“Hồn Việt” của một thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế Canada

“Hồn Việt” không chỉ là tên một tác phẩm, trong các tác phẩm viết về Việt Nam của cha Gérard Gagnon, tu sĩ thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế người Canada tại Việt Nam, mà còn phản ánh chính tâm hồn của ngài.

ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

Cha Gérard Gagnon tên Việt là Nhân, bút danh Tâm Ngọc, sinh ngày 08/5/1914.

Ngày 15/08/1935, ngài khấn lần đầu trong Dòng Chúa Cứu Thế tại Québec Canada.

Sau khi khấn Dòng, ngày 09/11/1935, cùng với 7 anh em sinh viên học viện, ngài đến Việt Nam để bắt đầu chương trình học viện cùng với các anh em Dòng Chúa Cứu Thế người Việt. Ngày 06/06/1940, ngài được phong chức linh mục tại Hà Nội.

Ra trường, ngài được giữ lại học viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội để vừa nghiên cứu vừa làm giáo sư các môn Triết học, Xã hội học, Công giáo Tiến hành, Mục vụ Giảng thuyết.

Năm 1942, ngài thành lập Hội Liên Minh Thánh Tâm tại nhà thờ Thái Hà.

Năm 1953, ngài được đặt làm Tổng Tuyên úy Phong trào Công giáo Tiến hành, đặt văn phòng ở Hà Nội, trực thuộc Tòa Khâm Sứ.

Năm 1954, ngài vào Nhà tập II tại Đà Lạt. Tại Đà Lạt, ngài thành lập Trung tâm cấm phòng và nghiên cứu học hỏi dành cho giáo dân và các tuyên úy Công giáo tiến hành tại biệt thự Thánh Tâm. Ngài phụ trách công việc quan trọng này cho tới năm 1973 khi khu biệt thự bị đóng cửa. Trong khoảng thời gian từ 1955-1973, từ Biệt thự Thánh Tâm, ngài đã viết rất nhiều tác phẩm có giá trị, được độc giả yêu thích, trong đó có cuốn Hồn Việt xuất bản năm 1959.

MỘT THỪA SAI SAY MÊ THƠ VIỆT

Đọc các tác phẩm của ngài, từ bản dịch Kinh thánh, cho đến các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, tôn giáo hay các sách giáo khoa, tu đức, nếu không nhìn tên tác giả, chắc chắn không ai có thể biết đó là một người ngoại quốc viết tiếng Việt.

Ngài rất giỏi tiếng Việt và văn chương Việt. Mỗi lần đọc được những bài thơ hay, ngài thường ghi lại và cố gắng học thuộc lòng. Vì thế, ngài thuộc lòng nhiều ca dao, tục ngữ, thơ của nhiều tác giả; đặc biệt ngài rất thích truyện Kiều. Ngài thuộc lòng 3.254 câu Kiều. Ngài thường nói về truyện Kiều cho những người có đạo. Có lần ngài còn khẳng định, câu Kiều: “Nghĩ mình, mình lại, nên thương nỗi mình” có thể giúp hiểu về Chúa Ba Ngôi? Năm 1953, tại Đà Lạt, ngài đã đoạt giải nhì trong một cuộc thi văn chương cấp quốc gia.

Ngài mê thơ đến độ, ngay cả trong những nghiên cứu về địa dư, văn hóa, tôn giáo… nếu thấy phù hợp, ngay lập tức, ngài sử dụng các bài thơ để minh họa. Chẳng hạn, trong cuốn Hồn Việt, ngài đã trích dẫn hàng trăm câu ca dao, tục ngữ hay thơ của rất nhiều tác giả để minh họa cho các ý tưởng trong tác phẩm của mình. Ngài viết về Tổ quốc:

“Tổ quốc là quê cha đất tổ. Chữ “quốc” chỉ giang sơn, cảnh vật, sản nghiệp đất nước. Chữ “tổ” chỉ phong tục, lịch sử, văn hóa của dân tộc. Tổ quốc là một dân, một nước. Dân thụ hưởng đất nước. Đất nước được dân cảm hóa. Nước nuôi dân, như mẹ nuôi con. Dân yêu nước như con yêu mẹ.

“Trải qua xuân hạ thu đông

Càng phơ mái tóc cho lòng càng son

Ước sao cùng nước cùng non

Trăm năm một khối tình con cùng già.”

Giang sơn hùng vĩ, kiên cố, bảo vệ dân con. Dân thề non nước, muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau.

“Nước non nặng một lời thề

Nước đi, đi mãi không về cùng non

Nhớ lời nguyện ước thề non

Nước đi chưa lại, non cùng đứng không” (Tản Đà).

Không chỉ trích dẫn ca dao, tục ngữ, thơ của các tác giả nổi tiếng, khi cần diễn đạt bằng thơ, ngài cũng có thể làm ra những vần thơ hay. Chúng ta có thể thấy điều này trong bản dịch các sách Diễm Ca, Huấn Ca, đặc biệt là các Thánh Vịnh trong bản dịch Kinh Thánh trọn bộ của ngài:

“Em xinh quá sức, bạn yêu ơi!

Em đẹp biết bao, đẹp tuyệt vời!

Đôi mắt bồ câu đen lóng lánh

Tăng thêm duyên dáng nụ cười tươi” (Dc 1,15).

“Con say ngắm nền trời muôn sắc

Việc ngón tay Chúa tác tạo thành

Vầng trăng, tinh tú long lanh

Chúa đều xếp đặt, vận hành tinh vi” (Tv 8,4).

Nếu không yêu thơ Việt, không am hiểu văn chương Việt, không để nền văn hóa Việt thấm vào máu, chắc chắn, ngài đã không thể sáng tác được ra những tác phẩm và những vần thơ như thế.

MỘT NHÀ THỪA SAI HẾT TÌNH VỚI NƯỚC VIỆT

Không chỉ yêu thơ văn Việt, mê truyện Kiều, ngay khi đến Việt Nam, cha Gérard Gagnon đã chọn cho mình một tên gọi rất Việt là Nhân, với bút danh Tâm Ngọc mà ngài gửi gắm vào đó những tâm niệm tốt lành.

Đối với ngài, học tiếng Việt không phải chỉ để đi giảng, giải tội, mà để hiểu văn hóa và con người Việt Nam. Ngài nghiên cứu kỹ về Việt Nam, về lịch sử, chính trị, kinh tế, phong cảnh, tâm sinh lý… của người Việt Nam. Mỗi khi viết về một lãnh vực nào đó của Việt Nam, đặc biệt trong cuốn Hồn Việt, ngài đều bắt đầu bằng câu: “Nước Việt Nam ta…,” “Nước nhà…” hay “Tổ tiên ta…” Chẳng hạn khi viết về ý thức quốc gia, ngài viết:

“Dân Việt ta, ý thức cởi mở và rất tự hào với hơn bốn ngàn năm văn hiến. Một tang chứng hiển nhiên là dân Việt ta trải qua lịch sử, dầu gặp bao nhiêu trở lực thiên nhiên hay xâm lược, vẫn không chịu đồng hóa theo ai, một là sống tồn tại đến ngày nay với một ý quyết tranh đấu hùng dũng. Căn nguyên là tính tự trọng. Kết quả là đất nước được mở rộng, độc lập và thống nhất. Nhưng tranh đấu cho quốc gia độc lập và thống nhất, dầu anh dũng đến đâu cũng không đủ cho tổ quốc luôn luôn thịnh vượng và nội ngoại an hòa. Kèm theo óc tranh đấu, một dân tộc ý thức phải đề cao chí cần lao, là vinh dự độc nhất của con người. Có óc tranh đấu, kết quả là quốc gia độc lập. Có chí cần lao, kết quả là tổ quốc tiến hóa; đời sống càng ngày càng hữu ích và mỹ lệ hơn.”

Năm 1954, chứng kiến đất nước chia đôi do sự cấu kết của cộng sản với thực dân, mượn thơ của tác giả Song Hồ, ngài chia sẻ nỗi đau của một dân tộc bị chia cắt:

“Ôi! Bến Hải Linh Giang!

Một vùng đất bỏ hoang

Hay những nấm mộ hoang

Một vùng sông buồn chảy

Hay một giòng máu chảy?

Hai bên bờ

Hai lính Việt ngỡ ngàng!”

Ngài thương dân Việt phía Bắc lầm than vì bị đọa đầy dưới ách cộng sản. Ngài bày tỏ mong muốn một Việt Nam độc lập, thống nhất:

“Ngày nay, dân Việt độc lập, nhưng đất nước chia đôi. Miền Bắc đang bị đồng hóa theo cộng sản. Miền Nam nỗ lực cải hóa mọi sự cho cân xứng với phẩm cách nhân vị, là quan niệm căn bản, bí quyết sống còn của dân Việt. Cộng sản quyết chặt cây đa văn hiến bốn ngàn năm của dân Việt ta. Chính phủ Cộng hòa Miền Nam lại quyết vun tưới cho xanh tươi um tùm, cho bóng mát che cho toàn dân Việt, Trung Nam Bắc thống nhất, tự do, an thịnh. Phận sự của ta đã quá rõ rệt. Ta hãy chọn và hãy thực hành ngay trong đời sống.”

Với ngài, thống nhất sẽ vô nghĩa, nếu người Việt không thống nhất được nhân tâm. Bằng những hiểu biết về lịch sử dân tộc, ngài chứng minh cho thấy, các triều đại phong kiến sụp đổ, thực dân Pháp xâm chiếm nước ta là do sự hiềm khích tôn giáo, cũng như do nội loạn. Do đó, để Việt Nam phát triển, người Việt “cần gạt bỏ óc chia rẽ đố kỵ,” đồng thời, phải sửa đổi nền giáo dục xưa cũ, một nền giáo dục đặt căn bản trên “gia tộc và thôn xã, còn quốc gia xã hội là xa, là không cần,” để xây dựng một nền giáo dục khai phóng lấy quyền lợi quốc gia, dân tộc làm đầu. Ngoài ra, muốn phát triển phải bỏ óc địa phương, tệ phân biệt vùng miền, “đồng tâm hiệp lực cộng tác trong một ý niệm huy hoàng, trong một tinh thần siêu việt, trong một hy sinh vô vị lợi để phụng sự yêu mến quốc gia.” Ngài khuyến khích đồng bào: “Giống nòi đã bao ngàn năm tươi thắm, nỡ nào ta đành tâm để phai lạt. Lịch sử xương máu đã vang dội bốn phương, nỡ nào ta đành cúi đầu chịu hổ. Nợ nước còn nặng hai vai, nỡ nào ta đành khoanh tay nín lặng!”

Thật hiếm có ai, ngay cả những người Việt, mấy người có được cái cảm thức thuộc về một dân tộc như ngài!

MỘT THỪA SAI HẾT MÌNH VỚI GIÁO HỘI VIỆT

Yêu mến đất Việt, ngài càng yêu quý hơn nữa Hội Thánh Việt Nam. Vừa khấn Dòng, ngài đã tình nguyện qua Việt Nam “du học.” Ngài thuộc nhóm các sinh viên Học viện đầu tiên được gửi qua Việt Nam để Phụ tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam có thể thành lập Học viện theo Giáo luật.

Tại Học viện, như ngài nói, ngài đã tận dụng tối đa hoàn cảnh khó khăn lúc đó khi các sinh viên Học viện phải ở chung phòng để học tiếng Việt cùng với một thầy người Việt cùng phòng. Ngài tiến bộ rất nhanh, đặc biệt học rất giỏi các môn Triết học và Thần học. Sau khi ra trường vào năm 1941, ngài có 13 năm làm giáo sư dạy Triết, Thần học, Công giáo Tiến hành và Mục vụ Giảng thuyết tại Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế. Năm 1948-1949, ngài còn được Đức Giám mục giáo phận Hà Nội tín nhiệm trao phó giúp đào tạo các chủng sinh giáo phận đến học tại Học viện Thái Hà mà năm trong số các chủng sinh sau này đã trở thành Giám mục.

Năm 1953, với sự đồng ý của cha Bề trên Tổng quyền, và sự tín nhiệm của Đức Khâm sứ John Dooley, ngài trở thành Tổng tuyên úy Công giáo Tiến hành Việt Nam trực thuộc Đức Khâm sứ và các Giám mục Việt Nam. Trong vai trò của một Tổng tuyên úy, với chiếc mô tô phân khối lớn, ngài đi đến các giáo phận giảng dạy, mở các khóa huấn luyện các chiến sĩ Công giáo Tiến hành; đặc biệt, để có thể thực hiện tốt hơn nữa sứ mạng cao cả này, ngài đã mở Thánh Tâm Biệt Thự tại Đà Lạt, vừa làm nơi tĩnh tâm, cầu nguyện vừa để huấn luyện các chiến sĩ Công giáo Tiến Hành. Theo thống kê, từ năm 1955 đến 1968, đã có khoảng “1.000 linh mục và 30.000 chiến sĩ Công giáo Tiến hành đến dự các khóa huấn luyện tại Thánh Tâm Biệt Thự.” Và để hỗ trợ cho công việc giảng dạy, ngài đã biên soạn nhiều giáo trình về Công giáo Tiến Hành, đặc biệt, năm 1962-1963, ngài một mình dịch trọn bộ Kinh Thánh sang tiếng Việt in khổ nhỏ 10 x 15 cm, gồm 5 tập: Ngũ Thư, Lịch Sử, Triết Minh, Tiên Tri và Tân Ước, với số trang từ 600 đến 1000, để như ngài nói: “Đây chỉ là một bản phiên dịch Thánh Kinh, với mục đích để giáo dân tiện dùng trong công cuộc tìm hiểu và học hỏi Thánh Kinh.” Ngài ước mong sao “sẽ có một bản dịch chính thức do các nhà chuyên môn nghiên cứu Kinh thánh dịch thuật, chú giải…” Năm 1973, do hoàn cảnh chiến tranh, Thánh Tâm Biệt Thự bị đóng cửa.

Sau khi rời khỏi biệt thự Thánh Tâm, ngài dành thời gian học tiếng Bahnar với mục đích lên Kontum phục vụ anh chị em đồng bào theo lời mời của Đức cha Paul Seitz. Nguyện ước không thành, ngày 24/04/1975, theo lời khuyên của các anh em trong Dòng, ngài trở về Canada một tuần trước khi cộng sản chiếm miền Nam. Ngài đã viết về cuộc ly biệt này: “Các cuộc từ giã thêm nhiều… Chúng tôi chia tay nhau với rất nhiều yêu thương và hy vọng. Yêu thương còn mãi, nhưng hy vọng tan biến dần. Chúng tôi sẽ không còn bao giờ thấy lại được Việt Nam rất yêu dấu, nơi chúng tôi đến không phải để thực dân, nhất là không phải để trục lợi, nhưng chỉ để Kitô hóa.”

Về Canada, Cha Gérard lại bắt đầu chuyên tâm vào việc rao giảng và ghi lại toàn bộ câu chuyện lịch sử đẹp và khó quên của 50 năm trong cuộc đời ngài tại Đông Dương. Ngài qua đời ngày 12/9/1994, thọ 80 tuổi.

LM. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R