Hai phút tìm hiểu thần học (2): Clement of Alexandria bàn về triết học và thần học

Tám cuốn sách Stromata (nghĩa đen là “những tấm thảm”) của Clement of Alexandria đã đào sâu vào mối quan hệ giữa đức tin Kitô và triết học Hy Lạp. Thành phố Alexandria vĩ đại của Ai Cập là một trung tâm hàng đầu của trường phái triết học Plato vào thời điểm này. Trong đoạn trích từ Stromata, được viết ban đầu bằng tiếng Hy Lạp vào đầu thế kỷ thứ 3, Clement (c.150-c.215) lập luận rằng Thiên Chúa đã ban cho người Hy Lạp triết học như một cách để chuẩn bị cho họ cho đón chờ sự quang lâm của Đấng Đức Kitô, giống như cách Ngài đã ban cho người Do Thái luật pháp của Môsê. Mặc dù không thừa nhận rằng triết học có cùng địa vị với sự mặc khải thiêng liêng, Clement đã vượt ra ngoài gợi ý của Justin Martyr rằng những hạt giống đơn thuần của Logos có thể được tìm thấy trong triết học Hy Lạp.

Vì vậy, cho đến khi Chúa ngự đến [parousia], triết học là cần thiết cho người Hy Lạp để đạt được sự công chính. Và bây giờ nó hỗ trợ những người đến với đức tin bằng cách chứng minh, như một loại huấn luyện chuẩn bị [propaideia] cho tôn giáo chân chính. Vì “bạn sẽ không vấp ngã” (Châm ngôn 3:23) nếu bạn gán tất cả những điều tốt đẹp cho sự quan phòng, dù nó thuộc về người Hy Lạp hay chúng ta. Vì Thiên Chúa là nguồn gốc của tất cả những điều tốt đẹp, một số trực tiếp (như với Cựu Ước và Tân Ước), và một số gián tiếp (như với triết học). Nhưng có thể triết học đã được ban cho người Hy Lạp một cách trực tiếp và tức thì, cho đến khi Thiên Chúa cũng kêu gọi người Hy Lạp. Vì triết học đã hoạt động như một “người giám hộ” [epaidagogei] để đưa người Hy Lạp đến với Đức Kitô, giống như lề luật đã hướng dẫn người Do Thái. Vì vậy, triết học đã chuẩn bị cho sự thành toàn của nó trong Đức Kitô.

Bình luận

Rõ ràng Clement muốn khám phá những cách thức mà triết học Hy Lạp có thể được coi là dọn đường cho phúc âm. Clement lập luận rằng Cựu Ước đã chuẩn bị con đường cho người Do Thái tiếp nhận đức tin Kitô giáo; do đó triết học Hy Lạp cũng có chức năng tương tự đối với người Hy Lạp. Clement rõ ràng coi triết học có vai trò tích cực liên tục đối với các Kitô hữu. Nó không trở nên vô nghĩa bởi sự ngự đến của Đức Kitô; nó vẫn là một con đường mà những người chân thành và yêu mến chân lý có thể đi qua để đến với đức tin. Đức Kitô được coi là sự hoàn hảo và viên mãn của triết học, cũng như Ngài cũng được coi là sự hoàn hảo và viên mãn của Cựu Ước.

Câu hỏi

1 Đọc câu Kinh Thánh sau từ Thư của Phao-lô gửi tín hữu Ga-la-t: “Trước khi có đức tin, chúng ta bị giam cầm dưới luật pháp, bị giữ trong vòng kìm hãm cho đến khi đức tin được bày tỏ. Vì vậy, luật pháp là người giám hộ của chúng ta cho đến khi Đức Kitô ngự đến, để chúng ta có thể được xưng công chính bởi đức tin” (Ga-la-t 3: 23–4). Từ tiếng Hy Lạp được dịch ở đây là “người giám hộ” là cùng một thuật ngữ mà Clement sử dụng để chỉ vai trò của triết học. Không nghi ngờ gì nữa, Clement muốn độc giả của mình nắm bắt được sự tương đồng này. Clement hy vọng sẽ đưa ra những luận điểm nào? Bạn có thể thấy thật hữu ích khi bắt đầu bằng cách xem xét vai trò mà Phao-lô dường như giao cho luật pháp trong thư gửi Ga-lat này, và sau đó so sánh nó với vai trò được Clement giao cho triết học.

2. “ Đức Kitô là Logos và Nomos.” Tóm tắt này về mối quan hệ giữa Đức Kitô với cả triết học Hy Lạp và Cựu Ước thường được gặp thấy trong các tác phẩm, và lần đầu tiên được đề xuất bởi nhà sử học nổi tiếng người Đức về tư tưởng Kitô giáo Adolf von Harnack. Logos, như chúng ta đã thấy, là từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “lời” và có ý nghĩa quan trọng đối với triết học Platon. Nomos là từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “luật pháp” và đề cập đến vai trò quan trọng được quy định cho lề luật trong đức tin Kitô giáo bởi Phao-lô. Vậy, tuyên bố “ Đức Kitô là Logos và Nomos” có ý nghĩa gì? Và tại sao những tác giả như Clement hay Justin lại muốn đưa ra những luận điểm như vậy ngay từ đầu?

3. Tân Ước thường xác định hai đối tượng chính của phúc âm: “Người Do Thái và người Hy Lạp”. Hãy đọc đoạn trích ngắn sau đây từ Thư thứ nhất của Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô: “Vì người Do Thái đòi hỏi dấu hiệu và người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, nhưng chúng tôi rao giảng về Đức Kitô bị đóng đinh, là điều vấp ngã cho người Do Thái và sự điên rồ cho người ngoại giáo, nhưng đối với những người được kêu gọi, cả người Do Thái và người Hy Lạp, Đức Kitô là sức mạnh của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Ngài” (1 Cô-rin-tô 1: 22–4). Clement đã phát triển và mở rộng mối quan tâm của Phao-lô theo cách nào?

Duc Trung Vu, CSsR chuyển ngữ

Đọc thêm: