Giúp giới trẻ sống Đạo Công Giáo

Sinh viên Công giáo Giáo phận Bùi Chu tĩnh tâm tại Đan viện Xitô, Châu Sơn, Ninh Bình

Người mẹ than thở: “Tôi không hiểu nổi. Tôi đã cho nó học trường Công giáo 12 năm rồi, vậy mà nó không chịu đi nhà thờ!”

Đa số cha mẹ và ông bà đều quan ngại rằng con cháu mình, từ 16-22 tuổi, có vẻ như bỏ di sản đức tin Công giáo của mình.

Khi tôi có hơn 40 năm kinh nghiệm làm giáo viên và giáo lý viên, tôi mạnh dạn đưa ra lời khuyên cho các giáo viên, giáo lý viên, các bậc làm cha mẹ và ông bà. Trong khi không có gì bảo đảm rằng con cháu chúng ta sẽ gắn bó với đức tin Công giáo thì vẫn có một số cách giáo dục đức tin cho chúng:

1. Hãy nhớ rằng chất vấn là bình thường. Đó là lúc người lớn chúng ta cố gắng hiểu (và ghi nhớ) rằng việc thắc mắc về niềm tin là một phần trong quá trình phát triển.

2. Chúng ta hiểu biết nhờ kinh nghiệm. Con cháu chúng ta lại cho kinh nghiệm là “khủng khiếp.”Là ông bà và cha mẹ, chúng ta có thể tạo những khoảnh khắc để thúc giục con cháu chú ý tới sự kinh khủng thực sự, để đi xa hơn và tìm ra ý nghĩa của những điều linh thiêng trong đời sống hàng ngày, đó có thể là các mùa trong năm, một sự tiến bộ, kỹ thuật, một em bé mới chào đời, hoặc bất kỳ những gì khiến chúng chú ý. Tinh thần Công giáo nảy nở trên những điều kinh khủng và kỳ lạ, những điều đó dẫn chúng ta một cách tự nhiên nhất đi vào đức tin Công giáo hàng ngày.

3. Hãy biết rằng sự cẩn trọng của Giáo hội là một phần phản ứng với mức thường xuyên mà giới trẻ gặp những anh hùng của chúng bị phản bội. Bị phản bội thường xuyên ở những người có vẻ tốt lành mà chúng nghe biết qua các phương tiện truyền thông, khó hiểu là con cháu chúng ta không thể tự động tin và kính trọng các bậc anh hùng – chẳng hạn như các thánh – mà chúng ta đặt trước mặt chúng. Các vụ bê bối mới đây trong Giáo hội cũng đã khiến giới trẻ, kể cả người lớn,có ánh mắt khả nghi đối với các giáo sĩ trong Giáo hội. Không lạ gì khi chúng nghi ngờ mỗi khi chúng ta nói: “Hãy tin tôi, điều này là thật.”Chúng ta không nên có cách nói: “Vì Giáo hội nói vậy” hoặc “Vì tôi nói vậy,” nhưng hãy giúp con cháu hiểu nguyên nhân mà chúng ta tin những gì chúng ta hành động, lý do mà chúng ta yêu mến Giáo hội mặc dù Giáo hội vẫn bất toàn.

4. Hãy biết rằng cha mẹ là người ảnh hưởng nhất trong đời sống con cái. Gương mẫu của cha mẹ là khí cụ mạnh nhất để “giữ” Thiên Chúa và tôn giáo trong đời sống của chúng. Tôi tin rằng thảo luận về các vấn đề đức tin, về vị trí của Giáo hội, về việc thờ phượng, về việc cầu nguyện, về vị thế của Thiên Chúa trong các vấn đề luân lý, đạo đức và các mối quan hệ nên ở trong khuôn khổ gia đình. Tôi luôn cảm thấy gần gũi nhất với các học trò của tôi khi chúng tôi cùng chia sẻ những câu chuyện liên quan đức tin, những lúc đó là niềm an ủi vì biết rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, hoặc chúng ta luôn được Ngài ban cho an bình và hy vọng, vì Ngài chỉ muốn điều tốt nhất cho chúng ta.

Không cha mẹ nào muốn chia sẻ kinh nghiệm với giáo viên,đó là ưu tiên của quyền làm cha mẹ. Cha Mẹ có thể cảm thấy thoải mái kể chuyện riêng của mình vì họ cho con cái biết tầm quan trọng của việc giao tiếp riêng với Thiên Chúa. Trong những lúc khó khăn, sự tin tưởng của cha mẹ được thể hiện trong sự quan phòng của Thiên Chúa là cách giúp con cái thoải mái và hiểu rằng trở thành người lớn nghĩa là làm cho Thiên Chúa có thể nhìn thấy và có thể chạm vào Ngài.

