Lòng đạo đức bình dân theo Giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô

Đội con hoa của Giáo họ Mai Châu, Gp Bắc Ninh dâng hoa kính Đức Mẹ tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội. Ngày 09.05.2015

Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện một số bài viết phản ánh và phê bình cả tích cực lẫn tiêu cực trong việc cử hành Phụng vụ thánh và thực hành lòng đạo đức bình dân ở một số Hội Thánh địa phương. Người viết không dám đưa ra nhận định ai đúng ai sai trong vấn đề này, mà chỉ dám trích dẫn một vài giáo huấn của ĐTC Phanxicô để người đọc, với sự khôn ngoan của mình, có thể có những nhận định riêng về những vấn đề đang xảy ra.

Trong Tuân huấn Niềm Vui của Tin Mừng (EG) [1], ĐTC Phanxicô đã đề cao những giá trị tích cực của việc thực hành lòng đạo đức bình dân. Nhưng đồng thời ngài cũng hướng dẫn việc chọn lựa cách thức thực hành thế nào cho phù hợp và đưa ra những lời khuyên giúp các tín hữu có sự sáng suốt trong việc hội nhập văn hóa và Phúc Âm hóa các nền văn hóa.

Ngài nói: “Chúng ta có bổn phận phúc âm hoá các nền văn hoá để đưa Tin Mừng vào văn hoá. Tại các nước có truyền thống Công Giáo, chúng ta có bổn phận khuyến khích, nuôi dưỡng và tăng cường một sự phong phú vốn đã có rồi. Tại các nước có các truyền thống tôn giáo khác, hay các nước tục hoá sâu đậm, chúng ta có bổn phận mở ra những tiến trình mới để phúc âm hoá nền văn hoá, mặc dù công việc này đòi hỏi một kế hoạch dài hạn. Tuy nhiên chúng ta phải lưu ý rằng, chúng ta không ngừng được mời gọi tăng trưởng. Mỗi nhóm văn hoá và xã hội cần được thanh tẩy và lớn lên. Trong trường hợp các nền văn hoá bình dân của dân Công Giáo, chúng ta có thể thấy những khuyết tật cần phải được chữa lành bởi Tin Mừng: thói trọng nam khinh nữ, tật nghiện rượu, bạo lực gia đình, ít đi lễ, các khái niệm về số phận hay mê tín dị đoan làm người ta chạy theo ma thuật phù phép, v.v… Chính lòng đạo bình dân có thể là một điểm xuất phát để chữa lành và thoát khỏi những khuyết tật này” (EG, #69).

ĐTC cũng đưa ra những nguy cơ của việc chạy theo những hình thức bên ngoài làm tục hóa ý nghĩa thánh thiêng và không biểu lộ tinh thần tôn giáo đích thực. Muốn không bị rơi vào tình trạng mê tính dị đoan hay chạy theo hình thức, dẫn đến sai lạc đức tin tinh tuyền của Hội Thánh, cần phải có sự thận trọng việc tổ chức các thực hành lòng đạo đức bình dân. Mọi việc cử hành đều phải dựa trên nền tảng của Phụng vụ và Tín lý của Hội Thánh. Vì đã xảy ra ở một số nơi, người ta nhân danh mạc khải tư hay chủ nghĩa cá nhân để rồi phát kiến ra những hình thức mới mẻ của việc thờ phượng không đúng với tinh thần chung của Hội Thánh. Do đó, ĐTC nhấn mạnh việc thực hành đạo đức bình dân nhằm mục đích gia tăng đức tin cho người tín hữu, chứ không phải đi tìm sự mới lạ hay để phô trương không cần thiết. “Cũng đúng là đôi khi chúng ta nhấn mạnh quá nhiều vào các biểu hiện bên ngoài và các truyền thống của một số nhóm, hoặc quá đề cao các mặc khải riêng thay cho mọi thứ khác, hơn là tập trung vào năng động lực của lòng đạo Kitô giáo. Có một thứ Kitô giáo được cấu tạo bởi những việc sùng mộ phản ánh một đời sống đức tin mang tính cá nhân chủ nghĩa và tình cảm, mà trên thực tế không tương ứng với một “lòng đạo bình dân” chân chính. Một số người cổ xuý các cách biểu hiện này trong khi hoàn toàn không quan tâm tới việc thăng tiến xã hội hay việc đào luyện giáo dân, và trong một số trường hợp, họ chỉ nhắm tới những lợi lộc kinh tế hay quyền lực trên những người khác” (EG, #70).

