“Đường dân sinh” – kế hoạch “cướp” toàn bộ 107 hécta đất Đan viện Thiên An

Mời đọc: Đất Đan viện Thiên An tiếp tục bị cướp, rừng Thiên An bị “diệt” đường sống

Báo Thừa Thiên Huếcho biết, đầu tháng 05/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nói rằng sẽ “hồi sinhhồ Thủy Tiên trở thành Khu công viên văn hóa phục vụ cộng đồng”. Họ sẽ “khai thác tuyến đường đi bộ, nuôi thú, dịch vụ xe đạp thông minh gắn với một số hoạt động thể thao, vui chơi thưởng ngoạn cho khách và người dân địa phương” và “xây dựng tuyến đường dân sinh cho người dân trong vùng để không ảnh hưởng đến khu vực phát triển dự án, khu vực vào hồ Thủy Tiên…”

Nguồn gốc “hồ Thủy Tiên” chính là hồ lớn chứa nước của Quý Đan sĩ Đan viện Thiên An được xây dựng sau năm 1940, nhằm phục vụ cho lao động, cày cấy, chăn nuôi và các sinh hoạt hằng ngày. Đây là một thung lũng rộng lớn hơn 63 hecta đất-nhà-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của ĐVTA, đã bị cướp, xây dựng nên cái hồ Thủy Tiên từ khoảng năm 2001.

Sau một năm đi vào hoạt động, khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên trở thành bãi tha ma, hoang phế, u ám, kinh hồn bạt vía, đầy rác rưởi, hôi hám mùi xú uế, thậm chí là nơi của những con nghiện ra vô thường xuyên – được báo chí trong nước và nước ngoài gọi với cụm từ đến rùng rợn là “công viên ma”. Từ đó hồ Thủy Tiên chỉ còn “ma” đến vui chơi. Và nay, theo chỉ đạo, kế hoạch phục hồi hồ “ma” cướp được sẽ nhanh chòng thành hồ “quỉ”!

Hủy hoại chứng tích sở hữu hợp pháp tài sản của Đan viện Thiên An

Một hồ nước lớn khác của Đan viện là đập Chatađê được các Đan sĩ tiền bối xây dựng phục vụ cho nông nghiệp. Tại đập Chatađê, vào tháng 7/2017, tấm bảng làm bằng bêtông tạc dòng chữ “Đập Chatađê Đan viện Thiên An” dựng gần đập nước, chứng tích chủ quyền hợp pháp của ĐVTA, đã bị “ai” đó tháo dỡ, trơ trọi còn cột bêtông và mang đi đâu không rõ. Vào cuối tháng 05/2020, Quý Đan sĩ cho dựng lại tấm bảng “Đập Chatađê Đan Viện Thiên An”. Nhưng chưa đầy ba ngày, tấm bảng “Đập Chatađê Đan Viện Thiên An” làm bằng bêtông lại tự nhiên “biến mất”, cột bêtông treo tấm bảng bị đập nát. Cướp phá tài sản hợp pháp của ĐVTA, xóa bỏ chứng tích, để lên kế hoạch chỉ đạo “khai thác tuyến đường đi bộ, nuôi thú, dịch vụ xe đạp thông minh gắn với một số hoạt động thể thao, vui chơi thưởng ngoạn cho khách và người dân địa phương”.

“Con đường dân sinh” tưởng tượng trong nội vi Đan viện, mục đích cướp đất ĐVTA.

Tại thung lũng cách đập Chatađê khoảng 500 mét về hướng Đông Bắc, các Đan sĩ tiền bối cho xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc. Nơi đây, các ngài cho khoan một giếng lớn sâu 12m, dài 18m, ngang 14m nơi mạch nước ngầm, cung cấp nước cho nông nghiệp, chăn nuôi, dẫn nước về Đan viện để cày cấy, trồng cam và phục vụ các sinh hoạt thường nhật.

