Lễ dâng sống động

Đức Mẹ Dâng Con Trong Đền Thánh

Đoàn Con Tận Hiến Giữa Thế Gian

Trình thuật Lc 2:22-40 ghi lại sự kiện dâng Chúa Giêsu vào đền thánh và thanh tẩy Đức Trinh Nữ Maria. Điều đó nhằm chu toàn lề luật đã được ghi trong Lv 12:8.

Lễ Mẹ Dâng Con được du nhập vào Đế quốc Đông Phương dưới triều vua Justinianô (527-565). Đối với Giáo hội tại Tây phương, lễ này được nhắc đến trong sách bí tích của ĐGH Gelasianô (thế kỷ VII). Từ cuối thế kỷ IV, Giáo hội tại Giêrusalem đã mừng kính lễ này; Giáo hội tại Hy Lạp và Milanô liệt kê lễ này là một trong các lễ trọng kính Chúa Giêsu, dạng nghi lễ chính trong năm; Giáo hội tại Rôma liệt kê lễ này vào số các lễ kính Đức Nữ Maria.

Lễ này còn gọi là Lễ Nến, Lễ Thanh Tẩy hoặc Tẩy Trần. Lễ này kính nhớ việc Đức Maria được thanh tẩy theo luật Môsê: phụ nữ bị coi là ô uế sau khi sinh sản: “Khi một người đàn bà có thai và sinh con trai, thì sẽ ra ô uế trong vòng BẢY NGÀY, nó sẽ ra ô uế như những ngày bị khó ở vì kinh nguyệt. Đến ngày thứ tám, đứa trẻ sẽ được cắt bì nơi da quy đầu. Rồi người đàn bà phải đợi BA MƯƠI BA NGÀY cho máu được thanh tẩy; nó không được đụng đến vật thánh nào và không được vào thánh điện, cho đến khi mãn thời gian thanh tẩy của mình. Nếu sinh con gái thì người đàn bà sẽ ra ô uế trong vòng HAI TUẦN, như khi có kinh; rồi nó phải đợi SÁU MƯƠI SÁU NGÀY cho máu được thanh tẩy. Khi mãn thời gian thanh tẩy, dù sinh con trai hay con gái, nó phải đem đến cho tư tế, ở cửa Lều Hội Ngộ, một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, và một bồ câu non hay một chim gáy làm lễ tạ tội.” (Lv 12:2-6) Ngay cả với loài vật cũng có luật: “Bê, chiên hay dê, sau khi sinh, sẽ ở với mẹ nó bảy ngày; từ ngày thứ tám trở đi, nó sẽ được đoái nhận làm lễ tiến, làm lễ hoả tế dâng Đức Chúa.” (Lv 22:27)

Ngày xưa người ta giữ luật nghiêm túc: “Chúng tôi buộc mình hàng năm phải đem dâng vào Nhà Đức Chúa những thổ sản đầu mùa của chúng tôi và tất cả hoa trái đầu mùa mọi thứ cây, cũng như các con trai đầu lòng của chúng tôi và của thú vật, như đã chép trong Lề Luật. Các con đầu lòng của bò, ngựa, chiên, dê đem tới Nhà Thiên Chúa cũng dành cho các tư tế đang phục vụ Nhà Thiên Chúa chúng tôi. Phần tốt nhất trong số bột xay, trong những của trích dâng, hoa trái đầu mùa mọi thứ cây, rượu mới và dầu tươi, chúng tôi sẽ đem dâng các tư tế tại các phòng trong Nhà Thiên Chúa chúng tôi.” (Nkm 10:36-37)

Trong Tông thư Marialis Cultur, đề cập lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, Thánh GH Phaolô VI viết: “Lễ ngày 2 tháng 2 được cải tên là Lễ Dâng Chúa Vào Đền Thánh, cũng cần nhắc nhở để hưởng nguồn phong phú lớn lao của ân sủng Chúa Giêsu và Maria đi song song. Đức Kitô thực hiện mầu nhiệm cứu độ. Mẹ Maria mật thiết kết hợp với Chúa chịu khổ hình, để thực hiện một sứ mạng vừa thuộc về Dân Chúa của Cựu Ước, vừa là hình ảnh của Dân Tân Ước luôn luôn bị bắt bớ gian khổ, thử thách đức tin và lòng trông cậy.” (số 7b)

Những cây nến được làm phép trong lễ này để nhớ lại lời ông Simêon gọi Đức Kitô là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại.” (Lc 2:32) Nhiều nơi thường tổ chức rước kiệu nến trong nhà thờ để nhớ đến việc Đức Giêsu tiến vào Đền Thờ Giêrusalem, đồng thời cũng nhắc nhở các bậc cha mẹ dâng con cái cho Thiên Chúa. Điều này không chỉ hợp lý mà còn là điều tốt lành và khôn ngoan.

Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã tuyên phán: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến.” (Ml 3:1) Chúa Thượng đó chính là Thiên Chúa, Đấng “như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt” và “sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc, sẽ thanh tẩy con cái Lêvi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc.” (Ml 3:2-3a) Chắc chắn không ai chịu nổi nếu không nghiêm túc sống công minh chính trực theo Luật Chúa.

