Hùng ca Cứu Độ

Chúa Giêsu mời gọi: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15:9) Và Ngài xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13)

1. GIAO ƯỚC YÊU THƯƠNG

Thứ Năm Tuần Thánh (Maundy Thursday) là Thứ Năm Giao Ước, Thứ Năm Tuyệt Đối, Thứ Năm của các Mầu Nhiệm. Chữ Maundy trong La ngữ có nghĩa là “mệnh lệnh.” Thứ Năm Tuần Thánh muốn nói tới mệnh lệnh mà Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly: “Hãy yêu thương nhau.” (Ga 13:34; Ga 15:12; Ga 15:17) Ngài gọi đó là Điều Răn Mới. Mệnh lệnh yêu thương đó dành cho tất cả mọi người.

Yêu thương trừu tượng, vô hình, không thể đụng chạm, nhưng có thể cảm nhận. Thứ Năm Tuần Thánh có bài học vô giá: Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu, dạy phải sống hy sinh; chức linh mục dạy phải dấn thân phục vụ; việc rửa chân dạy phải yêu thương bất cứ ai, đặc biệt với những người hèn mọn. Ba bài học đó cũng là ba mệnh lệnh.

Ngày xưa có cách mừng lễ theo lệnh Chúa truyền: “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. Hãy nói với toàn thể cộng đồng Israel: Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên.” (Xh 12:1-4) Con chiên đó phải có các đặc điểm: toàn vẹn, giống đực, không quá một tuổi. Nếu không tìm được con chiên đủ các điều kiện đó thì có thể thay thế bằng con dê. Và cách thực hiện theo ý Chúa: “Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Israel đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng.” (Xh 12:6-8)

Cái gì cũng khác lạ, kể cả cách ăn mừng: “Lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy, và ăn vội vã.” (Xh 12:11) Đúng là “phong cách” Vượt Qua. Đức Chúa còn cho biết: “Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai Cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai Cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai Cập: vì Ta là Đức Chúa. Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng họa trên đất Ai Cập. Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là LUẬT QUY ĐỊNH CHO ĐẾN MUÔN ĐỜI.” (Xh 12:12-14) Vết máu là dấu giao ước, dấu tốt lành cho dân chúng ngay trên đất khách quê người.

Tiệc Ly là tiệc chia tay, nhưng lại là điều hạnh phúc mới: “Chén chúc tụng là sự thông hiệp Máu Chúa Kitô.” (1 Cr 10:16) Chúa Giêsu đã cho chúng ta loại ẩm thực đặc biệt để nuôi dưỡng linh hồn: Thánh Thể. Đó là đại hồng ân dành cho chúng ta, nhưng là phàm nhân thì “biết lấy chi đền đáp Chúa vì mọi ơn lành Người đã ban cho?” (Tv 116:12) Vì thế, chúng ta chỉ biết “nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Chúa.” (Tv 116:13)

Có điều đáng quan ngại về lời Chúa Giêsu nói với Thánh Faustina: “Thật đau đớn cho Ta, rất ít linh hồn biết kết hợp với Ta trong lúc đón rước ta. Ta chờ đợi họ, nhưng họ rất lãnh đạm thờ ơ với Ta. Ta muốn ban rất nhiều ơn cho họ nhưng họ không muốn nhận lãnh.” (Nhật Ký, số 1447) Hằng ngày thấy có một số người rước lễ xong thì ra ngoài ngay, có người tới đài Đức Mẹ, Thánh Giuse hoặc vị thánh nào đó, có người thì nói chuyện với người khác. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục phải chịu đau khổ!

Lời cảnh báo của Thánh Phaolô rất đáng lưu ý: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa.” (1 Cr 11:26-27) Nghe có vẻ rất bình thường mà lại rất khác thường, vì liên quan “vận mệnh” của chúng ta ở kiếp sau.

Qua trình thuật Ga 13:1-15, Thánh Gioan cho biết: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” Điểm nhấn mạnh là tình yêu tuyệt đối của Chúa Giêsu, với cách thức “yêu thương đến cùng.” Đã yêu là mãi yêu, dù người được yêu hoàn toàn bất xứng, thậm chí còn phản bội, nhưng Ngài vẫn luôn cho họ nhiều cơ hội chấn chỉnh, sửa đổi.

Đêm Thứ Năm Tuần Thánh là đêm định mệnh năm xưa, ma quỷ đã gieo ý định nộp Đức Giêsu vào lòng môn đệ Giuđa Ítcariốt. Chúa Giêsu biết đã đến giờ, và Ngài sắp trở về cùng Chúa Cha. Cũng trong đêm định mệnh đó, khi Thầy trò cùng ăn mừng lễ, Ngài đứng dậy, cởi áo ngoài ra, lấy khăn mà thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ.

Thấy Ngài đến chỗ mình, ông Phêrô ngạc nhiên: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Chúa Giêsu bảo rằng bây giờ ông chưa hiểu, nhưng sau này sẽ hiểu. Ông Phêrô nhất định không chịu, nhưng Chúa Giêsu nói: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Nghe vậy, ông phấn khởi nói: “Thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân mà cả tay và đầu con nữa.” Bản chất nóng tính có khác, mau lẹ lắm.

Nhưng Chúa Giêsu phân tích: “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” Ngài ám chỉ người sẽ nộp Ngài. Với tính từ “sạch,” người ta chỉ hiểu theo nghĩa đen, nhưng Chúa Giêsu muốn nói theo nghĩa bóng.

Rửa chân cho họ xong, Chúa Giêsu mặc áo vào và về chỗ. Ngài âu yếm nhìn các môn đệ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là ‘Thầy,’ là ‘Chúa,’ điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” Câu hỏi “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?” như lời trăn trối của Chúa Giêsu. Mỗi chúng ta phải trả lời với Ngài.

Thật tuyệt vời với nhận định của Thánh Irênê: “Bí tích Thánh Thể là sự kéo dài thời gian nhập thể.” Thật vậy, Ngài vẫn ở với chúng ta như Ngài đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20)

2. GIÁ MÁU CỨU ĐỘ

Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày Đại Tang của những ai tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa. Nếu cuộc đời là một bộ phim thì cảnh tượng hôm nay là bộ phim buồn thảm nhất. Không gì mắc bằng “giá máu.” Máu biểu hiện sự thể sống. Thiếu máu thì yếu, mất máu thì chết.

Máu và tim không thể tách rời. Tim của người trưởng thành, khoẻ mạnh bình thường, đập khoảng 70 lần/phút, mỗi lần đẩy ra 150 ml máu. Nhịp tim đập 105.000 lần/ngày và bơm hơn 6.000 lít máu vào các mạch máu dài 96.000 km. Suốt đời người, tim đập khoảng 3 tỷ nhịp, bơm ra cả triệu thùng máu. Thật kỳ diệu vô cùng!

Kinh Thánh cho biết về Người Tôi Tớ Đau Khổ: “Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng. Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa, cũng vậy, nó sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ.” (Is 52:13-15) Người Tôi Trung chịu đủ thứ đau khổ, từ tinh thần đến thể lý, và không còn gì là hình dạng một con người nữa!

Quả thật, khó có thể tin rằng có người chịu nhục hình quá đỗi đến vậy, và rất đỗi kinh ngạc khi thấy có những kẻ tàn ác đến thế. Họ không chỉ thay phiên nhau đánh Chúa Giêsu, mà còn đánh hội đồng, đánh không nương tay với những chùm dây da có gắn nhiều cục chì hoặc móc. Thật kinh khủng vì mỗi lằn roi làm rách da thịt và bật máu ra.

Chúa Giêsu bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, chịu sửa trị để chúng ta được bình an, phải mang thương tích để chúng ta được chữa lành. Chúng ta như chiên lạc, lang thang giữa đời muôn lối. Tội lỗi của chúng ta đã đổ trên đầu Ngài, nhưng Ngài cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca, như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông. Ôi, không thể tưởng tượng nổi!

Mặc dù đau khổ tột cùng, Người Tôi Trung vẫn một lòng thành tín: “Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín.” (Tv 31:2 và 6) Chịu đựng vì “nên trò cười cho thù địch và cho cả hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích kinh hãi, ai cũng tránh xa, bị lãng quên như kẻ chết không người tưởng nhớ và hóa thành đồ hư vất bỏ, nhưng Người Tôi Trung vẫn tin tưởng và thân thưa với Chúa: “Ngài là Thượng Đế của con.” (Tv 31:12-15) Số phận có thế nào thì cũng do Thiên Chúa định liệu, Người Tôi Trung nhất quyết trao phó cuộc đời mình cho Thiên Chúa: “Xin giải thoát con khỏi tay địch thủ, khỏi người bách hại con. Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ.” (Tv 31:16-17)

Khi nhìn lại chính mình, có thể có lúc chúng ta cảm thấy thất vọng, nhưng hãy lắng nghe lời Thánh Vịnh gia động viên: “Hỡi mọi người! Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!” (Tv 31:25) Thất vọng rồi sẽ dẫn tới tuyệt vọng. Rất nguy hiểm, vì tuyệt vọng là cùng đường, chẳng khác gì phản bội Chúa.

