‘Kẻ nộp Thầy đã tới’

Từ Giáo hội cho đến cá nhân, nhân loại đang chìm ngập trong sự phản bội

Ảnh thánh giá được chụp tại Punta de Tralca, phía tây Santiago, hôm 30-7, khi Hội đồng Giám mục Chile tổ chức cuộc họp bất thường phân tích nguồn gốc của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục mà Giáo hội Công giáo Chile đang trải qua. Ảnh: Claudio Reyes/AFP

Tại Gethsemane, Chúa Giêsu nói: “Kẻ nộp Thầy đã tới”.

Tin tức về Giáo hội Công giáo trong những ngày này nhắc nhớ chúng ta đang sống trong một thế giới trong đó những kẻ phản bội luôn có mặt.

Các giáo sĩ và tu sĩ phản bội trẻ em và người lớn, lạm dụng những người được giao phó cho họ coi sóc. Các giám mục và các vị bề trên phản bội tất cả chúng ta khi bảo vệ những kẻ phản bội đó và cho họ cơ hội mới để lạm dụng nhiều hơn.

Các lãnh đạo cấp cao hơn trong Giáo hội đã phản bội ơn gọi của họ khi làm ngơ những lời cáo buộc và các mối nguy hiểm. Sự phản bội như thế thậm chí dính líu tới cả thánh nhân, Thánh Gioan Phaolô II, ngay cả sau khi ai cũng biết Theodore McCarrick phản bội, mà vẫn tấn phong hồng y cho ông và thường xuyên giới thiệu linh mục người Mexico, Marcial Maciel Degollado là “người có năng lực dẫn dắt giới trẻ”.

Có rất nhiều bằng tại Vatican cho thấy Maciel, người sáng lập Đạo binh Đức Kitô, lạm dụng tình dục các thanh niên nam nữ, trong đó có các con ruột của ông do ba “người vợ” sinh ra. Bằng chứng đó được nhà cố vấn thân cận nhất của Đức Thánh cha lúc đó là Đức Hồng y Joseph Ratzinger biết rõ, nên khi trở thành Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI ngài lập tức chống đối Maciel.

Khi không thể hay không chịu xử lý cuộc khủng hoảng lạm dụng này cho đến khi bị luật dân sự, công chúng biết và nguy cơ suy thoái ép buộc, Giáo hội Công giáo đã phản bội Chúa Kitô và thế giới.

Tất cả chúng ta đều biết sự phản bội đó là gì, là “xúc phạm lòng tin cậy hay tin tưởng của một người, một tiêu chuẩn đạo đức, v.v.”. Nỗi đau bị phản bội ở đây đặc biệt nằm ở chỗ sự xúc phạm này lại do người hay tổ chức mà chúng ta từng tin cậy gây ra chứ không phải do kẻ thù bị chúng ta xem là không đáng tin.

Trong bài thơ Hỏa ngục, Dante miêu tả trung tâm hỏa ngục là nơi trừng phạt Judas, Brutus và Cassius, những kẻ phản bội Chúa Giêsu và Julius Caesar. Đối với nhà thơ này, phản bội là tội nặng nhất. Và Dante không phải là người duy nhất nghĩ nên dành một nơi đặc biệt trong hỏa ngục cho những kẻ phản bội.

Tất cả chúng ta đều đã trải nghiệm việc này. Tất cả chúng ta đã vấp phạm. Đây là một trong những trải nghiệm đau đớn nhất của chúng ta.

Trẻ em không phải là những người duy nhất bị bạn bè phản bội. Qua thái độ thờ ơ, lạm dụng, hay phẩm chất kém, bố mẹ đã phản bội con cái. Người lớn bị vợ hay chồng và người yêu phản bội. Quốc gia bị những kẻ bán nước hay “đồng minh” không đáng tin cậy phản bội. Cử tri bị các chính trị gia tham nhũng phản bội. Người lao động bị phản bội bởi những người chủ mà họ cống hiến thời gian và tài năng để phục vụ chỉ để rồi nhìn thấy lương bổng của mình bị cắt giảm và mất việc làm vì họ. Trong nhiều trường hợp, sự phản bội của người chủ bắt người lao động làm việc trong các điều kiện nguy hiểm với đồng lương rẻ mạt.

Các hệ thống kinh tế chính trị đáng lẽ phục vụ lợi ích chung lại cổ vũ bất công và bất bình đẳng.

Không chỉ có “những người khác đó” là kẻ phản bội. Bí tích hòa giải là một trong các bí tích của Giáo hội vì tất cả chúng ta phản bội sứ mạng rao giảng Đức Kitô cho thế giới khi lãnh nhận bí tích rửa tội.

Và chúng ta phản bội không chỉ có sứ mạng của mình. Có người nào trong chúng ta có thể thành thật nói: “Tôi chưa bao giờ phản bội người nào cả” không? Tôi chắc chắn là không thể, và nếu bạn khẳng định là mình có thể, thì bạn đã phản bội sự thật.

Chúng ta thậm chí còn phản bội chính mình. Tôi biết tôi muốn và có thể trở thành một người tốt hơn con người tôi bây giờ. Tôi muốn chăm sóc tốt hơn cho bản thân về thể xác, cảm xúc, tinh thần và đạo đức. Thế nhưng tôi không làm.

Chính cuộc sống phản bội chúng ta. Bệnh tật, thương tích và tuổi tác làm suy giảm dần sự cường tráng và khả năng của chúng ta cho đến khi cuộc sống cuối cùng bỏ mặc chúng ta trong cái chết.

Đôi khi, chúng ta thậm chí cảm thấy bị Chúa phản bội. Không phải chỉ có chúng ta. Từ trên thập giá, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ rơi con?” là tiếng kêu than của một người cảm thấy mình bị phản bội. Dù là người phản bội hay bị phản bội, nhân loại cũng đang chìm ngập trong sự phản bội.

Trong bộ phim Cám dỗ cuối cùng của Đức Kitô phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nikos Kazantzakis, đạo diễn Martin Scorsese miêu tả một cảnh phản bội hết sức sinh động, cảnh Chúa Giêsu rời khỏi thập giá.

Đó là cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Kitô, cơn cám dỗ phản bội ơn gọi trung thành với Chúa Cha, chết thay cho chúng ta. Trong quyển tiểu thuyết và bộ phim này, như trên thực tế, Chúa Giêsu đã không sa chước cám dỗ của phản bội. Ngài là người trung thành, người duy nhất trong chúng ta trung thành tuyệt đối. Gốc rễ của sự phản bội là nỗi sợ hãi, và điều khiến chúng ta lo sợ nhất đó là cái chết.

Từ chối phản bội ngay cả khi bị người khác và có vẻ ngay cả Chúa Cha phản bội, Chúa Giêsu đã phá vỡ quy luật phản bội chung. Khi làm như thế, Ngài đã tiêu diệt sức mạnh của sự chết vốn là nguyên nhân của sự phản bội và làm cho tất cả chúng ta có một cuộc sống mới, một cuộc sống không có sự phản bội, không sợ cái chết gây ra nó.

Bởi vì Chúa Giêsu không bị sự phản bội cám dỗ, Ngài mở ra cho chúng ta con đường vượt qua sự chết.

vietnam.ucanews.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.