Mẹ con ở trong container này!

Cha Phaolô Lê Xuân Lộc cùng với người nhà bệnh nhân

Em chỉ vào container và nói với tôi “Mẹ con ở trong đây”! – Câu nói ấy vẫn còn ám ảnh tôi trong những ngày đại dịch Covid tại Sài Gòn.

Nhờ một phòng khám đa khoa, tôi xin làm một “nhân viên vận chuyển cấp cứu”. “Công việc” của tôi là nhận, giao oxy, trao thuốc điều trị f0 cho các bệnh nhân qua toa thuốc của các bác sĩ tư vấn trực thuộc Caritas Vietnam, và khi có thời gian tôi tham gia làm người vận chuyển lương thực chuyển những phần quà tiếp tế cho các khu bị phong tỏa…

Tuy nhiên, sau những công việc đó, việc chính mà tôi hướng tới đó là tôi có thể tiếp cận được với các gia đình, các nạn nhân để nâng đỡ, chúc lành và nếu có thể thì ban các phép bí tích; hoặc hiện diện làm các nghi thức cho người qua đời.

Ngày đầu ra đường thi hành sứ vụ, tôi cảm nhận Sàigòn như ngừng thở. Đường phố vắng tanh, mọi nẻo đường vào các khu phố hầu như bị phong tỏa, chỉ còn kẽm gai và các rào chắn! Mở đầu của mỗi cuộc điện đàm vào thời điểm đó, câu đầu tiên mỗi người phải nghe: “Ai ở đâu, ở yên đó…”, riêng đối với tôi, tôi cảm thấy mình may mắn được đi lại để đến với những tiếng kêu cứu của các bệnh nhân đang trở nặng cần oxy, của những ca nhiễm đang cần thuốc hoặc của những khu nhà trọ đang cần lương thực, thực phẩm…

Tôi đến với nhiều bệnh nhân, nâng đỡ, an ủi, chúc lành và ban các phép… cũng như gặp gỡ và chuyển nhiều phần quà của các nhóm thiện nguyện cho các khu trọ… Dù phải đối diện với nguy cơ của dịch bệnh nhưng khi nhìn thấy rất nhiều những hoàn cảnh đang rất cần được cứu giúp về lương thực, y tế cho đến nhu cầu tâm linh, đã giúp tôi vượt qua tất cả để đến với những người đang cần được cứu giúp.

Trong những lần làm mục vụ vào thời điểm đỉnh dịch, một trong những ca làm cho tôi bị ám ảnh là khi vào làm ‘phép xác’ cho một người bị nhiễm covid ở một bệnh viện. Tôi biết trình tự bảo quản thi thể người nhiễm covid rất nghiêm nhặt, nên khi có cuộc điện thoại nhờ tôi vào làm phép xác thì tôi e ngại làm sao có thể vào bệnh viện được trong thời gian này. Tuy nhiên, người nhà nói với tôi rằng, “chúng con có thể dẫn cha vào…”. Tôi hồi đáp, “nếu vào được thì tôi sẽ sẵn lòng…”

Đến điểm hẹn, tôi gặp em. Em giới thiệu là con gái của người mới qua đời. Sau khi làm thủ tục và mặc đồ bảo hộ, tôi theo em vào khu nhà Đại Thể. Cùng đi với em còn có 2 người em khác ở độ tuổi đôi mươi. Tôi cảm thấy rùng mình khi đi ngang qua một dãy container lạnh toát đang hoạt động nằm dưới mái che mới làm xong. Đi vào phía trong một chút, em dừng lại trước một container nằm riêng biệt phía cuối của dãy nhà, em chỉ tay vào container với đôi mắt muốn trực trào và nghẹn ngào nói “mẹ con nằm trong đây, cha ạ”.

Em lấy hết sự bình tĩnh để nói với tôi và tôi cảm nhận nơi em một nỗi đau tột cùng không thể tả xiết. Em như đã khóc hết nước mắt trước nỗi mất mát không chỉ người mẹ, nhưng chỉ vừa trước đó chưa đầy một tháng em đã mất luôn cả người bố. Bố mẹ em còn khá trẻ. Tôi không biết bố em sinh năm nào, nhưng nhìn vào tấm giấy ghi được dán trước bàn thờ, em vừa làm cho thân mẫu, có ghi năm sinh của mẹ em là 1965.

Em cho biết, bố em cũng nhiễm covid mất đầu tháng 8 thì sau đó một tháng mẹ em cũng nhiễm bệnh và qua đời. Tôi hiểu nỗi đau đớn của các em khi hiện diện bên mẹ nhưng không thể thấy được mặt mẹ lần cuối.

Bên cạnh container lạnh lùng, em chỉ có thể lập một bàn thờ tạm, em đặt di ảnh mẹ em và ít hoa nến và thắp nhang cho mẹ em. Tôi cùng các em đứng bên container hướng về bàn thờ đọc kinh cầu nguyện và làm nghi thức cho mẹ em, nhưng lúc ấy tôi ý thức rằng tôi không chỉ làm các nghi thức cầu nguyện cho mẹ em nhưng còn cho tất cả những nạn nhân đang nằm trong container đó cũng như những container đang ở ngoài kia để chờ ngày hỏa táng.

Đại dịch Covid đã cướp đi bố mẹ của các em. Xét về mặt con người, không gì có thể bù đắp được nỗi mất mát đó. Từ nay các em không còn mẹ cha. Có lẽ, không có lời an ủi nào có thể làm vơi đi được nỗi đau trước sự mất mát quá lớn này đối với các em. Các em giờ đây chỉ còn niềm tin vào Chúa là nguồn an ủi duy nhất cho các em.

Tạ ơn Chúa đã cho tôi có cơ hội được hiện diện với các em tong thời điểm đó để chia sẻ nỗi mất mát quá lớn lao này và bày tỏ với các em về Niềm Hy Vọng mà Thiên Chúa ban cho những ai tin vào Ngài: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người. Đó là niềm tin của chúng ta.” (Rm 6,8).

Tạ ơn Chúa đã gìn giữ anh em chúng tôi trong hai tháng phục vụ bình an.

Xin cám ơn tất cả mọi người đã khích lệ, đồng hành, giúp đỡ và cầu nguyện cho anh em chúng tôi trong suốt thời gian qua.

Sài Gòn, 28.10.2021

Lm. Paul Lộc, DCCT