Mấy dòng tưởng niệm người cắt tóc một thời của Tu viện Thái Hà

Tối nay tôi nhận được mấy tin báo Ông Cố Hùng qua đời. Tự nhiên tôi chảy nước mắt.

Ông chẳng có họ hàng gì với tôi. Ông chẳng phải là người quan trọng trong đạo ngoài đời.

Ông chỉ là một giáo dân trong đạo. Ông chỉ là một thợ cắt tóc giữa đời.

Song tôi kính mến ông từ hồi tôi mới đến Thái Hà cách đây gần 33 năm về trước.

Tôi thấy ông là người hiền lành và đạo đức.

Có lẽ vì yêu mến Dòng Chúa Cứu Thế nên ông đặt tên thánh cho con trai trưởng là Anphongsô-Thánh Tổ phụ của DCCT.

Có lẽ vì mến phục cha Vũ Ngọc Bích, DCCT nên ông lấy tên Thánh Giuse Quan Thầy của ngài để đặt tên thánh cho con trai thứ .

Tôi kính mến và cảm phục ông nhất là vì ông đã can đảm chấp nhận hy sinh, nguy hiểm, gắn bó và chia sẻ với Tu viện Thái Hà chúng tôi trong những năm tháng khó khăn nhất.

Khi ấy Tu viện Thái Hà chỉ có Cha Già Bích và tôi.

Nhà thờ khi ấy chỉ có lễ trưa thứ bẩy là đông, vì có giáo dân từ khắp nơi đến kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Còn lễ chiều thứ bẩy và nhất là lễ chiều chúa nhật thì lèo tèo có khi chỉ được 100 người-200 người. Vì vậy, lòng nhà thờ, phía hàng cột bên tay trái và khu vực phía cuối biến thành chỗ để xe đạp, xe máy và xe xích lô.

Người đi lễ đã ít. Người dám đến Tu viện gặp Cha Già Bích và giúp việc ngài lại càng hiếm. Vì khi ấy nhà cầm quyền cộng sản bách hại Công giáo và Tu viện Thái Hà bị theo dõi, bao vây và cô lập.

Hơn nữa; hơn nữa bấy giờ lại đang là thời bao cấp, nhà cầm quyền nắm dạ dày thiên hạ và nhiều người sợ mất công ăn việc làm hoặc sợ ra khỏi cổng Nhà Dòng có thể bị công an chặn lại mời vào đồn xét hỏi phiền phức, nên tránh giao tiếp với Cha Già Bích và tránh đến tu viện Thái Hà.

Trong hoàn cảnh như thế, ai dám công khai sống đạo thì chịu nhiều thiệt thòi; ai dám giúp đỡ các cha hay dám phục vụ ở nhà thờ thì phải là người rất đạo đức, rất có bản lĩnh và/hoặc là người chẳng có gì để mất.

Ai được các cha tin tưởng lại càng hiếm nữa.

LÚC ĐÓ, TÔI THẤY ÔNG CỐ HÙNG THUỘC VÀO SỐ ÍT NHỮNG NGƯỜI TRUNG TÍN VỚI GIÁO HỘI, SỐ ÍT NHỮNG NGƯỜI DÁM GẦN GŨI GIÚP ĐỠ CÁC CHA VÀ NHẤT LÀ THUỘC SỐ ÍT NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CÁC CHA TIN TƯỞNG VÀ YÊU MẾN.

Ông lúc đấy còn là thanh niên mới ngoài 30 tuổi.

Ông đi lễ hàng tuần ở Thái Hà, vì Phùng Khoang không có cha xứ. Ông thuộc số vài giáo dân Phùng Khoang được Cha Già Bích tin tưởng và thỉnh thoảng nhờ cậy việc nọ kia.

Mỗi tháng một lần ông còn đến Thái Hà cắt tóc cho Cha Già Bích và tôi. Lúc đấy ông đang làm việc ở Tổ Cắt tóc của Hợp Tác Xã Phùng Khoang.

Vì hồi ấy tôi thường làm tiểu đồng mở cổng, nên tôi vẫn nhớ hình ảnh ông dắt cái xe đạp cũ và bộ đồ nghề cắt tóc đặt trong cái túi cao-su buộc ở khung xe và một cái ghế xếp ở một bên gác-ba-ga.

Ông dựng tại hành lang dãy nhà ngang, chào ông Năm, bà Tư và cô Huệ. Ông rửa ráy một chút ở bồn nước góc sân, trước cửa bếp. Rồi ông mở đồ nghề ra làm việc. Ông cắt cho Cha Già Bích trước và cắt tóc cho tôi sau.

Xong ông luôn được mời ở lại ăn trưa và nói chuyện với Cha Già và tôi.

Thời đấy phải là người đáng tin và thân tình lắm mới được Cha Già Bích cho vào ăn cơm và nói chuyện với ngài trong tu viên.

Tôi thấy ông ít nói, nếu có thì nói từ tốn và ít khi đưa ra bình luận. Tôi nghĩ có lẽ đấy là điều mà Cha Già Bích rất thích nơi ông và rất tin ông.

