Mầu nhiệm Chúa Phục Sinh, Thiên Chúa Ngôi Lời, trở nên phần đời của chúng ta bằng cách nào? Câu hỏi này mặc khải một “nghịch lý hay” về công việc của Thiên Chúa trong nhân loại và ân sủng nơi Thiên Chúa. Các câu hỏi như vậy cho chúng ta biết đại mầu nhiệm: Thiên Chúa làm người.
Thánh Gioan Thánh Giá trả lời câu hỏi này trong cuốn “Ascent to Mt. Carmel” (Lên Núi Camêlô), cuốn I, chương 13. Ngài dạy rằng nếu chúng ta thực sự muốn gặp gỡ Thiên Chúa và thực sự muốn tìm kiếm Ngài, chúng ta phải noi gương Ngài về mọi thứ. Ngài giải thích rằng nếu chúng ta thành công trong việc noi gương Ngài, chúng ta cũng phải tìm hiểu cuộc đời của Đức Kitô để tôn thờ Ngài.
Đây là dạng giáo lý “khó nuốt.” Thánh Gioan Thánh Giá nói rằng khi tìm hiểu cuộc đời Đức Kitô, chúng ta phát hiện Thiên Chúa từ bỏ các sự thỏa mãn không chính đáng đối với lòng tôn kính và tôn vinh Thiên Chúa. Thánh Gioan Thánh Giá tin rằng chúng ta có thể kết hợp mật thiết với Ngài nếu chúng ta chỉ làm những gì tôn vinh Thiên Chúa – nghĩa là từ bỏ bất kỳ niềm vui hoặc sự thuận tiện nào không làm vinh danh Chúa.
Nhiều người sợ kiểu nói đó. Một số người hiểu. Nhưng ít người sống như vậy!
Để hiểu điều Thánh Gioan Thánh Giá nói, chúng ta phải vượt qua ngoài cách nói của ngài. Để hiểu sự noi gương căn nguyên mà Thánh Gioan Thánh Giá đề nghị, chúng ta phải khám phá sâu xa xem Chúa Giêsu là ai đối với thánh nhân và thánh nhân đã làm gì khi ngài mời gọi chúng ta tìm hiểu cuộc đời Chúa Giêsu.
Thánh Gioan Thánh Giá tin rằng rất cần tìm hiểu Kinh Thánh, suy niệm, đọc sách thiêng liêng, chú ý Lời Chúa. Các việc đó phải tích tụ trong lòng chúng ta. Thánh nhân tin vào lý thuyết được thực hiện khi thánh nhân quỳ gối và luôn tìm kiếm yêu cầu của Thiên Chúa qua Phúc Âm. Đó là sức mạnh của Phúc Âm: Chúng ta càng gặp gỡ Đức Kitô, Ngài càng làm cho nội tâm chúng ta sôi động và biến đổi chúng ta trong tình yêu của Ngài.
Bất kỳ cách tìm hiểu nào không dẫn tới bình an nội tâm bởi Thiên Chúa tạo ra linh hồn, trong tâm trí, cách đó đều là lãng phí thời gian. Thánh Gioan Thiên Chúa gọi cách suy niệm sâu sắc là “cái nhìn chằm chằm” vào Chúa bằng đôi mắt đức tin – tìm kiếm ánh mắt yêu thương của Chúa đang nhìn chúng ta. Với niềm hy vọng yêu thương này mà chính thánh nhân đã tìm kiếm Đức Kitô trong kinh nguyện, tìm hiểu, suy niệm và không ngừng trò chuyện với Chúa.
Đức Kitô là Ngôi Lời của Chúa Cha, là Tân Lang của sự sáng tạo. Ngôi Lời Vĩnh Hằng giao tiếp với sự sống đời đời – ai được Ngài “chạm” vào thì luôn “bị” vết-thương-tình-ái. Người đó chỉ muốn sống cho tình yêu và chết cho tình yêu để dâng hiến chính mình trong tình yêu – vì họ hận biết cách yêu của họ và sự kỳ diệu mà Thiên Chúa đã yêu thương họ.
Thiên Chúa ban cho các linh hồn ấy chính Thánh Thể và Bửu Huyết của Ngài, chính Linh Hồn và Thần Tính của Ngài để nâng đỡ họ trong những ước muốn quý giá. Bất kỳ ai gặp Tân Lang này thì đều khao khát Tiệc Cưới và những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa dành cho những người tin. Đối với những người khát vọng yêu Thiên Chúa thì phải mong mỏi từ bỏ chính mình, muốn chết cho tội mình, nếu không thì vô ích. Tình yêu sẽ chẳng là gì nếu không có lòng hy sinh và chịu đau khổ!
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Beginning-To-Pray)