HĐGM Honduras kêu gọi nhà cầm quyền và các bên tôn trọng pháp quyền

Bà Iris Xiomara Castro (ANSA)

Hội đồng Giám mục Honduras kêu gọi nhà cầm quyền vừa được bầu và đại diện của các nhóm muốn trở thành chủ tịch Quốc hội, đối thoại chân thành và cởi mở để “không gây nguy hiểm cho pháp quyền”.

Trong cuộc bầu cử ngày 28/11/2021, bà Iris Xiomara Castro, vợ cựu Tổng thống bị lật đổ Manuel Zelaya cách đây 12 năm, trở thành tổng thống Honduras. Là nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử đất nước, bà Castro cam kết xây dựng một nhà nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ để đưa đất nước vượt qua các thách thức về nghèo đói, bất công, bạo lực, buôn bán ma túy, tham nhũng và chia rẽ xã hội. Bà Castro khẳng định sẽ thành lập một chính phủ hòa giải dân tộc mang tính ổn định và công bằng, đồng thời củng cố nền dân chủ trực tiếp bằng cách tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân về những vấn đề lớn của đất nước.

Ngay sau cuộc bầu cử, Hội đồng Giám mục đã gửi một sứ điệp, bày tỏ mối quan tâm lớn đến tình hình xã hội, kinh tế và chính trị của đất nước; đồng thời chúc mừng các công dân và các đại biểu được bầu, hy vọng vào việc tái thiết Honduras “phát triển, hòa bình, tôn trọng sự sống và phẩm giá con người”.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 23/01, các Giám mục nhắc lại rằng sau cuộc bầu cử ngày 28/11/2021, “một bầu khí hòa bình và tình huynh đệ đã được tạo ra, mang lại hy vọng cho mọi người hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn”.

Nhưng đáng tiếc là trong những ngày này đang diễn ra hai phiên họp song song của Quốc hội để “hoàn thành nhiệm vụ bầu ra các cơ quan quyền lực của Nhà nước”. Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia về luật quốc gia và quốc tế, các Giám mục chỉ ra rằng những hành vi như vậy có nguy cơ bị vô hiệu, “gây rủi ro cho một quá trình đã phát triển trong hòa bình và tuân thủ luật pháp”.

Các Giám mục viết: “Bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào đều phải bị loại bỏ trong văn hóa Honduras, vì nó chỉ dẫn đến hận thù và đau khổ. Tất cả chúng ta đều là con của một Thiên Chúa Cha và do đó, chúng ta là anh chị em. Chúng tôi kêu gọi đối thoại chân thành và cởi mở, càng sớm càng tốt, giữa Tổng thống được bầu và đại diện của hai nhóm muốn giữ vị trí chủ tịch Quốc hội, để đạt được thoả thuận và thực hiện một giải pháp tôn trọng luật pháp và mang đến sự bình yên.

Các vị mục tử nhấn mạnh rằng đối thoại nhằm tìm kiếm và thực hiện lợi ích công bằng có thể có của tất cả người dân Honduras, chứ không phải lợi ích của các cá nhân, nhóm hay đảng phái.

Các Giám mục kết luận mời gọi các tín hữu cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Suyapa, Đấng Bảo trợ của Honduras, để cuộc khủng hoảng này có thể được khắc phục càng sớm càng tốt.

Ngọc Yến – Vatican News