Thực sự vô cùng diễm phúc cho những ai được thanh tẩy, được tinh luyện. Ngôn sứ Malakhi cho biết: “Bấy giờ, đối với Đức Chúa, chúng sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính. Lễ vật của Giuđa và của Giêrusalem sẽ làm đẹp lòng Đức Chúa như những ngày xa xưa, như những năm thuở trước.” (Ml 3:3b-4) Thiên Chúa muốn chúng ta dâng cho Ngài mọi sự, cả cuộc đời này, thậm chí là cả tội lỗi của chúng ta, và cầu xin Ngài biến đổi chúng ta nên khí cụ để Ngài dùng theo ý Ngài.

Như mạch nước tuôn trào, niềm hạnh phúc cứ dâng cao. Không thể lặng im nên Thánh Vịnh gia mời gọi: “Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên, cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào.” (Tv 24:7 & 9) Đức Vua đó là ai? Là “Đức Chúa mạnh mẽ oai hùng, Đức Chúa oai hùng khi xuất trận.” (Tv 24:8 & 10) Từ đáy lòng, tín nhân phải biết không ngừng tán dương Thiên Chúa: “Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời.” (Lc 19:38) Lạ lùng thay, chúng ta ca tụng Chúa thì Ngài cũng chẳng thêm chút lợi gì, mà tạo cơ hội tốt và sinh ích lợi cho chính chúng ta. Vả lại, Ngài thực sự xứng đáng được tôn vinh.

Lời của Thánh Phaolô như một cách giải thích: “Vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giêsu đã cùng mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ.” (Dt 2:14-15) Lý do thế này: “Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu Abraham. Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân.” (Dt 2:16-17)

Bất cứ thứ gì cũng có lý do riêng. Có một lý do đặc biệt: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách.” (Dt 2:18) Đó là một thực tế minh nhiên. Về phương diện nhân loại, người ta chỉ có thể CHO những gì mình CÓ, không có thì không thể cho; hoặc người ta càng dày dạn kinh nghiệm thì người ta càng khôn ngoan, càng có thể tư vấn cho người khác. Đó là một cách chia sẻ, yêu thương.

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy theo luật Môsê, Đức Maria và Đức Giuse đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa theo Luật Chúa truyền: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa.” (Lc 2:23) Đồng thời cũng để dâng của lễ theo Luật, có thể là một đôi chim gáy hoặc một cặp bồ câu non. Hồi ấy, ở Giêrusalem có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính, sùng đạo, vẫn mong chờ niềm an ủi của Israel, và luôn được Thánh Thần ngự xuống. Ông đã được linh báo rằng ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Và điều đó đã ứng nghiệm.

Ông được Thần Khí thúc đẩy nên hôm đó ông lên Đền Thờ vào lúc Hài Nhi Giêsu được cha mẹ đem tới để chu toàn tập tục Luật truyền. Chính tay ông ẵm Hài Nhi và chúc tụng Thiên Chúa bằng bài ca An Bình Ra Đi – Nunc Dimittis: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, Xin để tôi tớ này được an bình ra đi, Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ. Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, Là vinh quang của Israel Dân Ngài.” (Lc 2:29-32)

Cả Đức Maria và Đức Giuse đều ngạc nhiên vì những lời ông Simêôn vừa nói về Người Con. Ông Simêôn chúc phúc cho hai người và nói với mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính Cô, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Cô.” (Lc 2:34-35) Một lời tiên tri rất đáng “quan ngại.” Nhưng Đức Maria không chút bàng hoàng, thầm lặng ghi nhớ và hằng ngày suy đi ngẫm lại.

Trong cuộc sống đời thường, người ta vẫn cho rằng tin vào số mệnh là dị đoan – theo nghĩa tiêu cực, nhưng không hề dị đoan – theo nghĩa tích cực, bởi vì mỗi người đều đã được Thiên Chúa quan phòng và tiền định từ đời đời, nghĩa là ai cũng có một số mệnh. Ngôn sứ Isaia đã xác định: “Đức Chúa là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Giacóp về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh Người. Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.” (Is 49:5) Thánh Phaolô cho biết: “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.” (Ep 2:10) Đó chính là số mệnh của các tội nhân – những người mang Đức Kitô trong mình.

Theo lời kể của Thánh sử Luca, hôm đó có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơnuên, thuộc chi tộc Ase, đã tám mươi tư tuổi. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở góa. Bà không rời bỏ Đền Thờ, luôn ăn chay, cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Ngay lúc đó, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem. Thật lạ lùng!

Mọi việc hoàn tất theo Luật Chúa, Đức Maria và Đức Giuse trở về thành Nadarét, miền Galilê. Các Kitô hữu chúng ta cũng đã được thanh tẩy qua Bí tích Rửa Tội, được thánh hóa qua Bí tích Thêm Sức, rồi lại thường xuyên được thanh tẩy qua Bí tích Hòa Giải, đôi khi cả Bí tích Xức Dầu nữa. Cuộc đời Kitô hữu là một Chuỗi Thánh Ân. Vì thế, chúng ta phải không ngừng nỗ lực noi gương Đức Kitô để sao cho “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.” (Lc 2:40) Khát khao và mong ước lắm!

Lạy Thiên Chúa, xin thanh tẩy mọi thứ ô uế – sai lầm và tội lỗi – trong linh hồn để chúng con xứng đáng làm chứng về Ngài nơi trần tục này. Chúng con xin tận hiến cho Ngài trót đời chúng con, xin làm cho chúng con trở nên ánh sáng chiếu vào vùng bóng tối lầm lạc. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU