Khi bị thẩm vấn họ bị nghi ngờ về đạo đức. Trong cộng đồng, họ bị dèm pha vì “làm chuyện dại”. Về tiền bạc, đa số người bình thường không có phần dư chi phí để trang trải cho những cuộc đấu tranh pháp lý kéo dài.
Sau đó, vì họ yếm thế, kẻ gây án sẽ trỗi dậy.
Nếu bạn làm cha mẹ, bạn nghĩ gì khi đọc những bài báo này: “Trích xuất camera tìm người xịt sơn nhà cựu Viện phó VKS sàm sỡ bé gái”, “Đề nghị khởi tố nguyên Viện phó VKSND sàm sỡ bé gái: Bất lợi vì chất lượng clip thấp?”?
Nó cho thấy cách mà những nạn nhân bị xâm hại, quấy rối tình dục bị ứng xử. Nó tiết lộ rất nhiều điều về câu hỏi bao năm mà người ngoài cuộc thắc mắc: Vì sao nạn nhân thường không bao giờ lên tiếng? Họ đã đi đâu rồi sau khi bị thiệt thân như vậy?
Có lần tôi phỏng vấn một em học sinh tố cáo thầy giáo em tìm cách cưỡng hiếp em. Nhiều ngày cơ quan công an triệu tập em lên lấy lời khai và không cho người giám hộ em tham gia những cuộc thẩm vấn đó. Mẹ em là nông dân, gần như không biết gì, chỉ hoảng sợ và khóc suốt vì thấy con bị tổn thương chứ không hề biết bà là người giám hộ hợp pháp và em còn tuổi vị thành niên, bà phải có mặt trong những buổi ấy.
Còn em, em phải kể đi kể lại nhiều lần câu chuyện đã khiến em khổ sở và tổn thương nhiều lần. Rất nhiều câu hỏi em lặp lại đã rời xa yêu cầu tường trình sự việc, mà gần như xoáy vào nhân cách của em – đặt câu hỏi ý hướng hay là em “tạo điều kiện” cho việc đó xảy ra.
Có rất nhiều rào cản xảy đến khiến nạn nhân bị tấn công/xâm hại/quấy rối từ bỏ việc lên tiếng.
Đầu tiên là nạn nhân bị đưa vào các tình huống “dây dưa” với pháp luật nơi họ cảm thấy bị tấn công nhiều hơn chỉ là làm việc hay kiểm tra thông tin thông thường. Trong một vụ việc khác tôi từng viết, sau khi công an xã thẩm vấn em gái nạn nhân xong – thông tin đó đã được công an… chuyển thẳng cho gia đình gã cưỡng hiếp em và cũng chính những người này dắt gia đình kẻ gây án đến để “hòa giải” trả giá số tiền “mua” sự vô tội cho tên kia. Sự việc đó xảy ra, người mẹ của cô bé không nhận tiền, nhưng cả gia đình kẻ gây án và người “bắc cầu” đã đi nói khắp cả xã rằng nhận số tiền ấy đi, coi như con bà “đắt giá”.
Tiếp đó, nạn nhân cảm thấy bị tước hết nhân phẩm, danh dự và đồng thời họ không thấy có một cơ sở hay năng lực nào để bấu víu vào tìm sự công bằng cho mình. Khi bị thẩm vấn họ bị nghi ngờ về đạo đức. Trong cộng đồng, họ bị dèm pha vì “làm chuyện dại”. Về tiền bạc, đa số người bình thường không có phần dư chi phí để trang trải cho những cuộc đấu tranh pháp lý kéo dài – mà ở đây, chính họ tự nhìn thấy chứng cứ để bảo vệ bản thân rất yếu ớt.
Sau đó, vì họ yếm thế, kẻ gây án sẽ trỗi dậy. Trong sự việc ông Nguyễn Hữu Linh là cơ quan công an rất nhiệt tình giúp ông truy tìm đứa viết chữ bậy, trong khi đó rất nhiều báo chí chạy tít nói camera ông ôm hôn cô bé rất mờ. Có thể bạn thấy hai chủ thể này không liên quan (là cơ quan công an ở Đà Nẵng và tờ báo ABC). Nhưng với nạn nhân, họ nhìn nhận tình hình như thể toàn xã hội đang bủa vây để bảo vệ kẻ sàm sỡ kia. Với dư luận, mọi người thấy rõ nạn nhân không còn được bảo vệ nữa, thôi chuyện thế là xong, ai về nhà nấy. Như bạn thấy tới hôm nay, hầu hết các báo đã ngưng tìm hiểu vụ việc, và dư luận chắc chắn sẽ nguội dần theo bóng dáng kẻ sàm sỡ trong thang máy. Trong khi đó, kẻ gây án thấy mình càng được thể – việc chạy án có thể tức tốc và hăng hái hơn – dư luận cũng bị nguội dần và chẳng còn thấy gì ở hắn nữa.
Cuối cùng cái kết câu chuyện ra sao thì mọi người đọc báo đều biết: kẻ biến thái tiếp tục… đi thang máy và tiếp tục vồ thêm nhiều em nhỏ khác (như Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu đã từng gây vụ việc với nhiều em nhỏ cho đến khi mẹ của một nạn nhân đủ sự kiên trì và dữ dội theo sự việc tới cùng).
Có một phần ở đây gần như không hề có cải cách gì trong nhiều năm vừa qua với những vụ án trẻ em bị xâm hại/quấy rối, đó là quy trình bảo vệ nạn nhân, lấy lời khai nạn nhân, cung cấp hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân từ phía các cơ quan nhà nước hoàn toàn không hề có tiến bộ gì. Một nghiên cứu tôi đọc vài năm trước cho biết các nạn nhân bị cưỡng hiếp tại Việt Nam và Thái Lan thường ngậm đắng nuốt cay bỏ qua sự việc vì họ không chịu nổi sự không nhạy cảm của các cơ quan điều tra. Nạn nhân/gia đình nạn nhân của những vụ án ấu dâm/hiếp dâm/xâm hại/quấy rối thường rơi vào cái hố đen không thể tự bảo vệ mình – vì họ ở một tình huống cực kỳ yếm thế cả về mặt thể chất, đạo đức, vị trí xã hội lẫn tiền bạc.
Tôi không thấy việc xịt sơn có gì là hay, nhưng khi các cơ quan thực thi pháp luật nhiệt tình đi đấu tranh bảo vệ một kẻ biến thái vồ lấy bé gái trong thang máy, và cực kỳ chậm rãi, thư thả trong việc tìm cách truy bắt kẻ ấy ra điều tra là một bộ máy pháp luật không mang gương mặt con người. Thái độ đó khiến người dân nghi ngờ vào năng lực của pháp luật trước tội ác ấu dâm. Nó khiến những kẻ muốn phạm tội an tâm hơn khi phạm tội, hay sẽ đùa với nhau là “chỉ tốn 200k” thôi mà. Và nó khiến các nạn nhân ngày càng im lặng hơn, yếu ớt hơn, vì họ không tin rằng họ sẽ được bảo vệ bởi bất kỳ ai.
Và sẽ có những người dân như bạn bè tôi, bạn hỏi: “Rồi tao sẽ phải làm sao với con tao, nếu nó đi trong thang máy và gặp thằng cha đó – vẫn nhơn nhơn ngoài đường.”
Ở đây, trẻ con chỉ là một thứ đồ để những kẻ như ông Linh vồ lấy – và ông ta được pháp luật thư thả để yên.
Khải Đơn (Nhà văn)
Theo Facebook Khải Đơn
trithucvn.net