Thái Hà (20.04.2017) – Lê Công Định – Chế độ pháp lý đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước độc quyền quản lý đã biến nhà cầm quyền cộng sản thành giai cấp Đại địa chủ duy nhất trên đất nước này.
Nông dân tuy nắm trong tay quyền sử dụng đất, nhưng không toàn quyền định đoạt lợi ích từ mảnh đất của chính mình trên thực tế, thì có khác gì với tình trạng tá điền thuê đất canh tác lâu dài từ các địa chủ ngày xưa? Nói cách khác, nông dân ngày nay phần nào đó chính là các tá điền thời phong kiến.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xét từ góc độ pháp lý, phảng phất hình ảnh của các Tô Tá Khế, tức hợp đồng thuê đất canh tác dài hạn, mà tá điền phải ký kết với địa chủ và trả tiền thuê dưới hình thức địa tô (mà giờ đây trá hình dưới tên gọi “tiền sử dụng đất”).
Mâu thuẫn kinh tế giữa giai cấp địa chủ và giai cấp nông dân, bao gồm cả tầng lớp tá điền, luôn luôn là mâu thuẫn nghiêm trọng và chủ yếu nhất ở các xã hội phong kiến trước đây trong lịch sử. Chính Karl Marx đã phát hiện ra mâu thuẫn chết người này khi viết bộ sách đồ sộ “Tư Bản Luận”. Các phong trào cộng sản về sau cũng lợi dụng mâu thuẫn này để tập hợp nông dân thành lực lượng chính làm nên những cuộc cách mạng long trời lở đất.
Khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới ra đời và hoạt động, họ đã có cương lĩnh tranh thủ sự ủng hộ của tầng lớp tá điền để góp phần làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám. Họ hô hào lấy ruộng đất của địa chủ chia lại cho nông dân/tá điền, dưới khẩu hiệu “người cày có ruộng”.
Tuy nhiên, ngay sau khi cầm quyền vào năm 1954, người cộng sản đã nhanh chóng tiến hành cải cách ruộng đất, tước đoạt mọi đất đai của giới địa chủ đương thời để chuyển hết vào tay nhà cầm quyền, thay vì chia lại ruộng đất cho người cày như khẩu hiệu lừa bịp ban đầu.
Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua hệ thống chính quyền các cấp, tự biến mình thành giai cấp đại địa chủ một cách mặc nhiên. Quan chức địa phương nắm trong tay quyền hạn về đất đai từ lâu cũng trở thành loại cường hào, ác bá trong chế độ phong kiến mà chính họ đã tham gia lật đổ.
Còn nông dân thì mãi mãi là giai cấp bị trị, vừa bị tước đoạt đất đai, vừa bị lợi dụng làm lực lượng cách mạng chính yếu cho tham vọng cầm quyền của bọn địa chủ và cường hào mới. Họ chỉ có thể tiếp tục mơ kiếp tá điền, chứ không bao giờ hy vọng đến ngày người cày có ruộng.
Nguồn: facebook luật sư Lê Công Định