7,16). Những người này đã được chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa.

Đức Giêsu đến trần gian để tôn vinh Thiên Chúa, để danh Thiên Chúa được cả sáng, và để muôn dân nhận biết quyền năng cao cả của Đấng Sáng tạo. Cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá của Người cũng là để Thiên Chúa được tôn vinh. Người đã tuyên bố với các kỳ mục Do Thái: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là: Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28). Trong truyền thống Thánh Kinh, danh xưng “Hằng Hữu” chỉ được dành cho Thiên Chúa, quy chiếu về lời của Chúa nói với ông Môisen trong sự kiện bụi gai bừng cháy mà không bị thiêu rụi (x. Xh 3,14). Lời ca tụng vinh danh Thiên Chúa của triều thần thiên quốc tại Belem, vừa là lời ca ngợi quyền năng vinh hiển của Ngài, vừa diễn tả vinh quang Ngài đã bày tỏ qua Hài Nhi mới sinh. Qua Hài Nhi này, Thiên Chúa được tôn vinh ca ngợi.

Đêm Belem là đêm nối kết đất với trời. Đêm ấy, Thiên Chúa được vinh danh và con người được an bình. Đức Giêsu là Hoàng Tử bình an. Ông Dacaria đã ngẫu hứng hát lên trong ngày con mình là Gioan Tẩy giả sinh ra: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,78-79). Với Dacaria, Đức Giêsu chính là Vầng Đông và là Bình An được Thiên Chúa gửi đến trần gian, nhờ đó mọi người trong gia đình nhân loại có thể bước đi trong cuộc lữ hành trần gian tăm tối. Khung cảnh thanh bình của Hang Đá Belem diễn tả sự bình an, và cũng hứa hẹn bình an cho những ai đón nhận Chúa Giêsu trong cuộc đời.

Nếu vinh quang Thiên Chúa đã tỏ hiện trong đêm Giáng sinh, thì hôm nay, vinh quang của Ngài vẫn hiện hữu nơi thế gian này. Đó là Đức Giêsu, Đấng đang sống và hiện diện giữa chúng ta. Người hiện diện để khẳng định với nhân loại mọi thời: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Vinh quang Thiên Chúa còn thể hiện nơi cuộc đời của mỗi tín hữu, như thánh Giám mục Irênê (130-202) đã khẳng định: “Vinh quang Thiên Chúa là con người đang sống – La gloire de Dieu, c’est l’homme vivant”. Con người đang diễn tả vinh quang Thiên Chúa qua đời sống của mình. Khẳng định này vừa giúp chúng ta tôn trọng sự sống nơi bản thân, vừa nhắc nhở chúng ta tôn trọng sự sống và phẩm giá của người khác. Khi chúng ta nhận ra giá trị của sự sống và trân trọng nó, là chúng ta tôn vinh Thiên Chúa.

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Người là vinh quang của Thiên Chúa. Đón nhận Ngôi Lời là đón nhận vinh quang của Thiên Chúa. Đón nhận Ngôi Lời cũng là đón nhận ơn an bình cho tâm hồn và cuộc đời mỗi chúng ta.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn: Tổng Giáo Phận Hà Nội