Từ năm 2001, nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cướp trọn trang trại chăn nuôi gia súc cùng với đất-rừng thông của Đan viện. Tổng cộng hơn 63 hécta đất-nhà-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của ĐVTA. Họ đã chặt phá rừng thông, tàn phá môi trường, xây dựng trái phép công trình núp bóng gọi là “phục vụ lợi ích công cộng”: khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên. Cụm từ “công trình phục vụ lợi ích công cộng” thường được nhà cầm quyền này sử dụng để hợp thức hóa chính sách cướp đất Tôn giáo của nhà cầm quyền cộng sản từ sau 1975. Trên diện tích này, các chứng tích xác định quyền sở hữu của ĐVTA đã bị xóa bỏ. Các chứng tích của cơ sở Đan Viện: trang trại chăn nuôi, giếng nước… bị chôn vùi xuống dưới lòng hồ Thủy Tiên. Tuy nhiên, vào mùa khô nắng, hồ rút cạn nước sẽ lộ lên những dấu tích còn lại của trang trại và giếng nước đã được các vị Đan sĩ tiên khởi cực khổ dựng xây. Chỉ nay mai, với kế hoạch được “chỉ đạo”: cải tạo hồ Thủy Tiên, các chứng tích này chắc sẽ lại bị “xử lý” để không còn dấu vết tồn tại.

Khi tiến hành làm khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên trước đây, giới chức cầm quyền có nhiều âm mưu chia cắt Đan viện qua các thủ thuật tinh vi bằng “con đường dân sinh”. “Con đường” này thực tế là những lối mòn đi ra khu vực hồ Thủy Tiên, đi lên đập Chatađê, đi ngang qua đồi Chịu Nạn và đồi Đức Mẹ, và đi vào nội vi ĐVTA được chính các Đan sĩ tạo dựng. Không thể có “con đường dân sinh” trong phạm vi đất- rừng thông hợp pháp của một Đan viện sống đời Chiêm niệm. Ai cũng biết, Đan viện Thiên An là dòng khổ tu, nội vi Đan viện không thể cho phép người ngoài đi lại, lẽ vậy, không thể có “con đường dân sinh” tồn tại trên khu đất Đan viện được.

Suốt thời gian qua, nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế dùng các phương tiện truyền thông đưa tin sai sự thật cho rằng những lối mòn bao quanh đập Chatađê là “đường dân sinh”. Các báo đài ra sức vu cáo chính các Đan sĩ đang phá con đường dân sinh, vu khống các Đan sĩ chặt phá, đốn hạ rừng thông nhằm lèo lái dư luận để đạt mục tiêu cướp hơn 107 hécta đất-nhà-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An. Trong khi đó, chính nhà cầm quyền đã tự tiện treo bảng “trạm quản lý bảo vệ rừng” giữa khu rừng của Đan viện và đang bảo kê cho các cá nhân, doanh nghiệp tàn phá môi trường sinh thái thiên nhiên chính là lá phổi xanh của thành phố Huế.

Tại lối mòn đi lên đập Chatađê –thuộc nội vi Đan viện Thiên An– mà nhà cầm quyền cho là “con đường dân sinh dẫn vào nhà của hơn 100 hộ dân trong thôn Kim Sơn” đang bị các Đan sĩ phá hủy, được vị Đan sĩ cao niên hơn 80 tuổi, từng đổ mồ hôi xương máu và gắn bó cuộc đời của ngài trên mảnh đất này ngót 60 năm phủ nhận “không có con đường dân sinh” nào đi ngang qua khu đất của Đan viện.

Đan sĩ Stanislas Trần Minh Vọng quả quyết: “Con đường này không phải là con đường dân sinh. Trước đây không có người dân nào sống ở nơi khỉ ho cò gáy này cả. Sau khi Đan viện làm cái đập Chatađê xong thì chúng tôi làm cái đập thứ ba và làm con đường này để cho các Đan sĩ đi qua lại chứ không phải là con đường dân sinh. Làm đập này để ngăn nước lại và cung cấp nước cho vườn rau và vườn cam gần đập này. Tại đập này có những đường ống ngầm dưới lòng đất để dẫn nước về Đan viện.”

Một bài toán kiểm tra đơn giản để xác định có con đường dân sinh dành cho hơn 100 hộ dân như kẻ cướp nói hay không, hãy xác định nguồn gốc đất, và mốc thời gian sử dụng đất của những hộ dân này, trên khu đất- nhà- rừng thông tồn tại hơn 80 năm của ĐVTA.

Đan viện Thiên An không phải là trường hợp đầu tiên bị cướp biến thành “phục vụ công cộng”, sau khi “phục vụ túi tham quan chức” bất thành. Và chắc chắn, nếu không bị lên án, ngăn chặn… sẽ còn nhiều cơ sở Tôn giáo khác biến mất, trở thành công trình “phụ vụ kinh tế”, “phục vụ công cộng”…

Đan Viện Thiên An Huế

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.