Giáo dân Thừa sai Chúa Cứu Thế tĩnh tâm Mùa Chay năm 2021

Trên hành trình sám hối trở về cùng Chúa trong Mùa Chay Thánh năm 2021, và chuẩn bị cho sứ vụ tông đồ, vào hai ngày Thứ Bảy và Chúa Nhật, 20-21/03/2021 vừa qua, có khoảng 70 học viên Thừa Sai Giáo Dân Chúa Cứu Thế Miền Bắc do cha Giuse Trần Hữu Hoan phụ trách đã tổ chức kỳ tĩnh tâm tại Cộng đoàn DCCT Bổng Điền, Thôn Bắc, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Đây là kỳ tĩnh tâm đầu tiên nằm trong chương trình đào tạo kéo dài hai năm dành cho các giáo dân có ý định dấn thân ơn gọi Thừa Sai Dòng Chúa Cứu Thế.

Giảng tĩnh tâm năm này là cha Giu-se Nguyễn Ngọc Bích, Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.

Đồng hành với anh chị em thừa sai lần này có Cha Giuse Trần Hữu Hoan, đặc trách Thừa Sai Chúa Cứu Thế Miền Bắc; Cha Giuse Phạm Thanh Quan, bề trên DCCT Thái Bình; Thầy Lôrenxô Đặng Xuân Hưởng, đang phục vụ tại Phúc Nguyên Gp Vinh; và quý cha thuộc cộng đoàn DCCT Thái Bình.

Thành viên tham dự tĩnh tâm đến từ: Hà Nội, Thái Bình và Nghệ An.

Sau khi đặt chân tới Bổng Điền vào lúc 7h30 ngày 20/03, các phái đoàn đã dành cho nhau những lời chào hỏi thân tình trước khi bước vào các phần nội dung chính của kỳ tĩnh tâm bao gồm: Nghe giảng Lời Chúa, chia sẻ và thảo luận về sứ mệnh truyền giáo, sám hối chung và xưng tội, tham dự Thánh lễ, cầu nguyện và chầu Thánh Thể.

Nhằm giúp cho các tham dự viên có thêm kiến thức về đời sống thiêng liêng và đặc biệt là khơi dậy ngọn lửa nhiệt thành tông đồ, trên tinh thần chủ đạo của Mùa Chay, các bài giảng mà cha Giám Tỉnh chia sẻ có nội dung xoay quanh chủ đề: Thừa Sai Giáo Dân Chúa Cứu Thế, tông đồ của sự hoán cải.

Chủ đề thứ nhất: Niềm vui đích thực của người hoán cải

Khởi đi từ các trích đoạn Tin Mừng Lc 19,1-10: Chúa Giê-su kêu gọi ông Da-kêu người thu thuế, cha giảng phòng cho thấy: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”

Chúa đi tìm ta hay ta đi tìm Chúa? Đó là câu hỏi mà nhiều người chúng ta vẫn thường đặt ra khi nghĩ về ơn đức tin. Phải chăng sự biến đổi tâm hồn để trở về với Đấng Sáng Tạo là thành quả của ý chí và những nỗ lực nhằm vươn lên của con người? Trong câu chuyện của ông Da-kêu, hành động trèo lên cây sung để xem cho biết nhân vật Giê-su mà dân chúng vẫn đồn đại phần nào cho thấy một quyết tâm như thế. Nhưng thật lạ, dù Da-kêu chưa một lần gặp Chúa, dù ông chỉ là một trong số rất đông đảo dân chúng đang có mặt xung quanh Người, thì chính Người lại chủ động đi tới chỗ của ông và ngỏ lời: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Đó rõ ràng là một chương trình đã được Thiên Chúa -Đấng thấu suốt tâm can con người- sắp đặt từ trước. Da-kêu, giống như một diễn viên, chỉ đơn giản là đồng tình bước vào vở kịch của ơn hoán cải cách nhiệt thành khi ông thể hiện sự ăn năn, sám hối và biến đổi tới tận căn của mình bằng tuyên bố: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Chẳng những sám hối trở về, Da-kêu đã quyết tâm bù đắp tội lỗi mình để từ đó nhận được ơn cứu độ.