Đức Phanxicô khuyến khích các dân tộc duy trì truyền thống văn hóa của mình trong sự năng động và đổi mới. Việc Phúc Âm hóa các truyền thống văn hóa phải đặt dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và sự khôn ngoan của Hội Thánh. Vì thế, có tính kế thừa và đổi mới trong việc hội nhập văn hóa và thực hành lòng đạo bình dân là cần thiết. “Cũng thế, chúng ta có thể thấy rằng các dân tộc khác nhau mà Tin Mừng đã được hội nhập vào nền văn hoá của họ cũng là những chủ thể hay tác nhân tập thể tích cực của việc truyền giáo. Lý do là vì mỗi dân tộc là người sáng tạo nền văn hoá của mình và là vai chính của lịch sử của họ. Văn hoá là một thực tại năng động mà một dân tộc không ngừng tái tạo; mỗi thế hệ truyền lại cho thế hệ sau cả một chuỗi các cách tiếp cận các tình huống hiện sinh khác nhau, để cho thế hệ sau tiếp tục định hình lại chúng khi đối diện với những thách thức riêng của mình. Là người có nghĩa là “vừa là con vừa là cha của nền văn hoá của mình”. Một khi Tin Mừng đã được hội nhập vào văn hoá của một dân tộc, trong tiến trình thông truyền văn hoá của họ, họ cũng thông truyền đức tin trong những hình thức luôn luôn mới mẻ; vì vậy hiểu truyền giáo như là hội nhập văn hoá là điều quan trọng. Bằng việc cụ thể hoá ân huệ Chúa ban trong chính cuộc sống mình và phù hợp với tài năng riêng của mình, mỗi thành phần của dân Thiên Chúa làm chứng cho đức tin mình đã lãnh nhận và làm làm giàu cho nó bằng những cách diễn tả mới và có sức thuyết phục. Ta có thể nói rằng “một dân tộc không ngừng tự phúc âm hoá chính mình”. Ở đây ta thấy tầm quan trọng của lòng đạo bình dân, một cách diễn tả đích thực về hoạt động truyền giáo tự phát của Dân Chúa. Đây là một tiến trình đang phát triển liên tục mà Chúa Thánh Thần là tác nhân chính” (EG, #122).

“Lòng đạo bình dân giúp chúng ta thấy rằng đức tin, sau khi được lãnh nhận, sẽ hội nhập vào một nền văn hoá và không ngừng được truyền lại cho các thế hệ sau như thế nào. Từng có thời bị coi thường, lòng đạo bình dân đã được đánh giá cao trở lại trong những thập niên sau Công Đồng. Trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tạo một động lực quyết định trong lãnh vực này. Trong Tông Huấn, Đức Giáo Hoàng nói rằng lòng đạo bình dân “biểu lộ một lòng khao khát Thiên Chúa mà chỉ những kẻ đơn sơ và nghèo khó mới cảm nhận được” và “nó khiến người ta có thể quảng đại và hy sinh đến mức anh hùng khi cần chứng tỏ đức tin”. Gần chúng ta hơn, Đức Bênêđictô XVI khi nói về Châu Mỹ Latinh, đã vạch ra rằng lòng đạo bình dân là “một kho báu của Hội Thánh Công Giáo”, ở đó “chúng ta thấy được tâm hồn của các dân tộc Mỹ Latinh” (EG, #123)

ĐTC xác tín rằng, ngay cả những việc thực hành lòng đạo đức bình dân cũng là sự phong phú mà Chúa Thánh Thần tuôn đổ vào trong đời sống của Hội Thánh. Tùy hoàn cảnh, tùy văn hóa, tùy không gian và thời gian, mà Chúa Thánh Thần hoạt động một cách thức khác nhau qua sáng kiến tự do của Ngài. ĐGH Phanxicô trích dẫn một lập luận trong Văn kiện Aparecida của Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI bàn về việc thực hành đạo đức bình dân ở Châu Mỹ La Tinh như sau. “Tại châu lục thân yêu ấy, nơi nhiều Kitô hữu bộc lộ đức tin qua lòng đạo bình dân, các giám mục cũng gọi nó là “linh đạo bình dân” hay “khoa thần bí của dân chúng”. Nó đúng là “một linh đạo nhập thể trong văn hoá của những người thấp hèn”. Và nó không thiếu nội dung; đúng hơn, nó khám phá và diễn tả nội dung ấy bằng các biểu tượng hơn là bằng lý luận của ngôn từ, và trong hành vi đức tin, nó nhấn mạnh vào credere in Deum (“tin vào Thiên Chúa”) hơn là credere Deum (“tin Thiên Chúa”). Nó là một cách sống đức tin hợp lệ, một cách cảm nhận mình là thành phần của Hội Thánh và biểu lộ tư cách người truyền giáo”; nó mang theo mình ơn gọi làm người truyền giáo, vượt ra khỏi bản thân mình để lên đường hành hương: “Cùng lên đường tới các đền thánh và tham gia vào các cuộc biểu dương lòng đạo bình dân, đồng thời đem theo con cái và mời gọi người khác cùng đi, việc ấy tự nó là một cử chỉ loan báo Tin Mừng”. Chúng ta đừng bóp nghẹt hay tìm cách kiểm soát sức mạnh truyền giáo này!” (EG, #124).