Ông thỉnh thoảng hỏi Cha Già về lẽ đạo. Còn Cha Già thì hỏi ông nhiều về tình hình giáo xứ Phùng Khoang và các giáo xứ gần đó như Hà Đông, Đông Lao, Cát Thuế, Đại Ơn, etc.

Hồi đó, các đấng bậc trong Giáo Hội rất thiếu thông tin về tình hình đạo nghĩa ở các nơi, đặc biệt là thông tin liên quan đến thái độ và cách ứng xử của nhà cầm quyền địa phương tại các giáo xứ .

Vì thời đó không điện thoại. Vì đi lại khó khăn và phương tiện thiếu thốn.

Vì thời gian bị quản lý: hầu hết mọi người phải làm thành viên của các HTX nông nghiệp hoặc thủ công thì mới có hộ khẩu, mới có sổ gạo, mới có tem phiếu mua bán nhu yếu phẩm.

Vì thiếu linh mục và các linh mục lại không được ra khỏi địa phương mình cư trú để đi làm lễ ở những giáo xứ khác tại do mình phụ trách, nhưng nằm ở các xã huyện khác.

Tôi nhớ lúc đó, từ Ngã Tư Sở trở vào là Quận Đống Đa và Cha Già Bích được phép đi lại trong 4 quận nội thành. Qua khỏi Ngã Tư Sở, ra giáo xứ Phùng Khoang, thuộc huyện Từ Liêm, Ngoại thành Hà Nội, là không được, trừ khi có phép của nhà cầm quyền. Các cha khác cũng vậy.

Vì vậy, có những giáo dân đạo đức, nhiệt thành, không quản ngại hy sinh và đáng tin cậy như ông Hùng là rất quý; và những điều mà ông chia sẻ là rất hữu ích. Vì chúng góp phần giúp các đấng bậc hiểu rõ hơn tình hình các nơi và từ có có những cách ứng phó thích hợp để hướng dẫn giáo dân và bảo vệ Giáo Hội.

***
Năm 1989 Cha Già Bích gửi tôi vào tu tiếp ở Sài Gòn.

Năm 2005 khi tôi trở lại Thái Hà phục vụ thì không thấy ông đến cắt tóc cho các cha các thầy nữa.

Năm 2007 khi Cha Hinh về làm cha xứ và tôi được ngài nhờ đến làm lễ chúa nhật mỗi tuần ở nhà thờ Phùng Khoang, thì tôi vẫn gặp ông và có một vài lần vào thăm gia đình ông.

Những năm 2007-2010, khi phong trào đấu tranh cho công lý và sự thật nổ ra ở TGP Hà Nội, tôi thấy gia đình ông là một trong những gia đình tham gia tích cực nhất.

Ông bà và các con cái có mặt “trên từng cây số” ở Thái Hà-Tòa Khâm Sứ và các điểm nóng khác ở nội ngoại thành.

Ông và cả nhà ông đã sát cánh cùng chúng tôi và cùng bao nhiêu người khác và cùng các cha các thầy và các đức giám mục ở Hà Nội dấn thân cho công lý và sự thật trong các vụ việc khác nhau.

Ông và cả nhà ông đã cùng vui cùng buồn, cùng đau cùng khổ, cùng mất ăn mất ngủ với chúng tôi.

Tôi khâm phục tinh thần hy sinh và dấn thân cho Giáo Hội của ông và của mọi người trong gia đình ông. Tôi rất cảm động vì ông bà hay quan tâm đến tôi và lo cho tính mạng của tôi.

Cách đây vài năm, từ Roma tôi nghe tin cô con gái út của anh đã trở thành nữ tu trong Dòng MTG Hà Nội. Tôi nghĩ đó là hoa trái của lòng đạo đức của ông bà.

Nay ông được Chúa gọi về, tôi nghĩ ông đã hoàn thành sứ mạng đối với gia đình, xã hội và Giáo Hội.

Tôi cảm phục ông vì ông đã trung tín với Chúa và phục vụ Giáo Hội trong hoàn cảnh bị bách hại, mà không sợ hy sinh, nguy hiểm, thiệt thòi.

Tôi cám ơn ông vì ông đã hiện diện và chia sẻ với Tu Viện chúng tôi trong những lúc khó khăn nhất.

Tôi tin ông là một hạt giống tốt đã được gieo vào đất tốt và đã nảy sinh những hoa trái tốt như lòng Chúa mong muốn.

Xin Chúa cho ông được hạnh phúc đời đời trong Chúa./.

Viết thêm: Hồi trước tôi thấy có 5 người hay đến Thái Hà và hay gặp Cha Già Bích là các ông Giảng, ông Quang, ông Lợi, ông Hùng và anh Hiểu. Về sau tôi thấy ba người đầu có con đi tu làm linh mục (cha Trình, cha Hướng, thầy Trung), người thứ tư là ông Hùng thì có con làm nữ tu (soeur Hương). Còn anh Hiểu xin đi tu, nhưng vì sức khỏe yếu nên lại về lập gia đình, nay thành một gia trưởng đạo đức, có nhiều con trai. Hy vọng tương lai sẽ có cháu nào nối chí đi tu thay anh.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.