Chủ đề thứ hai: Hoán cải nhờ gặp gỡ sự thánh thiêng

Lời Chúa: Lc 5,1-11: Chúa Giê-su kêu gọi Phê-rô và các môn đệ đầu tiên.

Nếu như Da-kêu là người gặp Chúa trong tình trạng tội lỗi, thì ở câu chuyện của Thánh Phê-rô, chúng ta không khỏi băn khoăn rằng rốt cuộc ngài đã mắc tội gì khi để phải thốt lên: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Phải chăng vì ngài đang ở trần, đang lấm lem và hôi tanh sau khi kéo được một mẻ cá lớn? Không, nếu chỉ là những lý do như vậy thì thật thiếu hợp lý. Nhưng sự hổ thẹn và sợ hãi này xảy đến khi con người thụ tạo bất toàn và yếu đuối- được đối diện với Thiên Chúa – Đấng chí thánh và toàn thiện. Trong đời sống thiêng liêng của chúng ta cũng vậy, dù có cố gắng để đạt tới tương quan tốt hơn với Thiên Chúa và tha nhân đến mức nào, chúng ta vẫn luôn thấy giữa mình và Tin Mừng tồn tại một khoảng cách quá lớn. Khi đọc Lời Chúa, khi quỳ gối trước Thánh Thể, khi gặp gỡ sự thánh thiêng của Người ở bất cứ nới đâu, bất cứ mẫu gương thánh nhân nào, chúng ta vẫn luôn thấy mình yếu kém và sợ hãi giống như Phê-rô. Nhưng chính giữa sự sợ hãi ấy, chúng ta lại thấy được niềm vui, niềm an ủi, được tiếp thêm sức mạnh để sống vươn lên, để hoán cải không ngừng và tiến lại gần Thiên Chúa.

Chủ đề thứ ba: Người hoán cải khát khao gặp Đấng Cứu Độ

Lời Chúa: Ga 4,5-40: Chúa Giê-su gặp người phụ nữ Sa-ma-ri bên giếng Gia-cóp.

Nếu như trong câu chuyện của Da-kêu, sau khi được Chúa ngỏ lời, ông đã nhanh chóng đáp trả, thì ở trường hợp của người phụ nữ Sa-ma-ri bên giếng Gia-cóp, thái độ ban đầu của chị là hoàn toàn trái ngược. Một thái độ hoài nghi, dè dặt và có phần giễu cợt: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?… Ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống?” Khi thấy Chúa tiết lộ:“ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát”, thì chị lại xin: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” Một trí hiểu hoàn toàn trần tục về công trình Cứu Độ của Người. Nhưng bỏ qua tất cả những sự bất xứng và yếu kém của người phụ nữ này, Chúa Giê-su đã mặc khải cho chị rằng chính Người là Đấng Mê-si-a, là Đấng Ki-tô mà chị và toàn dân Sa-ma-ri đang mong chờ, bằng cách trước tiên, nói rõ về trình trạng đời sống cá nhân của chị. Nhờ đó, từ một người phải né tránh cái nhìn khinh miệt của tha nhân, phải chọn lúc giữa trưa nắng nôi thiêu đốt để tới giếng lấy nước, chị đã trở về làng và loan báo cho mọi người về Đấng mà chị vừa gặp. Sự hoán cải của những người Sa-ma-ri nhờ lời chứng hùng hồn của một người tội lỗi biết ăn năn trở lại.

Chủ đề thứ tư: Sống ơn tha thứ là chia sẻ lòng xót thương của Chúa

Lời Chúa: và Mt 18,21-35: Lời dạy về sự tha thứ và dụ ngôn tên mắc nợ không có lòng xót thương.

“Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha có kẻ có nợ chúng con…” Đó chính là lời cầu nguyện mà chúng ta vẫn dâng lên Cha mỗi ngày. Nhưng chúng ta có làm được như vậy không? Thông qua câu trả lời mà Thánh Phê-rô nhận được về sự tha thứ và dụ ngôn tên mắc nợ không có lòng xót thương, chúng ta lại được nhắc nhớ thêm một lần nữa khi đối diện với một trong những câu hỏi hóc búa nhất của Đức tin Ki-tô Giáo: “Tha được không?”, hay nói khác đi, “Yêu được không?” Tha cho người xúc phạm đến mình, xúc phạm đến Chúa, quả thực không phải là chuyện dễ dàng, ngay cả khi chúng ta vẫn quen với lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trên Thánh giá “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Nhưng có lẽ rằng việc tha thứ đó sẽ được nhẹ nhõm hơn, được thật tâm hơn nếu chúng ta suy nghĩ lại về ơn tha thứ mà chính mình đã nhận được. Cụ thể là mỗi lần ta bước tới tòa giải tội để được ơn tha thứ. Như Chúa đã không chấp tội ta, nhưng Ngài đã đổ tràn ơn tha thứ của Người xuống trên chúng ta, chúng ta cũng hãy san sẻ ơn tha thứ và Lòng Thương Xót của Người cho anh chị em mình. Sống tha thứ, cũng là sống Mầu nhiệm Thập Giá, sống Mầu nhiệm của sự khổ đau. Thánh Augustinô nói rằng: “Ai đã yêu thì không thấy đau khổ, mà giả như có thấy cũng yêu luôn đau khổ.” Chính nhờ những hy sinh, đau khổ và thứ tha mà tình yêu của chúng ta dành cho Chúa mới ngày càng triển nở, và bản thân chúng ta mới có thêm phần đồng hình đồng dạng với Người.

Thông qua các bài giảng sâu sắc của cha Bề Trên Giám Tỉnh, đi kèm với những chia sẻ về kinh nghiệm mục vụ nhiều năm của ngài, các Thừa Sai Giáo Dân Chúa Cứu Thế đã thực sự được đánh động và vỡ ra nhiều điều về đời sống Đức tin, về sứ mệnh truyền giáo.

Mỗi lần tĩnh tâm như là dịp lên núi để chứng kiến Chúa Hiển Dung, chúng ta sẽ sớm phải trở về với đời sống thường ngày giữa thế gian với muôn vàn khó khăn, thách đố. Nhưng với những ân sủng vừa kín múc, với những kinh nghiệm vừa được sẻ chia, với những khoảng thời gian bên nhau để lắng nghe thấu cảm, để tuông trào những giọt nước mắt, để an ủi, để động viên lẫn nhau trên con đường dấn thân cho ơn gọi; các ứng viên Thừa Sai Giáo Dân Chúa Cứu Thế sẽ đối diện với thực tại cũ bằng một con người mới, một tâm thế mới. Thực tại trần gian vẫn sẽ như vậy, nhưng lòng người sẽ có thêm tình yêu, thêm khiêm nhường, thêm tha thứ để tìm ra cơ hội và những điều tích cực từ chính những nỗi khổ đau. Đồng thời, với ngọn lửa nhiệt huyết vừa được lĩnh hội, các ứng viên Thừa Sai Giáo Dân Chúa Cứu Thế sẽ có thêm sự kiên vững và mạnh dạn để mang Tin Mừng, mang Ơn Cứu Độ của Chúa đến với những người xung quanh, khơi dậy mạch nước hằng sống vẫn tiềm ẩn nơi lòng họ.

Sau khi tôn vinh Chúa bằng Giờ Chầu Thánh thể, các thành viên Thừa Sai Chúa Cứu Thế của ba Cộng đoàn đã nán lại ít phút để cảm ơn cha Bề Trên Giám Tỉnh, cảm ơn cộng đoàn DCCT Thái Bình, trước khi ra về trong niềm hân hoan và lắng đọng.

Nguyện xin Chúa Giê-su Ki-tô, qua lời chuyển cầu của Mẹ Hằng Cứu Giúp gìn giữ ngọn lửa nhiệt thành, hăng say trong công việc truyền giáo nơi các học viên Thừa Sai Giáo Dân Chúa Cứu Thế, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho mọi người để vượt qua những khó khăn, thách thức đang đợi chờ phía trước.

Ban truyền thông TSGDCCT Miền Bắc