5. Đừng sợ hỏi các giáo viên và giáo lý viên về cách trả lời những câu hỏi liên quan tôn giáo và tâm linh. Mối quan hệ giữa cha mẹ và chương trình giáo dục tôn giáo hoặc trường Công giáo nên là một sự hợp tác. Giáo viên được đào tạo về các giai đoạn phát triển tôn giáo của trẻ, và nên giúp các bậc cha mẹ về các mối quan tâm và các vấn đề giáo dục trẻ. Các bậc cha mẹ nên thoải mái trình bày mối quan ngại của mình với họ.

6. Hãy khuyến khích vai trò của ông bà trong cuộc sống của giới trẻ. Có điều kỳ diệu trong việc cách nhau một thế hệ, tôi tin vậy. Các bậc ông bà có kinh nghiệm nuôi dạy con cái và biết mối quan ngại của cha mẹ về con cái. Đối với nhiều trẻ, đó là những người có thể sẵn sàng và có nhiều thời gian để lắng nghe chúng tỉ tê những điều chúng quan tâm về Thiên Chúa và cuộc sống. Hãy khuyến khích ông bà cùng giáo dục con cháu, nhất là về đức tin Công giáo.

Các bậc ông bà có cách nhìn sâu sắc khi đến với đức tin. Người già có thể kể những câu chuyện và kinh nghiệm mà họ coi là tác nhân xây dựng sự khôn ngoan. Khi cha mẹ thường xuyên bị căng thẳng vì công việc và trách nhiệm gia đình, ông bà có thể giáo dục các cháu.

7. Hãy nuôi dưỡng sự hiểu biết ở con cháu, nhất là độ tuổi thiếu niên, về những gì có ý nghĩa của Giáo hội Công giáo. Tổ chức Nghiên cứu Quốc gia về Giới trẻ và Tôn giáo (National Study of Youth and Religion) lưu ý rằng tôn giáo và Thiên Chúa thực sự cần thiết trong đời sống giới trẻ, nhưng vấn đề quan yếu là “chủ nghĩa mọi thứ” (whatever-ism) trong khi tôn giáo và Giáo hội bỏ mặc chúng nguội lạnh.

Tôi còn nhớ lễ Phục Sinh ở Rôma khoảng 20 năm trước. Tôi dẫn một nhóm thiếu niên đi với tôi và chúng tôi cùng dự lễ Phục sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô. Từ phía sau, tôi nghe một em thầm thì: “Dì ơi dì!” Đó là Stephen muốn len qua đám đông để đứng gần tôi. “Gì vậy?” – tôi hỏi. Nó nói: “Thánh lễ cũng như ở xứ mình!” Ý nó nói thánh lễ vẫn là thánh lễ, Giáo hội vẫn là Giáo hội.

Tôi có kinh nghiệm tham dự các thánh lễ dành cho thiếu nhi ở Arizona, các em đồng phục áo thun với dòng chữ in phía sau lưng: “Hãy hãnh diện bạn là Công giáo.” Tôi không thích câu này vì nó mang tính bài ngoại (xenophobia), nhưng tôi phải công nhận rằng câu này có màu sắc kết hợp bằng một đường dài. Nó gợi sự ham muốn tìm kiếm của người trẻ về một mối quan hệ và thuộc về mối quan hệ đó.

8. Đừng sợ nếu con cháu có vẻ không quan tâm tôn giáo. Chúng ta cần tạo sự linh động và khuyến khích giới trẻ, làm gương cho chúng thấy rằng Giáo hội là Ngôi Nhà mà chúng luôn được tiếp đón, nơi mà chúng có thể bày tỏ những mối nghi ngại và sợ hãi, nơi có những sứ điệp của Chúa Giêsu, nơi mà có thể một ngày nào đó chúng cũng sẽ đưa con cái tới. Thậm chí chúng không bao giờ tái nối kết với Giáo hội của thời thơ ấu, chúng ta không bao giờ biết được chúng có thể gần gũi với Thiên Chúa trong chính tâm hồn chúng bằng cách nào. Chúng ta có thể để cửa mở, tiếp tục cầu nguyện, và hãy đặt con cái chúng ta vào đôi tay của Thiên Chúa để Ngài quan phòng và nâng đỡ theo Ý Ngài.

CAROL CIMINO (Nữ tu, Tiến sĩ Giáo dục)

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Catholic Digest)

[Đăng báo ĐMHCG, tháng 5-2018, Dòng CCT xuất bản tại Hoa Kỳ]