Đứng trước những thách đố của việc thực hành đạo đức và thần học Kitô giáo, ĐTC mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn của người Mục Tử Nhân Lành. Quan tâm và có cái nhìn cảm thông với những người đơn sơ, nghèo hèn trong xã hội. Vì họ không có cơ hội hoặc khó khăn trong việc tiếp cận với nền thần học cao siêu, nhưng với sự giản dị và chân thành ngang qua việc thực hành lòng đạo đức bình dân, họ có thể gặp gỡ và đụng chạm đến Thiên Chúa theo cảm nhận riêng của mình. Thánh Kinh cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng luôn gần gũi và lắng nghe những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn, vì thế các mục tử hãy mang trong mình lòng chạnh thương của Thiên Chúa trước đoàn chiên mà Hội Thánh giao phó cho mình. “Để hiểu thực tại này, chúng ta cần tiếp cận nó bằng cái nhìn của người Mục Tử Nhân Hậu, không xét đoán nhưng tìm cách yêu thương. Chỉ với bản tính đồng cảm phát sinh từ tình yêu, chúng ta mới có thể đánh giá cao đời sống hướng thần (theological) hiện tại trong lòng đạo của các dân tộc Kitô giáo, đặc biệt giữa những người nghèo. Tôi nghĩ đến lòng tin kiên vững của các bà mẹ chăm sóc những đứa con bệnh tật của họ, họ là những người rất yêu mến chuỗi mân côi dù có lẽ họ chỉ biết sơ sài những điểm của Kinh Tin Kính; tôi cũng nghĩ đến niềm hi vọng trọn vẹn được đổ vào một cây nến đốt lên trong nhà để cầu xin ơn trợ giúp của Đức Mẹ, hay cái nhìn trìu mến hướng lên tượng Chúa Kitô chịu nạn. Không một ai yêu mến dân thánh của Thiên Chúa mà có thể coi những hành động này chỉ là biểu hiện của một cố gắng thuần tuý phàm trần trong cuộc tìm kiếm Thiên Chúa. Chúng là biểu hiện của một đời sống hướng thần được nuôi dưỡng bởi tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng đã được đổ vào lòng chúng” ta (xem Rm 5:5) (EG, #125).

Do đó, ĐTC khuyên chúng ta không xem thường lòng đạo đức bình dân, nhưng ngài khuyến khích thực hành nó trong sự năng động và đặt dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. “Lòng đạo bình dân như là kết quả của Tin Mừng hội nhập trong văn hoá, là một sức mạnh phúc âm hoá tích cực mà chúng ta không được coi nhẹ: nếu không, chúng ta sẽ không thể nhận ra tác động của Chúa Thánh Thần. Trái lại, chúng ta được kêu gọi cổ vũ và tăng cường lòng đạo bình dân để đi sâu vào tiến trình không bao giờ kết thúc của hội nhập văn hoá. Các biểu hiện của lòng đạo bình dân dạy chúng ta nhiều điều; với những ai có khả năng đọc được những biểu hiện này, chúng là một locus theologicus (“cơ sở thần học”) mà chúng ta phải chú ý, đặt biệt ở thời điểm chúng ta đang hướng về cuộc tân phúc âm hoá” (EG, #126).

Với những giáo huấn của ĐTC Phanxicô được trích dẫn từ Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng hy vọng rằng người đọc có cái nhìn khách quan hơn về những vấn đề đang được tranh luận. Nhưng dù là việc cử hành Phụng vụ hay lòng đạo đức bình dân thì vẫn luôn đặt nền tảng trên đức tin, truyền thống và giáo huấn của Hội Thánh. Mọi việc cử hành đều hướng đến mục đích tôn vinh Thiên Chúa, củng cố đức tin và nuôi dưỡng lòng đạo đức cho các tín hữu, đồng thời dẫn đưa họ đến gần hơn với Thiên Chúa. Tránh tình trạng lạm dụng Phụng vụ thánh, chạy theo hình thức bên ngoài để rồi đánh mất ý nghĩa thánh thiêng bên trong. “Tính chất tùy nghi của những việc đạo đức không bao giờ hàm nghĩa sự thiếu hiểu biết hay khinh dể những việc ấy. Trái lại, cần phải nâng cao giá trị những mặt phong phú của lòng đạo đức bình dân, với những tiềm năng và phẩm chất của đời sống Kitô hữu mà lòng đạo đức ấy có thể khơi dậy… Việc nâng cao giá trị này cần phải đi đôi với công việc thanh lọc, để chúng được hài hòa với mầu nhiệm Kitô… Lòng đạo đức bình dân cần phải làm cho xuất hiện những yếu tố sau: Sự linh hứng từ Kinh Thánh; Sự linh hứng từ phụng vụ; Sự linh hứng từ đại kết; Sự linh hứng mang tính nhân chủng học” (xem Kim Chỉ nam về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng vụ: nguyên tắc và định hướng (PPL), #12) [3]. Chúa Thánh Thần vẫn luôn hoạt động trong Hội Thánh, nơi vị chủ chăn của Hội Thánh hoàn vũ và các Hội Thánh địa phương. Các ngài có đủ sự khôn ngoan để phân định việc gì được phép làm và việc gì không được phép. Vì vậy, đừng vội lên án hay chỉ trích, nhưng hãy kiên nhẫn trong sự tin tưởng.

Thiết nghĩ cũng cần nhắc lại khái niệm của các cụm từ quen dùng trong Hội Thánh liên quan đến các việc thờ phượng (dựa trên Hiến chế về Phụng Vụ Thánh (SC) và Kim Chỉ nam về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng vụ [4]) để người đọc có sự phân biệt rõ hơn:

– Phụng vụ (Liturgia): “Phụng vụ là chóp đình và nguồn mạch của đời sống Hội Thánh” (SC, #10). Là một hành động liên quan đến toàn thể dân Thiên Chúa. Phụng vụ không chỉ là những dấu chỉ khả giác hay một lễ nghi lộng lẫy và thần bí. Phụng vụ cũng không phải là một tổng hợp những luật chữ đỏ chỉ dẫn cách thực hành. Công đồng Vaticano II xác định: “Phụng vụ là việc thi hành chức năng tư tế của chính Chúa Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu hiện nhờ những dấu chỉ khả giác và được thực hiện cách hữu hiệu với cách thế riêng biệt của mỗi dấu chỉ và việc phụng tự công cộng toàn vẹn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là cả Đầu và các chi thể. Do đó, vì là công việc của Chúa Kitô Tư Tế và Thân Thể Người là Hội Thánh, nên tất cả các cử hành Phụng vụ đều là hành vi linh thánh trổi vượt, không một hành vi nào khác của Hội Thánh có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp” (SC, #07). Dựa vào một vài yếu tố chính yếu của cử hành Phụng vụ, ta có thể nói: Phụng vụ là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh được thừa tác viên hợp pháp cử hành đúng nghi thức và cử hành nhân danh toàn thể Hội Thánh. Như vậy, một cử hành có tính Phụng vụ đòi phải có ba yếu tố: 1) Phải là nghi lễ chính thức của Hội Thánh được ấn định trong các sách Phụng vụ, chứ không phải là lời nguyện tự phát theo sáng kiến cá nhân; 2) Phải do một thừa tác viên hợp pháp cử hành, nghĩa là những người được Hội Thánh cắt đặt và ban quyền chủ sự (giám mục, linh mục và phó tế), và cử hành đúng nghi thức của Hội Thánh đã ấn định; 3) Phải cử hành nhân danh toàn thể Hội Thánh vì Phụng vụ không bao giờ có tính cá nhân cho dù thừa tác viên cử hành một mình [2]. Có thể kể ra một vài việc cử hành thuộc về Phụng vụ như: Thánh lễ, cử hành các bí tích và á bí tích, Phụng vụ các giờ kinh, chầu Thánh Thể (có ban phép lành Thánh Thể)…

