Kinh Chiều cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô

Kinh Chiều cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô

Lúc 5:30 chiều 25/01, lễ Thánh Phaolô trở lại, Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã cử hành giờ Kinh Chiều II, kết thúc Tuần cầu nguyện lần thứ 54 cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Đây là buổi cầu nguyện theo truyền thống hằng năm do Đức Thánh Cha chủ sự; tuy nhiên, năm nay do bị đau thần kinh toạ, Đức Thánh Cha đã uỷ nhiệm cho ĐHY Kurt Koch chủ sự giờ Kinh Chiều này. Sau bài đọc Lời Chúa, ĐHY Kurt Koch đã đọc bài giảng đã được Đức Thánh Cha soạn trước.

Đức Thánh Cha mở đầu bài giảng bằng lời của Chúa Giêsu: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9). Chúa Giêsu liên kết lời mời gọi này với hình ảnh cây nho và cành nho. Chính Chúa Giêsu là cây nho, cây nho “thật”, không phản bội những mong đợi nhưng trung thành trong tình yêu, bất chấp tội lỗi và chia rẽ của chúng ta. Tất cả chúng ta, những người đã chịu phép rửa, đều được tháp nhập vào thân cây nho này như những cành nho.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu nhìn sự hiệp nhất ở nhiều cấp độ và hình dung sự hiệp nhất được tạo thành từ ba vòng tròn đồng tâm, như những vòng vân gỗ của thân cây.

Vòng thứ nhất, vòng trong cùng, là ở lại trong Chúa Giêsu. Từ đây khởi đầu hành trình hiệp nhất của mỗi chúng ta. Với thực tại ngày nay, quá nhanh và phức tạp, thật dễ mất đi sợ dây này do bị lôi kéo từ hàng ngàn phía, không thể tìm thấy một điểm cố định. Chúa Giêsu chỉ ra bí quyết của sự ổn định bằng việc ở lại trong Người. Trong đoạn Lời Chúa này chúng ta nghe Người lặp lại điều này bảy lần (x. 4-7,9-10). Thật vậy, Người biết rằng không có Người, chúng ta không làm gì được. Người chỉ cho chúng ta cách thức: ví dụ, Người thường ra nơi thanh vắng để cầu nguyện. Chúng ta cũng cần cầu nguyện như cần nước để sống. Tập trung vào Chúa Giêsu, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Người. Và sự hiện hữu của chúng ta rút được nhựa sống từ đó, giống như cành cây lấy nhựa sống từ thân cây.

Vòng thứ hai là vòng của sự hiệp nhất với các Kitô hữu. Chúng ta là những cành của cùng một cây, chúng ta là những bình thông nhau: điều tốt và điều xấu mà mỗi người làm đều chảy qua người khác. Trong đời sống thiêng liêng, có một loại “luật của động lực”: chúng ta ở lại trong Chúa chừng nào thì chúng ta gần người khác chừng ấy, và chúng ta gần người khác chừng nào thì chúng ta ở lại trong Chúa chừng ấy. Cầu nguyện chỉ có thể dẫn đến tình yêu, nếu không thì đó là chủ nghĩa nghi lễ thừa thãi. Nếu sự thờ phượng của chúng ta là đích thực, thì chúng ta sẽ lớn lên trong tình yêu đối với tất cả những ai theo Chúa Giê-su, bất kể họ thuộc hệ phái Kitô nào, bởi vì, ngay cả khi họ không phải là “của chúng ta”, thì họ vẫn là của Người.

Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng, yêu thương người anh em không phải là chuyện dễ, bởi vì những khiếm khuyết và vết thương trong quá khứ lại xuất hiện trong tâm trí. Nhưng hành động của Chúa Cha, như một nhà nông lão luyện, sẽ giúp chúng ta. “Cành nào không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.” (Ga 15,1). Chúa Cha cắt và tỉa. Vì sao? Vì để yêu thì chúng ta cần cắt bỏ đi những gì dẫn chúng ta đi lạc đường và khiến chúng ta quy về mình, ngăn cản chúng ta sinh hoa trái. Do đó, chúng ta xin Cha cắt bỏ khỏi chúng ta những thành kiến đối với người khác, và những ràng buộc thế gian ngăn cản sự hiệp nhất trọn vẹn với tất cả con cái của Người.

Vòng thứ ba của sự hiệp nhất, vòng lớn nhất, là toàn thể nhân loại. Trong bối cảnh này, chúng ta có thể suy tư về hoạt động của Chúa Thánh Thần. Trong cây nho là Đức Kitô, Người là nhựa sống vươn tới mọi bộ phận. Nhưng Thánh Thần thổi vào bất cứ nơi nào Người muốn để mang lại sự hiệp nhất. Người dẫn chúng ta đến chỗ không chỉ yêu thương những người yêu thương chúng ta và suy nghĩ như chúng ta, nhưng tất cả mọi người, như Chúa Giê-su đã dạy chúng ta.

Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta sống trong sự nhưng không/miễn phí, để yêu thương cả những người không có gì để trao đổi với chúng ta. Từ trái sẽ nhận biết cây: từ tình yêu nhưng không, người ta nhận biết chúng ta thuộc về cây Giêsu.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết chia sẻ cuộc sống với tất cả anh chị em của cùng nhân loại, đặc biệt nơi nhưng người nghèo nhất và thiếu thốn nhất; đồng thời xin Người cũng khuyến khích chúng ta chăm sóc ngôi nhà chung bằng những chọn lựa táo bạo trong cách sống và tiêu dùng, bởi vì điều gì đi ngược với sinh hoa trái là bóc lột, và không để lãng phí những tài nguyên trong khi nhiều người lại thiếu thốn.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha gởi lời cảm ơn đến tất cả những ai, trong Tuần này, cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu!

Văn Yên, SJ – Vatican News