Ngôn sứ Gioan Tiền Hô

Thánh Gioan Tiền hô luôn gắn liền với Mùa Vọng như một “định mệnh.” Ông là người “mở đường” cho Chúa đến, là nhân vật quan trọng trong công cuộc Cứu độ của Thiên Chúa, nhưng ông lại rất khiêm nhường, không nhận mình là ngôn sứ hoặc là gì khác, chỉ tự nhận mình là “tiếng người hô trong hoang địa” (Ga 1:23) và “không đáng cởi quai dép cho Chúa Giêsu.” (Ga 1:27)

Thánh Gioan Tiền hô là một thanh niên trẻ nhưng nhìn rất “bụi” trong trang phục áo da thú, hẳn là nhìn ông rất khắc khổ vì ông ăn chay trường: Hàng ngày chỉ ăn châu chấu và mật ong rừng. Có thể coi Thánh Gioan Tiền hô là Mặt Trăng, còn Chúa Giêsu là Mặt Trời, nhưng không hề “đối kháng” theo ý câu “như mặt trời và mặt trăng” khi chúng ta nói về 2 người đối lập. Mặt trăng sáng nhờ mặt trời, “mặt trăng” Gioan Tiền hô sáng nhờ “mặt trời công chính” Giêsu. Chúng ta là những ngôi sao bé nhỏ trong vòm trời yêu thương nên chắc chắn cũng chỉ sáng nhờ Mặt Trời Giêsu.

Thánh Gioan Tiền hô có “nét” độc đáo và khác người, ước muốn của ông cũng chẳng giống ai: Ông muốn Chúa phải LỚN lên, còn ông phải NHỎ lại. Đó là “chất riêng” của ông, không lẫn với ai. Ông quá khiêm nhường. Có lẽ đây là điều rất khó đối với chúng ta, vì chúng ta thường muốn mình nổi trội hơn người khác, ngay cả khi chúng ta làm những việc mà chúng ta gọi là “làm việc tông đồ,” làm việc bác ái hoặc làm từ thiện. Dù không nói ra, nhưng động thái của chúng ta chứng tỏ chúng ta “ngụ ý” rằng “trước khi sáng Danh Chúa phải sáng danh con.”

Có lần cố LM Vinh-sơn Ngô Minh Tân (Gx Bình Lợi, hạt Gia Định, TGP Saigon) nói trong một thánh lễ chiều: “Chúng tôi vẫn được dạy rằng linh mục luôn phải coi chừng vì có thể chính mình CHE CHOÁN hết Thiên Chúa!” Một câu nói mà các linh mục khác phải xem lại cách sống của mình! Con người dễ ảo tưởng và kiêu sa lắm, dễ suy luận chủ quan theo ý mình, vì thế mà lúc nào cũng phải “tỉnh thức” và phải dám “luôn luôn lắng nghe” để có thể “luôn luôn thấu hiểu.” Cương vị nào cũng khả dĩ có cách kiêu ngạo đặc thù. Mặc dù “con người chỉ là cây sậy có lý trí” nhưng “cái TÔI đáng ghét” kia vẫn sẵn sàng trỗi dậy bất kỳ lúc nào!

Người ta nói: “A-xít làm cháy tiền, tiền làm cháy tim phụ nữ, phụ nữ làm cháy tim đàn ông.” Một cách nói “độc đáo” thật. Còn Thánh Phaolô nói: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.” (1 Tm 6:10) Tiền bạc có hệ lụy với quyền lợi, quyền lợi có hệ lụy với con người, vì thế mà tiền bạc có ma lực khiến người ta mê muội và kiêu ngạo. Có lẽ vì vậy mà người Pháp có câu: “Tiền bạc là đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ xấu.”

Thánh Gioan Tiền hô còn được gọi là Tẩy giả vì ông làm Phép Rửa cho Chúa Giêsu tại sông Giodan. Ông là người có cuộc sống giản dị, thoát ly tiền bạc, không dính líu vật chất. Tài sản của ông chỉ có bộ áo da thú khoác trên mình. Ông sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, không lệ thuộc vật chất. Một con người như vậy nên rất cương trực trong mọi chuyện. Thấy nhà vua ham mê sắc dục, ông đã dám can ngăn nhà vua, quyết bảo vệ luân thường đạo lý. Nhà vua “lú lẫn” trong nhục dục nên sẵn sàng tặng bất cứ thứ gì, dù là nửa nước, cho mỹ nhân. Nhưng người con gái kia không cần gì khác ngoài “cái đầu của Gioan Tẩy giả.” Nhà vua đã lỡ lời nhưng không dám sửa đổi, đành “chiều” theo ác ý của mỹ nhân. Thánh Gioan Tẩy giả là nhân chứng sống và là vị tử đạo đầu tiên của Tân Ước.

Thánh Phaolô tâm sự: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2:20) Đó là cách sống mà ai cũng phải mơ ước. Nhưng con người có nhiều thứ giằng co trong mình, đôi khi cảm thấy mình như bất lực với chính mình. Chúa biết rõ mười mươi, vì thế Ngài đã động viên: “Đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa,” (Ga 14:1) và Ngài còn hứa rõ ràng và quyết liệt: “Thầy ở cùng anh chị em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20)

Lạy Đấng Thiên Sai, xin cho chúng con can đảm noi gương sống của Thánh Gioan Tiền hô. Xin Ngôi Hai mau đến cứu chúng con thoát khỏi ngục-tù-tội-lỗi. Chúng con cầu xin nhân Danh Đức Kitô. Amen.

TRẦM THIÊN THU