– Lòng đạo đức bình dân (Pietà popolare): “Là thuật ngữ chỉ định những biểu hiện phụng tự mang tính cách cá nhân hay cộng đoàn, trong khuôn khổ đức tin Kitô giáo, không theo các thể thức Phụng vụ. Lòng đạo đức bình dân mang những sắc thái đặc thù thuộc tinh hoa của một số dân tộc hay sắc tộc, là “một kho tàng đích thực của dân Chúa”; “biểu lộ một sự khát khao Thiên Chúa mà chỉ có những người đơn sơ và khó nghèo mới có thể hiểu được; làm cho người ta có khả năng quảng đại và hy sinh cho đến mức độ anh hùng khi cần chứng tỏ đức tin. Nó bao gồm một cảm thức bén nhạy về những thuộc tính thâm sâu của Thiên Chúa: tình phụ tử, sự quan phòng, sự hiện diện trìu mến và liên lỉ. Từ đó, dẫn tới những thái độ nội tâm hiếm thấy ở nơi nào khác với cùng một mức độ như vậy: kiên nhẫn, ý thức về thập giá trong đời sống hàng ngày, sự từ bỏ, sự cởi mở đón nhận những việc sùng mộ khác” (PPL, #09). Chúng ta có thể kể đến một vài việc cử hành thuộc về lòng đạo đức bình dân như: lần Chuỗi Mân Côi, ngắm Đàng Thánh Giá, rước kiệu, đi hành hương, làm tuần cửu nhật, đọc kinh và cầu nguyện chung tại gia đình, dâng hoa kính Đức Mẹ…

– Các việc thực hành đạo đức (Pio esercizio): “Thuật ngữ ngày chỉ các biểu hiện chung hay riêng của lòng đạo đức Kitô giáo, dù không thuộc về Phụng vụ, nhưng nó vẫn hài hòa với Phụng vụ, lấy cảm hứng từ Phụng vụ, và dẫn đưa dân Chúa đến Phụng vụ. Một số việc thực hành đạo đức này được thực thi theo lệnh của Tòa Thánh; một số khác theo lệnh của các Giám mục. Nhiều biểu hiện gắn liền với truyền thống phụng tự của các Giáo hội địa phương và những gia đình dòng tu. Những biểu hiện này luôn quy chiếu vào mạc khải chung và đặt nền tảng trong Hội Thánh, liên quan đến những thực tại về ân sủng được mạc khải trong Đức Giêsu Kitô, phù hợp với những “luật lệ và quy tắc của Hội Thánh”, được cử hành theo những phong tục hay những sách được Hội Thánh phê duyệt” (PPL, #07)

– Các việc sùng kính (Devozioni): “Thuật ngữ này chỉ những việc thực hành bên ngoài (kinh nguyện, bài ca, việc tôn trọng một khoảng thời gian hoặc một số nơi đặc biệt. Những phù hiệu, những ảnh đeo, những tập quán và những quy tắc) do đức tin khơi dậy từ nội tâm, chú trọng đặc biệt đến một mối tương quan nào đó giữa các tín hữu và Thiên Chúa Ba Ngôi, hoặc Đức Trinh Nữ Maria, hoặc các thánh, được xem là đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” (PPL, #08)

– Tín ngưỡng bình dân (Religiosità popolare): “Thực tại được chỉ ra với cụm từ “tín ngưỡng bình dân” liên quan đến kinh nghiệm phổ quát: trong lòng của mỗi người, cũng như trong văn hóa của mỗi dân tộc và trong những biểu hiện mang tính cộng đoàn, thì luôn luôn mang chiều kích tôn giáo nào đó. Trên thực tế, mỗi dân tộc đều có xu hướng diễn tả quan điểm toàn diện của mình về sự siêu việt và khái niệm của mình về tự nhiên, xã hội và lịch sử ngang qua các nền văn hóa trung gian. Và như thế, họ thực hiện một nỗ lực tổng hợp đặc biệt mang chiều kích vừa nhân bản vừa thiêng liêng rất cao cả” (PPL, #10).

An Bình, C.Ss.R.

[1] Bản dịch của Ủy ban Loan Báo Tin Mừng, HĐGMVN.

[2] Xem https://augustino.net/tim-hieu-phung-vu/bai-1-phung-vu-ki-to-giao/

[3] Xem https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nhan-doc-kim-chi-nam-ve-long-dao-duc-binh-dan-va-phung-vu-nguyen-tac-va-dinh-huong–42163

[4] Ibid.