Thánh Phaolô xác định: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.” (Dt 4:14-16) Vậy thì hãy đứng dậy và làm lại cuộc đời, quyết không vào tròng của ma quỷ.

Thánh Phaolô cho biết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.” (Dt 5:7-9) Để học được bài học vâng phục thì phải trả giá rất đắt, chính Chúa Giêsu đã phải trả bằng GIÁ MÁU kia mà.

Trình thuật Ga 18:1–19:42 là bộ phim dài, từ đêm Vườn Dầu tới chiều Đồi Sọ. Trong đó có biết bao tình tiết đầy kịch tính về Con Người Công Chính – Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Kẻ chỉ điểm Giuđa dẫn đầu một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pharisêu tới, có vũ trang đầy đủ. Đức Giêsu tiến ra, hỏi họ tìm ai. Họ nói là tìm Giêsu Nadarét. Ngài thản nhiên: “Chính tôi đây.” Nghe vậy, họ lùi lại và ngã xuống đất – có lẽ lúc đó Giuđa cũng tế lăn cù. Vậy mà họ vẫn không sợ. Đức Giêsu lại hỏi họ tìm ai, và họ vẫn trả lời như trước. Ngài cho họ bắt, nhưng xin không bắt các đệ tử. Mọi điều ứng nghiệm.

Thấy vậy, ông Phêrô liền vung gươm chém đứt tai phải của Mankhô, đầy tớ của thầy thượng tế, nhưng Đức Giêsu bảo ông Phêrô xỏ gươm vào bao, vì Ngài chấp nhận uống Chén Đắng mà Chúa Cha đã trao. Rồi họ trói và dẫn độ Đức Giêsu đến ông Khanan, nhạc phụ của thượng tế Caipha. Phêrô và Gioan đi theo Đức Giêsu. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế nên được vào sân trong của tư dinh. Còn ông Phêrô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phêrô vào. Người tớ gái giữ cổng nhận ra ông Phêrô thuộc nhóm môn đệ, nhưng ông liền chối phăng.

Thượng tế Caipha tra hỏi Đức Giêsu về các môn đệ và giáo huấn của Ngài, nhưng Ngài nói: “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do-thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì.” Đức Giêsu vừa dứt lời, một kẻ thuộc hạ vả vào mặt Ngài vì cho rằng Ngài trả lời như thế là vô lễ với thượng tế. Nhưng Ngài hỏi vặn lại: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” Họ câm họng. Họ chỉ muốn dùng quyền lực mà thay trắng đổi đen thôi. Quy trình của những ác nhân hèn hạ chỉ có thế. Xưa thế nào thì nay vẫn vậy.

Ông Phêrô vẫn đứng sưởi, chợt có người khác nhận ra ông thuộc nhóm môn đệ của Chúa Giêsu, và ông cũng lại chối ngay lập tức. Một trong các đầy tớ của vị thượng tế, có họ với người bị ông Phêrô chém đứt tai, cũng nhận ra ông Phêrô, nhưng ông vẫn nhất quyết nói không quen với Đức Giêsu. Ngay lúc ấy gà liền gáy. Ông Phêrô giật mình nhớ lại lời Thầy thì muộm mất rồi. Ông chạy ra chỗ khác và bật khóc.

Họ điệu Đức Giêsu tới dinh tổng trấn Philatô lúc trời vừa sáng. Ông Philatô hỏi họ tố cáo Đức Giêsu về tội gì. Họ không trả lời rõ mà cứ lòng vòng, không dám nói thẳng vấn đề. Ông Philatô bảo họ cứ xét xử theo luật của họ, nhưng họ nói rằng họ không có quyền xử tử ai. Ông Philatô hỏi Đức Giêsu có phải là vua hay không, nhưng Ngài bảo đó là chính Philatô nói, Ngài sinh ra và đã đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Không biết dốt thật hay cố ý mà ông Philatô đã hỏi: “Sự thật là gì?” Cáo già mà giả nai tơ. Thật tồi tệ!

Theo tục lệ của người Do Thái, một tử tội nào đó được tha bổng vào dịp lễ Vượt Qua. Ông Philatô hỏi họ muốn tha “vua” Giêsu hay không, họ la lớn: “Đừng tha nó, nhưng xin tha Baraba!” Chúa Giêsu nhân lành mà bị họ ghét hơn tên cướp khét tiếng Baraba. Nhiều thứ tích tụ nơi họ: Ghen tức, tự ái, độc đoán, sĩ diện, ra vẻ,…

Cũng chỉ vì hèn nhát mà Philatô chiều ý họ, truyền đem Đức Giêsu đi và đánh đòn Ngài. Họ kết vương miện gai đặt lên đầu Ngài, khoác cho Ngài chiếc áo choàng đỏ, rồi vừa mỉa mai vừa vả vào mặt Ngài: “Kính chào Vua dân Do Thái!” Sau đó, ông Philatô dẫn Đức Giêsu ra ngoài cho thấy mà thương, và muốn cho họ biết ông ta không tìm thấy lý do nào để kết tội Đức Giêsu. Nhưng các thượng tế cùng các thuộc hạ đồng thanh hét lên: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Ông Philatô đành giao Ngài cho họ. Ông này không có lập trường, bởi vì ông có quyền nhưng không dám hành động vì công lý, bảo vệ sự thật. Chúng ta cũng đã từng hèn nhát như Philatô. Tệ lắm luôn!

Chúa Giêsu phải vác thập giá lên Đồi Sọ, gọi là Gôngôtha. Họ đóng đinh Ngài vào thập giá với hai tử tội khác. Họ làm một tấm bảng ghi: “Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái.” (Ga 19:20) Tấm bảng này được treo ngay phía bên trên đầu Chúa Giêsu. Họ không muốn viết vậy nhưng ông Philatô nhất định không thay đổi. Dĩ nhiên họ không có ý công nhận, mà chỉ có ý mỉa mai. Tuy nhiên, chẳng có gì ngoài Thánh Ý Chúa. Chính tấm bảng đó công khai cho cả thời gian biết Chúa Giêsu là ai và là gì.

Sau khi đã đóng đinh Đức Giêsu, lính tráng chia nhau y phục của Ngài. Chúng hả hê cười nhưng vẫn không giấu được nét bặm trợn của những kẻ tà tâm. Thiên Chúa tôn trọng quyền tự do của họ, và Ngài im lặng. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Ngài giao phó Đức Mẹ cho Gioan, và xác nhận Đức Mẹ là mẹ của Gioan.

Sau đó, Ngài kêu: “Tôi khát!” Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Ngài. Nhắp một chút, Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất!” Ngài gục đầu và trao Thần Khí. Trời đang nắng bỗng tối sầm, sấm chớp rung động đất trời. Nhiều người đấm ngực ăn năn và nhận biết chính tử tội Giêsu là Con Thiên Chúa. Chính viên đại đội trưởng phải thốt lên: “Người này đích thực là người công chính, là Con Thiên Chúa!” (Lc 23:47; Mt 27:54; Mc 15:39)

Là ngày áp lễ nên người Do Thái không muốn để các tử thi trên thập giá trong ngày sabát. Vì thế, họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu, họ thấy Ngài đã chết nên không đánh giập ống chân Ngài, nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài. Giọt máu và giọt nước cuối cùng đã chảy ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Ông Giôxếp và ông Nicôđêmô hạ thi hài Ngài xuống, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do Thái, họ mai táng Đức Giêsu tại một ngôi mộ trong khu vườn gần đó. Đối với người đời, như vậy là chấm hết. Nhưng với Thiên Chúa thì đó lại là một khởi đầu mới của điều lạ mới, một sự sống mới.

Lạy Thiên Chúa, xin tha thứ tội lỗi cho chúng con, xin dẫn chúng con đi qua đau khổ tới miền ánh sáng. Xin giúp chúng con biết chết cho tội lỗi mình hằng ngày để sống xứng đáng với Giá Máu của Con Yêu Dấu của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất, xin biến đổi và giúp chúng con biết yêu như Ngài, can đảm làm chứng về Ngài mọi lúc và mọi nơi. Ngài là Đấng hằng sinh và hiển trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn đời. Amen.

TRẦM THIÊN THU