Hoàng Chi Phong * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch – Tôi là sinh viên hai mươi tuổi, chào đời trước cuộc trao trả một năm.
Lớn lên dưới sự thống trị của Trung Quốc, tôi không có ký ức gì về Hong Kong thuộc địa hay cảm thấy gắn bó với Hong Kong vào thời ấy. Thay vì thế, hàng ngày tôi bị nhồi nhét vào đầu rất nhiều chân lý hiển nhiên: Hong Kong là và sẽ mãi mãi là một “phần bất khả xâm phạm” của Trung Quốc; và Đảng Cộng Sản Trung Quốc, hay ĐCSTQ, luôn luôn hành động cho quyền lợi tốt đẹp nhất của chúng ta dưới khuôn khổ “một nước, hai chế độ”.
Nhưng hai mươi năm sau khi chuyển giao chủ quyền, tôi bây giờ biết những sự thật hoàn toàn khác: Bắc Kinh vi phạm Tuyên bố Chung, hiệp ước quốc tế Trung Quốc ký với Anh vào năm 1984, khi vẫn tiếp tục không cho chúng ta quyền bầu cử tự do; do vậy Hong Kong bị sa lầy trên con đường bất tận đến dân chủ; và ĐCSTQ đã mở cuộc tấn công toàn lực vào các quyền tự do dân sự của chúng ta…
Cách đây sáu năm, theo chỉ thị Bắc Kinh, chính quyền Đặc Khu Hành Chính Hong Kong tuyên bố kế hoạch nhằm đưa “chương trình giáo dục quốc gia” vào tất cả các trường tiểu học và trung học trên toàn thành phố. Đây là âm mưu dễ dàng nhận thấy để in sâu vào trong trí thanh niên chúng ta tinh thần yêu nước khờ dại và lòng trung thành mù quáng với ĐCSTQ. Có lẽ những chính khách kỳ cựu quá xa cách với trường lớp nên các đảng đối lập không mấy quan tâm đến tin tức ấy.
Lúc ấy tôi mười bốn tuổi, chỉ mới bắt đầu vào lớp tám. Tôi biết tôi chẳng thể nào ngồi yên không làm gì cả trong khi chương trình giáo dục tẩy não nhiễm độc nền giáo dục chúng ta. Chính lúc ấy tôi thành lập tổ chức học sinh tên Học dân tư triều với nhóm nhỏ học sinh trung học để bảo vệ tư duy tự do và độc lập trong lớp học qua những cuộc biểu tình và các cách phản kháng ở cơ sở.
Các chiến dịch của chúng tôi thoạt đầu ít người quan tâm đến – các cuộc tuần hành đường phố của chúng tôi chỉ thu hút vài chục người tham dự và các cuộc diễn thuyết ngoài phố của chúng tôi không được báo chí đăng tải nhiều. Đáp lại bao nỗ lực của chúng tôi là tâm trạng cam phận nói chung, vì nhiều người nghĩ chống lại chính sách của Bắc Kinh cũng vô ích.
Đáng trách thay là xã hội Hong Kong chưa hoàn toàn đón nhận quan niệm về học sinh sinh viên đấu tranh. Hệ thống giáo dục dựa trên học thuộc lòng của chúng ta như trước đây và hiện nay vẫn còn quá chú trọng đến điểm số và các kỳ thi chung đến độ bất luận chuyện gì khác đều bị coi là xao lãng học hành. Điều này có thể hiểu. Đối với bao thế hệ người Hong Kong, phương tiện thăng tiến duy nhất và cũng là cách duy nhất đóng góp có ý nghĩa cho xã hội là đạt được mảnh bằng đại học danh giá (ưa chuộng nhất là quản trị kinh doanh) và những nghề nghiệp được chứng nhận (về tài chính, kế toán, luật hay y khoa). Chính trị xa lạ đối với tuổi trẻ đến mức bằng mọi giá khuyên họ tránh xa.
Nhưng tôi thấm nhuần lời dạy của Thánh Kinh. Thánh Phao-lô dặn dò chúng ta đừng “để ai coi thường anh vì anh còn trẻ” và tôi nhập tâm bài học ấy. Vào đêm trước ngày chương trình giáo dục quốc gia được đưa vào nhà trường, không bao lâu sau khi tài liệu do Bộ Giáo dục bảo trợ đã khen ngợi ĐCSTQ là “tổ chức lãnh đạo thống nhất, vô tư lợi và tiến bộ”, chúng tôi cuối cùng thành công trong việc khích lệ công chúng tức thời đứng lên chống lại tuyên truyền của chính quyền. Hơn 120 ngàn công dân đã xuất hiện ở “Quảng trường Công dân” bên ngoài trụ sở chính quyền để ủng hộ phong trào chúng tôi, buộc chính quyền Đặc Khu Hành Chính phải rút chương trình ra khỏi nhà trường ngay vào ngày hôm sau…
Tôi tin đã qua rồi thời chính trị chỉ dành cho nhân tài kiệt xuất, và tuổi trẻ nên vạch ra con đường mới để đạt đến dân chủ bởi vì họ là những người chịu nhiều rủi ro nhất trong tương lai của thành phố chúng ta. Tôi cũng tin rằng những thay đổi thật sự được tạo ra không phải nhờ chơi theo luật chơi cũ mà nhờ bất tuân dân sự và tổng nổi dậy, và tuổi trẻ, do không bị ràng buộc bởi áp lực tài chính và gánh nặng gia đình, nên ít bị mất mát nhất nếu họ bị bắt hay bị kết tội và vì thế họ nên đảm nhận vai trò nổi bật hơn.
Những niềm tin ấy giúp chúng tôi đón nhận Phong trào Chiếm đóng trong năm 2014 bằng hoạt động tổ chức từ đấy đưa đến cuộc chiếm đóng thật sự đường phố, cuộc tổng bãi khóa trên toàn thành phố, nhiều cuộc phản kháng tập thể khác nhau và trưng cầu dân ý về cải cách bầu cử với hơn 800 ngàn công dân tham gia. Thực ra, chính quyết định bất ngờ của chúng tôi tái chiếm Quảng trường Công dân vào ngày 26 tháng Chín, hai ngày trước khi cuộc Chiếm đóng bùng phát, đã khai màn cuộc đấu tranh 79 ngày…
Cách đây hai mươi năm, ý tưởng cuộc tổng nổi dậy chính trị gây tê liệt thành phố nhiều tháng trời là hoàn toàn không tưởng. Cũng hoàn toàn phi lý là khái niệm sinh viên có thể tranh cử vào Hội đồng Lập pháp Hong Kong với tư cách là người ủng hộ quyền tự quyết của thành phố. Hai mươi năm sau sau khi trao trả, điều không tưởng và phi lý một thời ấy hôm nay là phần hiện thực chính trị, qua đó chúng minh rằng người Hong Kong không chỉ là những người làm kinh tế như ta tưởng. Chúng ta cũng muốn và khao khát tự do, dân chủ và thượng tôn pháp luật như bao người khác. Cho nên chúng ta sẵn sàng chiến đấu hết sức mình cho tất cả những điều ấy.
Nguồn: Dịch từ trang mạng Quartz ngày 25/6/2017. Nguyên tác tiếng Trung, bản tiếng Anh của Jason Y. Ng. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
Bản tiếng Việt: